Thâm nhập thị trường “đen” thủy tùng

Tại Buôn Hồ (Đắc Lắc) sót lại một cây thủy tùng duy nhất

Bộ tam đa gỗ thủy tùng được K. ra giá 30 triệu đồng Là loài cổ thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, thủy tùng (còn gọi thông nước, có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm) được pháp luật nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, mua bán dưới mọi hình thức, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, thời gian qua ở hai huyện Ea H’Leo và Krông Năng (Đắc Lắc) người ta không khó để mua được những đồ mỹ nghệ làm từ loài cây này, và đặc biệt, muốn mua bao nhiêu cũng có. CÔNG KHAI HÀNG... CẤM! Trong vai dân chơi từ Sài Gòn lên thu mua thủy tùng, chúng tôi theo chân một người bạn xuống huyện Krông Năng – nơi được xem là “kho hàng” lớn nhất Tây Nguyên. Cơn mưa bất chợt buổi sáng khiến đường vào xã Ea Hồ trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất bởi xe tải, công nông cày phá. Hỏi đường vào nhà N.H.K - tay chơi gỗ “độc” có tiếng, một người dân cho hay: “Vào nhà thằng K. mua thủy tùng phải không? Cứ đi thẳng đường này, gặp ngã ba quẹo phải là đến”. Ở Krông Năng, hầu như nhà nào cũng chơi thủy tùng, ít thì vài cặp độc bình, tượng phật Di Lặc, nhiều thì cả bàn tủ, bộ tam đa, tuợng bán thân... có giá hàng trăm triệu đồng. Cách đây hơn một năm, thị trường thủy tùng Krông Năng rất rầm rộ, buôn bán gần như công khai, từ khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao, nay đã lắng xuống, buôn bán bí mật hơn. Dù có người quen giới thiệu nhưng K. vẫn e dè khi gặp khách lạ. Sau một hồi trò chuyện, biết chúng tôi muốn mua số lượng lớn đưa xuống thành phố, K. mới rỉ tai: “Nói thật với các chú, hàng ở nhà anh chỉ đáp ứng chừng dăm chục “chai” (triệu) trở lại, chứ trên thì phải chờ anh mới gom đủ”. Nói xong, K. dẫn chúng tôi xuống gian nhà phía sau để tận mắt xem hàng “độc”. Vừa bước chân vào, căn phòng đã thơm nức mùi gỗ đặc trưng, rất khó trộn lẫn với các loài khác. Theo giới buôn gỗ thì thủy tùng đắt đỏ vì không bị mối mọt, vân đẹp, nhiều màu, để trong nhà trừ khử được nhiều loại côn trùng. Điều đáng nói, loại gỗ này rất hiếm, xuất hiện cách đây cả chục triệu năm, nhiều người còn cho rằng có thể chữa được bệnh phong, ung thư, thấp khớp (!?). Thực hư chuyện ấy thế nào thì chưa biết, nhưng có một điều chắc chắn là từ khi nghe tin đồn đó, gỗ thủy tùng được đẩy giá lên cao ngất ngưởng, thuộc loại gỗ đắt nhất hiện nay. Chỉ vào bộ tam đa cao khoảng 80cm, được tạc tỉ mỉ, công phu do các nghệ nhân từ phía bắc thực hiện, K. không ngớt lời tấm tắc: “Bộ này nhiều người trả anh 30 “chai” rồi mà anh chưa bán, nhưng nể chú là chỗ quen biết, còn nhiều dịp làm ăn, anh để luôn cho, bao vé vận chuyển về thành phố”. Đảo mắt một vòng, chúng tôi thấy gian nhà đủ các kiểu tượng, đồ mỹ nghệ bằng gỗ thủy tùng. Cái chỉ mấy trăm ngàn đồng đến vài triệu, nhưng cũng có món đến hàng chục triệu, giá cả tùy vào vân gỗ, chất liệu và các chi tiết, hoa văn tỉa tót như thế nào. Theo chúng tôi được biết thì việc đưa thủy tùng ra khỏi Đắc Lắc không khó khăn lắm, cả đường bộ và đường không, nhưng phổ biến nhất là gởi các chuyến xe khách, xe tải với giá cước vừa phải, tuy nhiên phải có người quen bảo lãnh. Sau một hồi tìm hiểu, chúng tôi lấy lý do không đủ tiền, hẹn ngày mai quay lại lấy hàng. Ra khỏi nhà K. chúng tôi tìm đến một số xưởng mộc thủ công quanh các xã lân cận, ở đâu cũng thấy người mua, kẻ bán, khoan tiện loài gỗ này. TRÊN ĐÀ TUYỆT DIỆT Một cán bộ kiểm lâm huyện Ea H’leo cho biết, vấn đề kiểm tra, xử phạt tình trạng buôn bán gỗ thủy tùng gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế còn nhiều bất cập, phương thức mua bán ngày càng tinh vi. Quan trọng hơn là lực lượng kiểm lâm quá mỏng, kinh phí hạn hẹp, chưa kể có chuyện “bắt tay” giữa các trùm buôn lậu, lái buôn với một số nhân viên thoái hóa, biến chất. Vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn món đồ mỹ nghệ bằng thủy tùng trị giá nhiều tỷ đồng đã “chảy máu” về các thành phố. Đáng lưu ý, khi gỗ thủy tùng tại địa bàn hai huyện Krông Năng và Ea H’leo đã cạn kiệt thì với sức hút về giá trị của nó, liệu lâm tặc, những tay buôn lậu có để cho quần thể thực vật quý hiếm còn sót lại duy nhất tại Tây Nguyên được yên ổn? Theo tài liệu của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, có khoảng 250 cây thủy tùng đang tồn tại ở huyện Ea H’leo; 28 cây ở Krông Năng; Buôn Hồ còn lại đúng một cây. Khoảng 40 năm nay, loài cây này ra hoa nhưng không có hạt hoặc hạt lép, liên tục bị suy thoái, già cỗi, không có khả năng sinh trưởng. Trong khi đó hằng ngày, hằng giờ, cánh lâm tặc, lái buôn vẫn không ngừng dòm ngó, ra tay hạ sát loài cổ thực vật này bất cứ lúc nào. Vào tháng 10 năm 2007, có một tin vui là dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Văn Kết, học viên cao học Nguyễn Thành Sum (giảng viên Khoa nông lâm Đại học Đà Lạt) đã thành công trong việc nhân giống trong ống nghiệm đối với thủy tùng Việt Nam. Thế nhưng khi đưa chồi ra trồng ở điều kiện tự nhiên thì không sống được, hy vọng nhân giống bảo tồn thủy tùng vẫn chưa thể thành hiện thực. Thị trường ngầm gỗ thủy tùng vẫn tiếp tục nóng từng ngày khi các đại gia ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng... tung tiền thu gom thỏa mãn thú chơi hàng “độc” hoặc bán lại kiếm lời. Gõ cụm từ “gỗ thủy tùng” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ nháy mắt đã hiện ra 10.100.000 kết quả. Điều đó cho thấy, dù đã bị cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán và xử lý hình sự nhưng thị trường “đen” vẫn hoạt động mạnh mẽ, cảnh báo nguy cơ tuyệt diệt trong nay mai của loài cổ thực vật trên thế giới còn sót lại duy nhất ở Tây Nguyên, Việt Nam.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=332517&mod=detnews&p=