Tết lạ bên lửa trại nghe âm thanh núi rừng của người Rơ Ngao

Tết của người Rơ Ngao không bánh chưng, bánh dày, cũng không tất bật chạy chợ mua sắm như người Kinh. Họ đón Tết theo cách riêng biệt của làng, tuy đơn sơ nhưng ấm cúng, đầy ắp tiếng cười.

Trong những ngày Tết, mỗi tối bên bếp lửa, cả làng tụ họp thưởng thức những ché rượu cần cay nồng, cùng những xâu thịt nướng béo ngậy. Hòa chung những điệu cồng chiêng ngân vang, các chàng trai, cô gái Rơ Ngao trong trang phục truyền thống, say hơi men nắm tay nhau nhảy múa, hát vang chào đón năm mới.

Xuân về trên làng Hơ Moong

Những ngày cuối cùng của năm 2015 trôi nhanh, núi rừng Tây Nguyên bắt đầu chuyển mình đón xuân mới. Cảnh vật hòa quyện tạo nên nét xuân riêng biệt ở xứ sở cao nguyên lộng gió. Những ai đến với Tây Nguyên vào mùa này mới có dịp được trải nghiệm những cơn mưa phùn bất chợt, kéo theo không khí se lạnh khác biệt. Dọc hai bên đường, dã quỳ một màu vàng óng vươn mình đua nhau khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt, say đắm lòng người.

Thời gian này, đồng bào Rơ Ngao (thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đang tất bật thu gom nông sản, chuẩn bị chào đón năm mới Et Pơlêh (Tết của đồng bào Rơ Ngao-PV). Với đồng bào trên cao nguyên, đây là dịp bà con sum họp, báo cáo thành quả cho “Yàng” (ông trời) sau một năm vất vả cày cấy.

Dân làng rộn ràng chuẩn bị đón Tết Et Pơlêh.

Thời gian để tổ chức ngày Tết Et Pơlêh không được định trước. Nhưng mọi người đều ngầm hiểu và chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó. Căn cứ vào tình hình riêng của từng làng khi lúa đầy kho, già làng sẽ tổ chức cuộc họp chọn ngày tổ chức Tết Et Pơlêh. Trong ngày lễ trọng đại gia đình nào cũng phải góp sức, góp của để Et Pơlêh được hoàn thành chu đáo.

Lễ Et Pơlêh được tổ chức sớm hay muộn, quy mô lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi làng. Nhưng điều bất di bất dịch, đại kị đối với người Rơ Ngao là lễ Et Pơlêh không được tổ chức sau tháng một dương lịch năm sau. Bởi họ quan niệm, nếu làng nào vi phạm điều cấm kị sẽ bị “Yàng” nổi giận. Khi đó, người trong làng gặp thiên tai, ốm đau dịch bệnh, tai họa... Để đại lễ Et Pơlêh được diễn ra suôn sẻ, những ngày trước Tết, già trẻ, gái trai trong làng được huy động sửa sang đường sá, cầu cống, không quên mở thêm những con đường mới.

Theo quan niệm của người Rơ Ngao, việc mở thêm những con đường mới sẽ mang đến cho làng sự thịnh vượng, mãi trường tồn theo thời gian. Sau khi công việc bên ngoài đã hoàn thành, mọi người quay về làng thực hiện việc thiêng liêng, khoác lên nhà rông chiếc áo mới. Những người thợ khéo tay, có kinh nghiệm được chọn lựa kỹ càng, sẽ đảm nhận công việc thiêng liêng là tạo nên diện mạo mới cho ngôi nhà rông của làng. Trước khi bắt tay vào việc, các bô lão trong làng nghiêm nghị căn dặn những người thợ tuyệt đối không được làm xê dịch hay tác động vào mái nhà rông. Theo các vị tiền nhân, khi mái nhà bị xê dịch, cả làng sẽ gặp xui xẻo.

Thời gian chuẩn bị cho ngày Tết Et Pơlêh cũng là dịp để các nam thanh nữ tú “ghi điểm” trong mắt bạn tình. Thanh niên trai tráng lên rừng thể hiện khí phách dũng mãnh. Các cô gái Rơ Ngao trong trang phục truyền thống thể hiện sự khéo tay nữ công gia chánh qua từng xâu thịt nướng, những ống cơm lam dẻo quánh, thơm mùi nếp mới.

