Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hoạt động phong phú, rộng khắp

Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu và ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009 với chủ đề "Tiếp cận phổ cập và quyền con người" đã bắt đầu diễn ra từ ngày 10/11 và sẽ kéo dài đến ngày 10/12 với nhiều hoạt động phong phú, rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

*Tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Y tế và UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ phát động " Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/ AIDS " năm 2009. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chính thức phát động " Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2009", kêu gọi các tổ chức Đảng, chính quyền, toàn dân và cả hệ thống chính trị nâng cao nhận thức, ý thức chính trị tham gia vào mọi hoạt động phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống tệ nạn xã hội, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, tham gia các hoạt động chủ yếu trong tháng hành động này là mít tinh, diễu hành, tổ chức chiến dịch truyền thông, giao lưu văn hóa văn nghệ, phổ biến các loại ấn phẩm phòng chống HIV/ AIDS, vận động các tổ chức cá nhân tham gia ủng hộ, chăm sóc người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV hoạt động phòng chống lây nhiễm, nâng cao chất lượng các dịch vụ phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã phát biểu nêu rõ những thành tựu của đất nước ta trong cuộc đấu tranh ngăn chăn đại dịch HIV/AIDS trong gần 20 năm qua, nhấn mạnh ý nghĩa của việc thực hiện kế hoạch phòng chống HIV/ AIDS năm 2009 và hưởng ứng chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu nhân ngày thế giới phòng chống AIDS ( 1/12 ) với chủ đề chung là " Giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS " và chủ đề cụ thể của năm 2009 là " Tiếp cận, phổ cập và quyền con người ". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, tháng hành động này nhằm các mục tiêu là nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ hành vi của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về tiếp cận, phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm cho mọi người ; tăng cường cung cấp các dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm của tất cả mọi người; hỗ trợ của gia đình và xã hội với người nhiễm HIV và trách nhiệm của người nhiễm với gia đình, xã hội nhằm giảm sự kì thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/ AIDS... * Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009 (10/11 - 10/12), tại Thành phố Đông Hà, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề "Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng". Tại Hội thảo, đại diện Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Trị đã giới thiệu các khái niệm cơ bản về HIV/AIDS như bệnh chỉ lây qua đường máu, qua đường tình dục, từ mẹ sang con. Qua đó, lên án những hành động kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh... Được biết, tỉnh Quảng Trị phát hiện người dương tính đầu tiên với HIV/AIDS vào năm 1994, đến nay cả tỉnh có 163 người dương tính với HIV/AIDS. Qua Hội thảo lần này, Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh Quảng Trị mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng. * Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009, Trung tâm tuyên truyền giáo dục sức khỏe Trung ương, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi phòng, chống HIV/AIDS năm 2009 khu vực Bắc Trung Bộ. Tham gia Hội thi có 15 thí sinh đến từ 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Đây là 15 tình nguyện viên giỏi nhất đã được các tỉnh lựa chọn thông qua các cuộc thi tại các địa phương của mỗi tỉnh. Hội thi này nhằm đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho nhân dân, đồng thời tạo cơ hội để mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, tổ dân phố, các tuyên truyền viên phòng, chống HIV/AIDS nâng cao kiến thức kỹ năng truyền thông trực tiếp làm thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, nâng cao các kiến thức cho mọi người để phòng, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và qua đây cũng là để kêu gọi mọi người không nên kỳ thị đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Thông qua các phần thi, Hội thi kêu gọi tất cả mọi người thay đổi thái độ và hành vi về tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người. Tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS... * Ủy ban phòng chống AIDS TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai kế