Thanh Hóa: Đông nghịt người tham dự Chợ đánh nhau

Chợ Đánh nhau (còn gọi là chợ Chuộng) là phiên chợ chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm vào sáng ngày mùng 6 Tết Nguyên đán. Đây là phiên chợ cầu may đầu năm, là dịp để tất cả mọi người “đánh nhau” bằng rau củ quả, nhằm cầu cho năm mới thịnh vượng và may mắn.

Chợ Đánh nhau còn được gọi bằng nhiều tên như chợ choảng, chợ cầu may, chợ giải xui, chợ ân oán, chợ ẩu đả…

Phiên chợ diễn ra trên một bãi đất rộng bên bờ sông Hoàng (thuộc làng Ráng xã Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa. Từ sáng sớm đã có hàng nghìn người đi chợ.

Họ mang bán tất cả mọi thứ như rau củ quả, quần áo, đồ chơi… người dân nơi đây quan niệm rằng, họ đang mang bán những rủi ro, mua lại những may mắn cho năm mới nhiều tài lộc.

Từ sáng sớm, hàng nghìn người đã có mặt tại đây để cầu may đầu năm.

Phiên chợ thường có rất nhiều nam thanh nữ tú đi chợ. Họ đến chợ mua cà chua, táo… để ném nhau. Những cô gái đẹp thường hứng những trận “mưa hoa quả” vào người nhiều hơn.

Cuối phiên chợ, mọi người đều bán hết tất cả những đồ được mang đến dù đắt hay rẻ. Nếu còn thì tất cả mọi người sẽ ném nhau cầu may mắn cho năm mới.

Phiên chợ diễn ra có sự ra quân của chính quyền địa phương và lực lượng công an ở xã, huyện nên hiện tượng ném nhau đã bị hạn chế phần nào.

Ông Trần Văn Hồng - Công an xã Đông Hoàng cho biết: “Để giữ gìn trật tự, ngay từ sáng sớm tất cả lực lượng công an, cán bộ xã cùng với công an huyện được huy động phối hợp nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Nếu xuất hiện tình trạng đánh nhau thật thì chúng tôi phải vào cuộc giải quyết ngay”.

Rất nhiều thanh niên, già trẻ đi chợ từ sáng sớm.

Tương truyền rằng, chợ đánh nhau xuất phát từ câu chuyện: Một vị Vua bị truy sát trong một cuộc chiến với giặc thì chạy tới đây. Để cứu vua, giấu binh lính thì người dân nơi đây liền giả vờ tổ chức buổi chợ ngay tại đám đất trống này.

Vua và lính tráng được cải trang thành dân cày, vũ khí được che giấu trong đống rau củ. Giặc tới đây tưởng là phiên chợ bình thường nên không đề phòng. Ngay lúc này vua liền ra lệnh cuộc phản công và giành thắng lợi vẻ vang.

Cảm kích sự thông minh, dũng cảm của dân làng, Vua đã trong thưởng cho những người dân nơi đây. Kể từ đó, cứ đến ngày 6 âm lịch hàng năm, người dân địa phương lại tổ chức phiên chợ Chuộng như một nét văn hóa đặc sắc của vùng.

Mọi người đến đây ăn sáng cầu may đầu năm.

Lực lượng chức năng có mặt tại đây để đảm bảo an ninh trật tự cho phiên chợ.

Bánh đa gấc được bán, mua nhiều nhất. Theo quan niệm màu đỏ là mang lại may mắn.

Màu đỏ "lên ngôi" trong phiên chợ đánh nhau này.

Cà chua được bỏ sẵn trong từng túi để bán cho mọi người ném nhau.

Anh chàng trong tư thế ném "đá" vào người khác.

Thanh niên đứng thành hàng dài chờ đến cuối buổi chợ để ném quả vào người khác một cách thuận lợi nhất.

Rất nhiều mặt hàng được bán tại đây.

Những người phía dưới đang cố tẩu thoát khỏi màn mưa cà chua.

Nguyệt Chi

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/thanh-hoa-dong-nghit-nguoi-tham-du-cho-danh-nhau-d6214.html