Thành nhà Hồ hoang phế suốt 600 năm?

Sau khi Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, những bí ẩn xung quanh nó vẫn không ngừng được các nhà nghiên cứu khám phá, với những phát hiện thú vị. Tình cờ tại khu vườn nhỏ của gia đình nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Phan Bảo (còn được gọi là "nhà Thanh Hóa học”), chúng tôi được nghe ông nói về một giả thuyết: "Suốt 600 năm nay, Thành nhà Hồ hoàn toàn hoang phế, không có người ở”. Thoạt đầu, chúng tôi không tin lắm. Nhưng những dẫn chứng của ông Bảo khiến chúng tôi không khỏi nghi hoặc, nên ghi lại để bạn đọc tham khảo.

Thành nhà Hồ vẫn còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá

Những câu chuyện bí ẩn

Thành nhà Hồ là một công trình đá kì vĩ, được xây dựng theo kiến trúc "thượng thu hạ phách” bởi bàn tay những người thợ đá tài hoa cách đây hơn 600 năm. Nhà Hồ ở đây được 6 năm thì cơ đồ sụp đổ.

Trong "Đại Việt sử kí toàn thư” có chép chuyện các nhân sĩ khuyên Tể tướng Hồ Quý Ly không nên dời đô về động An Tôn. Các quan còn nghị bàn, quan Hành khiển Phạm Cự Luận khuyên can, nhưng Hồ Quý Ly không nghe. Lại đến quan Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: "Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Hãy nên noi theo việc trước: khi ấy quân Nguyên bị giết, giặc Chiêm phải nộp đầu... Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”. Hồ Quý Ly giận vì chữ "cốt ở đức” nên không những không nghe theo, mà sau này phế bỏ, không dùng Nguyễn Nhữ Thuyết.

Phải chăng Hồ Quý Ly, rồi những người con trai tài năng kiệt xuất của ông là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương không biết điều đó? Theo truyền miệng ngoài chính sử, khi đi tìm long mạch chọn đất đóng đô, Hồ Quý Ly nhìn thấy vùng đất ở động An Tôn này có địa thế hiểm trở, nhiều dãy núi cao, sông dài bao quanh, ở giữa nổi lên như một cái ấn trời thì cho rằng, đây là đất "Thạch bàn long xà, lục thập niên ký” (đất rồng chầu, rắn cuộn, vững như bàn thạch 60 năm), có thể xây dựng cơ nghiệp lâu dài. Nhưng Hồ Hán Thương thì cho rằng, đất này là "Long xà ẩm thủy, lục niên ký chủ” (rồng rắn uống nước, ở được 6 năm), tuy đúng là đất rồng chầu, rắn cuộn, nhưng thế đất còn non. Biết, nhưng vẫn không thay đổi quyết định, có lẽ do những sự bất đắc dĩ nào đó của thời thế chăng?

Về Thành nhà Hồ và đàn tế Nam Giao ở núi Đún (tên chữ là Đốn Sơn, ở xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc ngày nay), "Đại Việt sử kí toàn thư” cũng chép lại khá nhiều chuyện không may với nhà Hồ. Rất nhiều người bị sét đánh chết ở Đông Cung trong thành nội. Năm 1399, Hồ Quý Ly suýt nguy hiểm tính mạng trong lần hội thề với văn võ ở núi Đốn Sơn. Sách chép: "Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn. Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, y như lệ thiên tử ngự đến miếu, đến chùa. Cháu Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân trừng mắt ngăn lại, nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu. Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói: "Chết uổng cả lũ thôi”. Sự việc bị phát giác, Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất… và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước… Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa”. Vẫn theo sách này: "Người đời truyền, Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau có hạn hán, cầu mưa thì ứng nghiệm ngay”. Cũng cần nói thêm, đền thờ Trần Khát Chân nằm đối diện với cổng chính (phía nam) của Thành nhà Hồ, ngay gần núi Đốn Sơn, như một sự trớ trêu.

Đến khi Hồ Hán Thương nối ngôi cha cũng gặp sự chẳng lành ở đàn tế linh thiêng này. Vẫn "Đại Việt sử ký toàn thư” chép: "Tháng 8 (năm 1402), Hán Thương đắp đàn Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao (là lễ tế trời vào tiết Đông chí và tế đất vào tiết Hạ chí). Hôm tế, Hán Thương ngồi kiệu Vân Long, từ cửa nam đi ra, các cung tần, mệnh phụ, quan văn, quan võ trong triều theo thứ tự đi sau… Chưa từng làm lễ tế Giao. Nay Hán Thương mới bắt đầu làm lễ này. Nhưng vì khi dâng chén rượu, (Hán Thương) run tay, rượu bị đổ xuống đất, nên phải ngừng lại”.

Núi đá An Tôn được cho là nơi lấy đá xây Thành nhà Hồ

Hoang phế và sự hồi sinh

Bên cạnh những cứ liệu lịch sử, nhà nghiên cứu Phan Bảo đưa thêm một bằng chứng khảo cổ học quan trọng: "Những đợt khai quật, thám sát gần đây tại Thành nhà Hồ thu được rất nhiều hiện vật. Nhưng tuyệt đại đa số các di vật tìm được, từ nền móng tới chén bát, nồi niêu, gạch ngói vỡ, bi đá… đều có niên đại, dấu ấn thời Trần - Hồ. Chưa phát hiện dấu tích của các thời đại sau này như nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn. Hơn nữa bên trong thành, lượng phù sa bồi đắp dày đến hơn 70 cm, chứng tỏ thành nội đã được người dân biến thành ruộng lúa từ mấy trăm năm nay. Các nhà sử học sau này cũng không ghi chép thêm gì về tòa thành này, có lẽ vì trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta cũng như của xứ Thanh sau này đã chuyển về nơi khác. Nói điều đó để thấy, sau khi vương triều nhà Hồ sụp đổ, ngôi thành đá này gần như hoang phế.

Sau khi được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Thành nhà Hồ đã nhận được khá nhiều sự quan tâm. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang phối hợp với cơ quan chức năng từng bước khai quật khảo cổ học, kêu gọi nguồn lực đầu tư nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn di tích và thu hút du khách. Hy vọng, những bí ẩn xung quanh Thành nhà Hồ sẽ tiếp tục được khám phá và có những lời giải đáp thỏa đáng.

Gia Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=55532&menu=1437&style=1