hoạch hoạt động nhân tháng thành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS với chủ đề “Giữ vững cam kết. Quyết tâm ngăn chặn AIDS”, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào việc tiếp tục mở rộng các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, chữa trị về HIV/AIDS và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ được cung ứng. Những hoạt động chính như: Tổ chức mít tinh tại hơn 160 phường xã; thăm và tặng quà cho bệnh nhân AIDS; phối hợp với các ban ngành tổ chức hội thảo về vai trò của truyền thông trong phòng chống HIV/AIDS; chương trình “Chuyện đời tự kể” giao lưu với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 47.700 người bị nhiễm HIV, trong đó 24.000 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 7.800 người tử vong. * Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12 ), ngày 30/11 tại Hà Nội, Hội phòng chống HIV/AIDS Việt Nam đã tổ chức Chương trình "Nối vòng tay với những bà mẹ mang thai sống chung với HIV" với sự tham dự đông đảo của các bà mẹ mang thai nhiễm HIV đang sinh sống tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Ước tính mỗi năm có khoảng 6.000 phụ nữ nhiễm HIV sinh con. Nếu những người này được xét nghiệm và điều trị kịp thời số trẻ bị nhiễm chỉ còn 250 cháu (nếu không được điều trị con số này là 2.000 cháu). Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Trưởng Tiểu ban dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con, Giám đốc bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết: Trong khi gần 100% số phụ nữ mang thai và sinh con tại các cơ sở sản phụ khoa, các bệnh viện phụ sản lớn được tư vấn và xét nghiệm và hầu hết họ đã được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; con của những sản phụ được cấp sữa thay thế sữa mẹ để giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được rộng khắp, các dịch vụ và thông tin dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa đến được hết mọi người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vẫn tiếp tục gia tăng, chiếm 18%; tỷ lệ phụ nữ mang thai có HIV , chiếm từ 0,25 đến 1,38% tổng số sản phụ ; tỷ lệ phụ nữ có thai dương tính với HIV được điều trị ARV là 33%. Vì vậy, việc giúp các bà mẹ chẳng may nhiễm HIV nhất là những trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm sẽ không bị nhiễm HIV và giúp họ hòa nhập cộng đồng là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và nhân văn bởi đa phần cuộc sống vật chất và tinh thần của họ đều hết sức khó khăn. Để giúp người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm và khó khăn cũng như vận động toàn xã hội giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nói chung và những bà mang thai nhiễm nói riêng, Hội phòng chống HIV/AIDS và Bộ Y tế cùng Bệnh viện phụ sản Trung ương và các tổ chức quốc tế đã tặng quà cho phụ nữ mang thai nhân Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2009, với chủ đề "Tiếp cận và phổ cập quyền con người". * Ngày 29/11, tại Trung tâm Văn hóa thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lễ mít tinh, diễu hành quần chúng nhân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009 và ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Lạng Sơn là tỉnh biên giới, số người lao động từ các tỉnh miền xuôi lên làm ăn rất lớn nên đây cũng là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao và khó kiểm soát. Đặc biệt, trong số trên 2.000 người lây nhiễm HIV/AIDS, đối tượng thanh niên chiếm gần 80% và trên 70% trong số đó lây nhiễm qua con đường nghiện hút ma túy. Nhằm hạn chế việc lây nhiễm HIV/AIDS ra ngoài cộng đồng, tỉnh Lạng Sơn đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các cấp hội trong thời gian tới, tập trung làm tốt việc tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm cảnh báo và ngăn chặn sự xâm nhập của nạn dịch HIV/AIDS tới giới trẻ thông qua các hình thức: ký cam kết, sinh hoạt chuyên đề, thi tìm hiểu, ra quân đoàn xe tuyên truyền....