Tham nhũng nên quy vào tội danh gì?

Tôi xin bắt đầu từ thực tế của một đại biểu dân cử với câu chuyện từ một con đường hỏng.

Một con đường làm chưa được bao lâu đã hỏng, dân nhìn vào đó mất niềm tin lần thứ nhất. Dân càng mất lòng tin hơn khi đại biểu của dân chất vấn làm rõ vấn đề thì Chủ đầu tư (UBND hay Ban Quản lí dự án) ra sức bảo vệ nhà thầu, bao biện đủ đường thậm chí lờ đi theo kiểu “cứt trâu để lâu hóa bùn” nhằm làm cho các đại biểu... ngán. Dân mất lòng tin vào đại diện của dân, đại diện của dân mất lòng tin vào cấp giải quyết và thế là dân mất lòng tin lần thứ hai.

Tham nhũng đẻ ra “quân xanh, quân đỏ” và vì đã có “quân xanh, quân đỏ” thì nhà thầu đi đến bước rút ruột công trình để “biếu” chủ đầu tư bởi nguyên tắc “mỡ nó rán nó” đâu có lạ gì? Dần thành quen, doanh nghiệp từ việc đầu tư vào máy móc, thiết bị và con người để nâng cao tính cạnh tranh nay chuyển sang chỉ đầu tư cho các mối “quan hệ” bởi thực tế họ cũng đã mang bao “hoài bão chân chính từ buổi ban đầu ấy” nhưng với những thứ đó họ cứ mãi thua trong các cuộc đấu thầu. Từ đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tồn tại “nhờ vào mối quan hệ” chứ không phải nhờ năng lực, hỏi dựa trên những loại doanh nghiệp đó liệu nền kinh tế có khỏe được chăng?

Doanh nghiệp “có quan hệ” đến một lúc nào đó cũng chẳng thèm thi công công trình nữa. Chúng lại bán công trình, bán thầu. Khi đó B thậm chí là B phẩy liệu còn được đồng lãi nào không? Vì vậy đồng lương của người lao động chân chính ở doanh nghiệp B, B phẩy hay thậm chí B nhiều phẩy chắc chỉ mong có được việc làm đắp đổi qua ngày, mong gì có lợi nhuận cho đời sống người lao động được cải thiện?

Trái lại, với đời sống của những người lao động chân chính đó, bọn buôn bán “quan hệ” và ban phát “quan hệ” với cách kiếm tiền quá dễ chúng ăn chơi, bao gái, mua quan bán chức, mua bằng cấp, mua khen thưởng... thậm chí lôi kéo những người khác vào vòng xoáy “quyền -tiền”. Có những tên đã phải trả giá bằng việc hư hỏng của con cái do những đồng tiền quá dễ kiếm, do sự mải mê làm ăn mà quên mất vợ con bị cuốn vào tệ nạn xã hội, góp phần “nuôi lớn” nuốt chửng con cái của họ, đau đớn hơn là nuốt cả con cái của những người dân lao động chân chính hằng ngày phải bươn chải kiếm sống. Nhưng sự trả giá đó không phải của riêng họ, bởi cuối cùng người phải tính sổ và trả giá là Bà mẹ Tổ quốc: Mất đi những người thanh niên kia là đất nước đã mất đi một phần sức mạnh.

Đi qua con đường hỏng mỗi ngày sẽ có bao người phải giảm ga, đạp phanh và chồn lưng trên mỗi cái ổ gà. Mỗi lần như thế, mỗi gia đình đã mất đi một chút phí tổn tiền xăng, phí tổn hao mòn phương tiện. Cộng dồn lại sẽ rất lớn và ít nhiều sẽ giảm đi sức mạnh tổng hợp của dân tộc này nhưng chắc chắn mất mát đó sẽ không lớn bằng việc mỗi lần đi trên con đường hỏng đó, phải chịu những cái dằn mạnh khi gặp ổ gà thì liệu người dân còn đủ sức để giữ niềm tin bị rớt xuống mặt đường?

Tham nhũng đánh cắp niềm tin, tham nhũng làm cho nền kinh tế yếu kém đi, tham nhũng làm cho đời sống của người dân chân chính kém đi, làm nảy sinh và dung dưỡng tệ nạn, làm xói mòn sức mạnh dân tộc. Vậy xin hỏi, tham nhũng, xứng đáng bị quy vào tội danh gì?

Có đại biểu Quốc hội đã nói: “Cần coi tham nhũng như tội phản quốc, buôn ma túy”. Còn tôi muốn viết những dòng trên này để chúng ta có thêm một cái nhìn nữa, cùng chia sẻ nhận thức, cùng thống nhất hành động chống “giặc nội xâm” nhân sự kiện Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua và trước những con số “biết nói” về tình trạng tham nhũng theo kết quả khảo sát vừa được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố sáng 20-11-2012.

Nguyễn Hữu Kiên

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=8878&lang=vn&zone=8&zoneparent=0