Trò chuyện với PV, già làng A Thút (63 tuổi, làng Đăk Wơr, xã Hơ Moong) chia sẻ: “Đại lễ Et Pơlêh là ngày lễ truyền thống có từ lâu đời của đồng bào người Rơ Ngao. Trải qua bao thế hệ, hàng năm, Tết Et Pơlêh vẫn được con cháu kế thừa duy trì từ đời này qua đời khác. Tết Et Pơlêh được tổ chức trong hai ngày. Ngày thứ nhất, ngay khi mặt trời mọc, các con vật hiến tế như bò, heo, gà... được đem đến bày biện trước nhà rông. Với người Rơ Ngao, quan trọng nhất trong lễ tế thần bắt buộc phải có con gà đen chân chì. Như vậy “Yàng” mới ban mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Tết đơn sơ nhưng ấm cúng

Trong giây phút trọng đại mở màn đại lễ, cả làng háo hức tập trung đông đủ trước nhà rông. Sau một hồi chiêng ngân vang mời gọi “Yàng”, những thanh niên cường tráng được giao nhiệm vụ lấy một chút máu tươi từ các con vật. Sau khi dâng huyết tế “Yàng”, những người có chức sắc trong làng dẫn đường, đi theo sau là hai cô gái (còn trong trắng, tuổi mười tám đôi mươi) trên tay kính cẩn mang lễ vật đến đầu nguồn nước cúng Tơ Nglang Đăk (nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng - PV). In sâu vào tiềm thức, đồng bào Rơ Ngao tin rằng, huyết tươi sau khi hiến tế đã được “Yàng” làm phép và họ sẽ cầu được ước thấy.

Già làng A Thút kính cẩn khấn: “Hỡi thần nước, dân làng chúng con kính dâng lên ngài những giọt máu nóng hổi, được lấy từ những con vật. Nguyện cầu thần nước hiển linh, chứng giám cho lòng thành của chúng con quanh năm ban phát nước dồi dào để dân làng sinh hoạt. Hỡi thần!”. Dứt lời khấn, già A Thút đi một vòng quanh Tơ Nglang Đăk, vẩy huyết xung quanh nguồn nước thay cho lời tạ ơn thần linh, mong chờ một năm mới mọi người trong làng làm ăn tốt hơn, sức khỏe và giàu có.

Khi mọi thủ tục, nghi thức cúng bái đã hoàn tất, cả làng cùng nhau thưởng thức Tết Et Pơlêh trong không khí vui vẻ, đầm ấm. Những ai có dịp đến với cư dân làng Rơ Ngao vào những ngày này sẽ được trải nghiệm không khí Tết khác lạ. Hòa trong không khí vui tươi nhộn nhịp, mọi người cùng nhau thưởng thức những ngụm rượu cay nồng, những xâu thịt nướng béo ngậy, ngây ngất lòng người.

Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc cuộc vui của đồng bào Rơ Ngao trở nên tưng bừng, nhộn nhịp. Dưới ánh trăng mờ ảo, cả làng quây quần bên bếp lửa trại, tiếng chiêng, tiếng trống ngân vang khắp núi rừng. Hòa theo nhịp cồng chiêng, các chàng trai, cô gái nắm tay nhau nhảy múa, hát ca.

Bước sang ngày lễ thứ hai, mặc dù đã chếnh choáng hơi men, nhưng mọi người vẫn không quên gửi đến nhau những xâu thịt rừng thơm lừng và kèm theo lời chúc năm mới tốt đẹp. Đây cũng là thời gian dân làng xóa bỏ mọi hiềm khích, cùng nắm tay nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lưu giữ nét văn hóa đặc sắc

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyện Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết, Tết Et Pơlêh là nét đẹp văn hóa đặc sắc có từ ngàn đời của đồng bào Rơ Ngao. Với cư dân Rơ Ngao, làng Đắk Wơr, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bao giờ cũng vậy, cứ đều đặn vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong mùa vụ là bà con tất bật chuẩn bị đón Tết Et Pơlêh. Nét đẹp truyền thống của đồng bào Rơ Ngao góp phần tô điểm cho văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên. Hàng năm, chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con đón Tết Et Pơlêh đúng nghĩa, đơn sơ, đầy ắp tình người.

HỒ NAM

Xem thêm video tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tet-la-ben-lua-trai-nghe-am-thanh-nui-rung-cua-nguoi-ro-ngao-a131114.html