để mọi người hiểu rõ căn bệnh và phòng chống dịch HIV/AIDS; tránh kỳ thị xã hội đối với người có HIV; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm, vận động thanh niên, những người có HIV/AIDS vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do các tổ chức đoàn thể, các CLB đồng đẳng của địa phương tổ chức. * Nhân Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), ngày 29/11, tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy - mại dâm tỉnh Hải Dương đã tổ chức mít tinh phòng chống HIV/AIDS, với các khẩu hiệu “Phòng chống HIV/AIDS là bảo vệ chính bạn và gia đình bạn” và “Stop HIV/AIDS”. Cuộc mít tinh đã thu hút hơn 1.000 em sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tham gia, với tinh thần trách nhiệm “Vừa chống sự lây nhiễm vừa chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương rất chú trọng công tác giám sát, phát hiện, tư vấn người nhiễm HIV, xét nghiệm sàng lọc máu và tổ chức điều; địa phương còn thành lập 5 câu lạc bộ, để quy tụ những người bị nhiễm HIV/AIDS hay có người thân bị nhiễm vào sinh hoạt. Tuy đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhưng Hải Dương vẫn chưa khống chế, giảm thiểu được số người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Đến nay, địa phương đã có 5.235 người nhiễm HIV, 1.675 người chuyển sang AIDS, 1040 người tử vong do AIDS, số còn sống và quản lý được là 1414 trường hợp. * UBND tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp cùng Sở y tế đã long trọng tổ chức mít tinh cụ thể hóa chủ đề “tăng cường vai trò lãnh đạo, giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS” thành hành động thiết thực, nêu cao tinh thần “không phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên dựa vào tình hình thực tế của vùng, miền, từng địa phương, đơn vị để triển khai các hoạt động phù hợp, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở tất cả các ngành, cấp trên mặt trận phòng, chống HIV/AIDS. Chú trọng biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân đi tiên phong trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương, đơn vị; tăng cường huy động sự tham gia của cá nhân, gia đình và toàn xã hội vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các cơ quan thông tin đại chúng cần tập trung tuyên truyền nội dung về tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS sâu rộng hơn. * Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ mít tinh Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) với chủ đề chung “Giữ vững cam kết. Quyết tâm ngăn chặn HIV/AIDS”, và chủ đề cụ thể cho năm 2009 là: “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”. Tham dự lễ có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an, tỉnh đội, đoàn viên thanh niên các cơ quan của tỉnh và trường Trung học y tế tham dự. Thông qua Lễ mít tinh, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Quảng Ngãi đã nêu lên tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng ngày càng gia tăng, đại dịch HIV không chỉ giới hạn trong nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như sử dụng bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn, mà đã bắt đầu lây lan rộng ra cộng đồng. Đặc biệt là tỷ lệ lây nhiễm HIV gia tăng trong nhóm phụ nữ có thai và con của họ. Nhiều người trong số họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa tiếp cận với các thông tin về HIV/AIDS. Đồng thời kỳ thị, mặc cảm đã làm cho những người nhiễm HIV trong cộng đồng khó phát hiện và khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị. Hậu quả của sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã làm cho tình hình dịch bệnh khó kiểm soát vì người bệnh không dám ra mặt chữa trị, tự lo liệu, sống trong thiếu thốn, buông xuôi chờ chết; người nghi bệnh không đi xét nghiệm vì sợ bộc lộ căn bệnh của mình, sợ mất việc làm, sợ bị xa lánh... Quảng Ngãi đến nay đã có 343 người bị nhiếm HIV, trên 150 người còn sống, trong số đó có trên 50 người được tư vấn, chăm sóc và điều trị. * Hơn 1.000 đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình đã dự lễ lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động quóc gia phòng chống HIV/AIDS với chủ đề "Giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS". Trong những năm gần đây, Quảng Bình phát triển rộng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Các cơ sở này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dễ dàng các dịch vụ. Công tác phòng HIV/AIDS cũng được phối hợp chặt chẽ với các chương trình kinh tế-xã hội khác. Tại các xã, phường, thị trấn đang củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm, để chủ động tổ chức và chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo quyền bình đẳng không phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Cũng trong dịp này, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cấp phát miễn phí hàng nghìn bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong phòng chống HIV/AIDS ở Quảng Bình là những người có nguy cơ nhiễm HIV cao chưa tự nguyện đến các cơ sở y tế để xét nghiệm sớm. Nhiều người không biết mình bị nhiễm HIV trong suốt một thời gian dài. Đến nay, Quảng Bình đã có 973 người nhiễm HIV, 