Thay đổi phương pháp quản lý và thu hồi nợ đọng

(HQ Online)- Tiếp tục rà soát, áp dụng triệt để các biện pháp thu hồi nợ, đồng thời đi sâu phân tích vào những khoản nợ khó đòi để đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ… Đó là những nhiệm vụ đặt ra trong công tác thu hồi nợ của ngành Hải quan được triển khai trong năm 2016.

Cơ quan Hải quan sẽ đi sâu phân tích vào những khoản nợ khó đòi để đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ. Ảnh: T.Trang.

Đến thời điểm 31-12-2015, nợ thuế chuyên thu của ngành Hải quan là khoảng 4.370 tỷ đồng, giảm khoảng 577 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2014, chiếm 1,67% tổng thu NSNN của toàn ngành Hải quan, giảm 0,28% so với thời điểm 31-12-2014.

Trong đó, tổng số thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn đến 31-12-2015 đạt 1.229,34 tỷ đồng, trong đó, thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn theo Quyết định 260/QĐ-TCHQ ngày 30-1-2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là 844 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế, tiền phạt thực hiện xóa theo đúng quy định là 48,83 tỷ đồng.

Đây có thể coi là một kết quả khả quan trong bối cảnh kinh tế đang dần phục hồi, DN còn hoạt động cầm chừng, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Và để đạt được kết quả trên, Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân tăng giảm nợ thuế tại các Cục Hải quan địa phương; đối với chỉ tiêu nợ thuế thu hồi đã giao cho các đơn vị đôn đốc, chỉ đạo thu hồi đúng theo chỉ tiêu được giao. Qua đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện gửi báo cáo số liệu nợ thuế đầy đủ, đúng thời hạn để kịp phục vụ công tác chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Đồng thời, để giảm nợ thuế, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo rà soát các khoản nợ tại các đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp để thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu. Kiểm tra, rà soát các DN đóng trên địa bàn còn nợ thuế, nợ phạt, làm việc với UBND tỉnh, thành phố đề nghị có ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để thu hồi nợ thuế.

Nhưng theo ông Nguyễn Hải Trang- Phó cục trưởng Cục Thuế XNK, đánh giá một cách khách quan, công tác thu hồi nợ thuế năm 2015 còn gặp nhiều khó khăn, bởi chỉ tiêu thu hồi nợ năm 2015 tại Quyết định số 260/QĐ-TCHQ giao các Cục Hải quan tỉnh, thành phố là căn cứ trên số tổng nợ chuyên thu quá hạn tính đến thời điểm 31-1-2014 do các đơn vị báo cáo. Theo đó, toàn bộ khoản nợ thuộc nhóm nợ có khả năng thu hồi được giao chỉ tiêu thu hồi 100%.

Tuy nhiên, do việc đánh giá, phân loại của địa phương đối với từng khoản nợ chưa chính xác, do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn không tìm được đối tác, đa số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động và chây ỳ không nộp thuế, nhiều DN bị phá sản, tài sản bị ngân hàng tịch thu và phát mãi nhưng chưa ai mua nên khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc thu hồi được nợ đọng thuế.

Chính vì vậy, khắc phục những bất cập trên, triển khai công tác thu hồi nợ đọng năm 2016, Cục Thuế XNK đã đặt ra mục tiêu, nắm chắc tình hình nợ thuế, thu hồi nợ thuế, các DN nợ và tính chất nợ của từng địa phương. Đồng thời đôn đốc các đơn vị thu đạt chỉ tiêu giao thu hồi nợ thuế, không để phát sinh nợ mới trong năm 2016.

Để triển khai mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2016, Cục thuế XNK đã đề ra các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, đã tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân tăng, giảm nợ thuế tại cục Hải quan địa phương.

Bên cạnh đó, Cục Thuế XNK cũng yêu cầu các cục Hải quan địa phương thực hiện gửi báo cáo số liệu nợ thuế đầy đủ, đúng thời hạn để kịp phục vụ công tác chỉ đạo trong đôn đốc thu hồi nợ thuế; rà soát nợ thuế và thực hiện thu hồi toàn bộ khoản nợ thuế có khả năng thu, thu đủ các khoản nợ mới phát sinh trong năm 2015, không để phát sinh nợ mới.

Đồng thời, chỉ đạo Hải quan địa phương thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp để thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu. Rà soát các khoản nợ chờ xóa, xử lý chặt chẽ các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế, gia hạn, xóa nợ đảm bảo đúng đối tượng, chỉ thực hiện khi có đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định...

Đặc biệt, tập trung rà soát lại để phân loại nợ thuế để có giải pháp xử lý phù hợp. Đây cũng chính là yêu của của lãnh đạo Tổng cục đối với công tác quản lý nợ thuế. Trong đó, tiếp tục đi sâu vào phân tích nợ khó đòi để có biện pháp với từng khoản nợ cụ thể.

Cùng với đó, ban hành văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện đôn đốc thu hồi nợ thuế và yêu cầu các đơn vị thường xuyên báo cáo về tình hình thu hồi nợ thuế. Cùng với đó, tổ chức các đoàn công tác tới đến các đơn vị Hải quan địa phương có số thu lớn, nợ thuế cao, nợ mới phát sinh tăng, loại hình phức tạp, nhiều mặt hàng nhạy cảm để quán triệt, yêu cầu địa phương nỗ lực thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế và hạn chế phát sinh nợ mới.

Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan Thuế để truy tìm DN, chủ sở hữu DN thực hiện thu hồi nợ đọng thuế theo quy định.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thay-doi-phuong-phap-quan-ly-va-thu-hoi-no-dong.aspx