Tết xưa, Tết nay…

Có mấy chục năm công tác trong ngành bán lẻ của mậu dịch quốc doanh từ thời kì bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế, kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mỗi dịp Tết đến, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội lại nhớ về Tết xưa với những cảm xúc khó thể nào phai…

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Vật chất thiếu thốn, nhưng ấm áp tình người

Theo ông Vũ Vinh Phú, Tết bao cấp (từ năm 1975 thống nhất đất nước đến những năm 1985 -1986) có nhiều điều đáng nhớ. Khi đó, bách hóa bán lẻ, cửa hàng bách hóa tổng hợp, lương thực thực phẩm, vật liệu kiến thiết, chất đốt, vải sợi may mặc, rau quả... đều lo chạy hàng phục vụ nhân dân Thủ đô từ rất sớm. Nào là thịt lợn, gạo nếp, lá dong đến bóng bì, bánh đa nem, hạt tiêu, mì chính, mứt tết, nước mắm, cá tươi, rau củ quả... Rất nhiều mặt hàng thời đó đều bán theo định lượng bìa: A, B, C, D.

Để bán được hàng cho nhân dân, các công ty phải tổ chức những chuyến thu mua hàng hóa ở miền xuôi, miền ngược và ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ... Tất cả đều bận rộn, vất vả, song rất hăng hái để phục vụ nhân dân. Một khi hàng hóa đã tương đối đầy đủ, một số công ty lại lo đóng gói hàng. Các công ty khác như thực phẩm, vải sợi, lương thực, chất đốt thì tổ chức bán ra theo tiêu chuẩn và ít phải đóng gói hơn…

Thời bao cấp việc tổ chức bán ra cho nhân dân rất sớm và bán đến ngày 30 Tết. Những ngày đó phục vụ vô cùng vất vả, công đầu phục vụ là các công ty thực phẩm và bách hóa bán lẻ. Thời đó, những địa chỉ quen thuộc phục vụ nhân dân Thủ đô như: Bách hóa tổng hợp, cửa hàng 12 Bờ Hồ, số 5 Nam Bộ, Thủy Tạ, Tông Đản, Thực phẩm Chợ Hôm, Nhà Thờ... Những địa danh ấy, người tiêu dùng không bao giờ quên được. Tuy vật chất thời gian đó còn thiếu thốn song tình người vẫn vô cùng ấm áp...

Đón Giao thừa đêm 30 thời đó bao giờ cũng có thư chúc Tết của Bác Hồ với đồng bào, chiến sĩ cả nước, xem pháo hoa rực rỡ ở Hồ Hoàn Kiếm. Tuy những người phục vụ bán hàng có những năm không được xem pháo hoa và chuẩn bị Tết cùng gia đình, song họ vẫn vui vẻ phục vụ cho đến người khách cuối cùng.

Mua bán thực phẩm chuẩn bị Tết xưa

Lời dạy của Bác Hồ về sự công bằng còn nguyên giá trị

Kể từ những năm 1985 - 1986, sau khi bỏ chế độ tem phiếu, bìa mua hàng, thương mại Nhà nước chuyển sang kinh doanh theo cơ chế mới. Để phục vụ cho cái Tết, các công ty phải nắm nhu cầu thị trường, sức mua, khả năng thanh toán để tổ chức thu mua hàng hóa.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, ngày nay, vạn người bán, trăm người mua, các công ty phải kiên trì xây dựng thương hiệu của mình, chăm lo chữ tín trong kinh doanh, thu mua hàng hóa với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có nhiều quyền hơn, ngày thường cũng như ngày Tết, họ không phải mua tích góp sớm mà đàng hoàng mua bán, mua có lựa chọn với những địa chỉ đáng tin cậy.

Đối với những gia đình có thu nhập trung bình khá trở lên, chủ yếu đi siêu thị, trung tâm thương mại để mua hàng. Còn những gia đình thu nhập thấp hơn, gia đình nghèo thì mua sắm chủ yếu ở cửa hàng lẻ, chợ…

Mua bán thực phẩm chuẩn bị cho Tết nay

Siêu thị ở Hà Nội mới đảm nhiệm được 15 - 17% doanh số bán lẻ và quỹ hàng hóa, còn lại trên 80% là thị trường tự do chưa được tổ chức chặt chẽ. Thị trường này giá cả rẻ hơn, mua bán thuận tiện hơn, song lại chứa khá nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, nhất là những hàng thực phẩm tươi sống.

Quy luật cạnh tranh trong cơ chế mới đã đem lại vị thế cho người tiêu dùng Thủ đô được lựa chọn hàng hóa nhiều hơn, được tìm những địa điểm tin cậy để mua bán. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường vẫn còn nạn hàng lậu, hàng giả, kém phẩm chất lưu thông nhiều trên thị trường mà chưa thể kiểm soát hết được.

Dịp Tết cũng là dịp tiêu dùng gấp 2 - 3 lần ngày thường, là dịp mà những đối tượng làm ăn bất chính tìm cơ hội lừa dối người tiêu dùng và xã hội. Lời dạy của Bác Hồ về sự công bằng vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta phải phấn đấu ngày thường cũng như ngày Tết đảm bảo sự công bằng giữa người mua và người bán, giữa người sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và hệ thống phân phối, quan trọng là đảm bảo được lợi nhuận hợp lý cho người sản xuất. Có như vậy, quỹ hàng hóa phục vụ nhân dân luôn luôn dồi dào, có chất lượng, giá cả tương đối ổn định và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng...

Tết ngày nay là như vậy, khác với Tết xưa nhiều lắm.

Hữu Oanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/tet-xua-tet-nay_t114c1159n99479