160 trường hợp đã chuyển thành AIDS và 47 bệnh nhân AIDS đã tử vong. Quảng Bình cũng đã có 43/159 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. * Bạc Liêu tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS . Với chủ đề “Giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn HIV/AIDS”, Bạc Liêu tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi con người; tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cần thiết, đảm bảo quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS; tạo điều kiện cho tất cả các người tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS... Sau buổi lễ, hơn 2.500 đoàn viên, thanh niên, cán bộ công chức của nhiều đơn vị tham gia diễu hành, tuyên truyền trên đường phố thị xã Bạc Liêu. Cùng với hoạt động của các nhóm tình nguyện viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên tham gia cấp phát tờ rơi, kim tiêm, bao cao su...tại các khu dân cư, bến tàu, bến xe, Bạc Liêu lập nhiều đoàn đến khám và điều trị, tư vấn điều trị, tặng quà cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ưu tiên cho những trẻ em nghèo bị nhiễm HIV tại các địa bàn có số người nhiễm HIV cao như: thị xã Bạc Liêu, Hòa Bình, Vĩnh Lợi... Theo báo cáo của ngành y tế, tính đến ngày 31/10/2009, Bạc Liêu có 2.282 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó sang giai đoạn AIDS 710, đã tử vong 512 người. * Từ trung tâm tỉnh lỵ đến 8 huyện thị và 104 xã, phường trọng điểm ở Vĩnh Long đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng chuyên đề “tiếp cận phổ cập và quyền con người” để tăng cường đáp ứng các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ cho mọi người làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS. Tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, trên 1000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức của thành phố Vĩnh Long đã tham gia mít tinh, diễu hành trên tất cả các trục đường chính của thành phố, cấp phát gần 3000 tài liệu, tờ rơi, sách mỏng...cung cấp các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng… Mục tiêu của Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS năm nay tại Vĩnh Long là nâng cao nhận thức, vai trò lãnh đạo của các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hổ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người. Trong đó tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và nâng cao trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS và con cái của họ. Tỉnh tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Tính đến cuối tháng 10/2009, toàn tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 1887 người nhiễm HIV, trong đó có 870 bệnh nhân AIDS và 569 người đã tử vong; riêng thành phố Vĩnh Long đã phát hiện 760 người bị nhiễm HIV, trong đó có gần 26% là phụ nữ. * Tại thành phố Tuy Hòa, gần 1.000 đoàn viên, thanh niên tỉnh Phú Yên đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2009 nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12). Sau buổi lễ, các đoàn viên, thanh niên đã tổ chức diễu hành tuyên truyền trên đường phố thành phố Tuy Hòa và thi vẽ tranh cổ động, tuyên truyền về căn bệnh HIV/AIDS và cách phòng, chống; không kỳ thị đối với bệnh nhân AIDS theo chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”… Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 420 bệnh nhân AIDS. Riêng từ đầu năm 2009 đến nay có 18 người bị nhiễm. * Nhằm nâng cao ý thức và khích lệ sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV và AIDS, tối 28/11 tại Đà Nẵng, Công ty Jolen Consulting- đại diện truyền thông của Dự án "Nhảy múa vì cuộc sống" (Dance4life) tại Việt Nam đã tổ chức Đêm sự kiện 2009. Chương trình này được tổ chức đồng loạt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong Đêm sự kiện 2009, các thành viên Dự án "Nhảy múa vì cuộc sống" thành phố Đà Nẵng tổ chức giao lưu, tham gia một số chương trình chọn lọc từ các Hội thảo trường học như đố vui về HIV, giao lưu với người nhiễm HIV; trao thưởng cuộc thi sáng tác nghệ thuật Nhảy múa vì cuộc sống năm 2009. Dự án "Nhảy múa vì cuộc sống" nhằm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho giới trẻ, do Quỹ dân số thế giới chỉ đạo hoạt động và có mặt tại Việt Nam từ năm 2006. Trong năm 2009, Dự án "Nhảy múa vì cuộc sống" đã chính thức mở rộng quy mô ra nhiều thành phố khác, sau 3 năm chỉ hoạt động trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Nhiều cuộc hội thảo trường học trong phạm vi Dự án đã được tổ chức tại các thành phố Ninh Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=374870&co_id=30106