Thách thức cải cách lương 2014

Bội chi ngân sách quá lâu, cân đối ngân sách quốc gia năm nay cũng không dễ như các năm trước. Bộ Tài chính đang ráo riết tìm cách tiết kiệm chi ngay từ bây giờ để tạo nguồn cải cách lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng cho cả năm 2014.

Tiết kiệm chỉ để tăng lương

Tại Thông tư số 104/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 2-8 gửi về các cơ quan Trung ương và địa phương yêu cầu tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi, cơ quan này ghi rõ mục tiêu "Để tạo nguồn cải cách tiền lương”. Cụ thể, Bộ này yêu cầu các địa phương cần việc xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở (thay thế mức lương tối thiểu) và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc năm 2013 có hiệu lực từ ngày 20-9.

Cụ thể, đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2013 đã được cấp có thẩm quyền giao đối với từng cơ quan; sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2013, đối với số thu dịch vụ sử dụng 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ; và các nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2012 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2013 (nếu có) để chi thực hiện cải cách tiền lương.

Đối với các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và của Đảng, đoàn thể sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2013 đã được cấp có thẩm quyền giao đối với từng đơn vị sự nghiệp; sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2013.

Đối với số thu dịch vụ sử dụng 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ. Riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao nếu đã kết cấu trong giá dịch vụ (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các Nghị định về tiền lương, phụ cấp từ năm 2012 trở về trước); và các nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2012 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2013 (nếu có).

Thách thức lớn cho ngành tài chính

Hiện nay tình hình ngân sách đang rất căng thẳng. Số thu ngân sách 6 tháng đầu năm chỉ đạt được 43,7% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 43,3% dự toán, thấp hơn nhiều so với các năm gần đây. Chỉ có 21/63 địa phương có số thu nội địa đạt trên 50%. Còn tại các đầu tàu kinh tế Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng đều thu không đạt chuẩn.

Muốn tăng lương theo lộ trình, cần có nguồn. Bộ Tài chính buộc phải cầm tay chỉ việc địa phương thực hiện rà soát từng khoản chi thường xuyên, kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp bách theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 09, nhất là các khoản chi đi công tác trong và ngoài nước, hội nghị, hội thảo, mua sắm trang thiết bị, xe ôtô, văn phòng phẩm...; Các khoản dự phòng ngân sách thuộc các lĩnh vực đã được Quốc hội quyết định nhưng chưa phân bố, xác định những nhiệm vụ chưa đủ thủ tục, chưa cần thiết cấp bách thì tạm dừng chưa thực hiện trong năm 2013 để giảm chi ngân sách. Thế nhưng thực tế không đơn giản, quyết tâm thôi chưa đủ.

Các địa phương vẫn đua phát hành trái phiếu để tăng đầu tư công. Các ngành ứng trước vốn chính phủ để mở rộng dự án. Rồi lần đầu tiên ngân sách phải chi hơn 155 tỷ đồng đền bù cho nhà thầu Nhật Bản tại dự án cầu Nhật Tân này do chậm bàn giao giải phóng mặt bằng.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67838&menu=1372&style=1