Tết cô đơn của nghệ sĩ Văn Hiệp, Minh Vượng,Trần Hạnh

(VTC News) - Người 9 năm đón tết không trọn vẹn do vợ bị liệt, kẻ độc hành trên đường đời đón tết trong sợ hãi nên chạy sô nấu ăn rồi có người vòn võ chờ vợ 20 năm xa xứ trở về. Nghệ sỹ Trần Hạnh và Minh Vượng, Văn Hiệp có những cái tết thoảng vui, thoảng buồn.

“Lão nông” Trần Hạnh: Chín năm nay chưa có một cái Tết nào trọn vẹn Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến, tôi đều ra chợ mua cành đào, cây quất nhỏ nhỏ về cho có không khí, chứ bây giờ, tôi cũng chẳng cầu kỳ nhiều như trước. Tiếng là gia đình có 3 người, nhưng vợ tôi nằm liệt gường đã 9 năm nay, đứa con trai thứ 2 sống cùng lại không bình thường, chẳng giúp đỡ được gì nhiều cho tôi cả. Tôi vui vì con cái đều cũng đã trưởng thành và lập gia đình. Nhưng lại buồn, vì Tết là khoảng thời gian sum họp, nhưng con cái cũng chỉ về thăm được một lúc rồi đi, chứ ít khi ở lại, bởi nhà tôi ở quá chật chội, chỉ khoảng 10m2. Thật sự mà nói, chín năm vợ liệt gường là chín năm tôi không có được một cái Tết trọn vẹn nào cả. Nhìn bà ấy nằm đấy, không nói được, tôi chạnh lòng lắm. Cho nên, mấy ngày Tết tôi thường không đi đâu cả. Chỉ quanh quẩn ở nhà nấu ăn, tiếp khách. Lúc buồn quá, tôi lại nói chuyện với bà ấy như để nhẹ bớt lòng mình, nhưng mình nói thì mình nghe thôi, mặt bà ấy chẳng biểu lộ chút cảm xúc nào là đang nghe tôi nói cả. Rảnh rỗi, không có việc gì làm, tôi lại lôi những kịch bản phim cũ ra đọc, xem mình đóng vai đó có lỗi gì không, thiếu cái gì, chưa được chỗ nào hoặc là học thuộc lời thoại trong những kịch bản mới, vì giờ có tuổi rồi - phải thẩm thấu rất lâu mới thuộc lời nhân vật. Tuy vậy, 3 ngày Tết, tôi cũng tranh thủ thời gian để đi lễ chùa. Có ba nơi mà tôi không bao giờ bỏ, đó là chùa Hà, Đền Ngọc Sơn, Quán Thánh. Khi vợ còn khỏe thì hai vợ chồng cùng đi. Bà ấy ốm, tôi đi một mình. Đến chùa, tôi chỉ cầu mong sức khỏe thôi, không cầu gì khác. Có lẽ trời thương, nên năm nay 82 tuổi rồi, tôi vẫn còn mạnh khỏe Tết năm nay, nhìn lại, tôi vui vì thấy mình đã sống qua 2 thế kỷ, từ năm 1929 đến nay là 2010, mà vẫn mạnh khỏe. Đó là điều hạnh phúc nhất rồi. NSƯT Minh Vượng: Trở thành đầu bếp “chạy sô” nấu ăn Tôi sợ Tết lắm, vì lúc nào cũng phải luôn chân luôn tay nấu nướng, dọn dẹp. Là nghệ sĩ những ngày cuối năm đã rất bận rộn, Tết nhất lại không được nghỉ ngơi, nên nghĩ tới Tết là…choáng. Một hai năm trước, Tết năm nào cũng đi diễn tới tối 30, có khi qua giao thừa, đến 1-2h sáng mới về, nhưng năm nay, tôi quyết tâm giành thời gian cho bản thân và gia đình, đến nỗi đề ra hẳn khẩu hiệu: “Tết chỉ dành cho gia đình, không giành cho bạn bè”. Đó là lý do những ngày Tết tôi thường ở nhà, ít khi đi đâu. Được làm đầu bếp, chạy sô nấu ăn cho 6 anh chị em trong nhà mệt lắm, nhưng vui. Bởi mình được “nấu ăn với cả tình yêu thương” cho đại gia đình. Đối với bạn bè, tôi chia sẻ niềm vui năm mới bằng cách gọi điện hoặc nhắn tin chúc mừng. Ý nghĩa và hạnh phúc nhất với tôi là đêm giao thừa, được tự tay làm mâm cơm cúng tô tiên. Sau đó, cùng mọi người nâng cốc rượu vang chúc mừng năm mới, rồi đi nghỉ sớm. Sau đó, chiều mùng một Tết năm nào cũng vậy, tôi đều đi chùa cầu sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu. Có sức khỏe là có tất cả, là điều kiện tất yếu để thực hiện ước mơ của mình. Cho nên, tôi không mấy khi cầu tiền bạc, danh lợi vì lý do như vậy. Năm mới hi vọng sẽ sân khấu sẽ khởi sắc, có nhiều kịch bản hay, để người nghệ sĩ như tôi được thể hiện những vai diễn đa dạng, hấp dẫn. "Trưởng thôn" Văn Hiệp: Tết về se sắt nỗi cô đơn Thế là thêm một năm nữa, lão “trưởng thôn” Văn Hiệp lại một mình đón tết. Người phụ nữ của đời ông, đã đi hơn 20 năm xứ người lần nữa không về sum họp với tết cùng ông. Hai mươi cái tết, không có bóng dáng người phụ nữ nào bên cạnh, cần mẫn nuôi con, đôi khi người ta sẽ nói ông gàn dở. Nhưng ông chấp nhận vậy và chờ đợi người phụ nữ trở về. Cũng chỉ một thời gian nữa thôi, nghỉ hưu là sẽ về ngay. Ông nói. Trò chuyện về chuyện tết, người đàn ông này có vẻ hơi trùng xuống một chút. Và lại rít thuốc lào. Ông nói, tết cũng sẽ có đầy đủ những thủ tục cần thiết. Nhưng ông không mong gì những ngày này. Cũng không mua sắm gì nhiều. Đã già rồi, lại không có mối quan tâm nào khác nên tết sẽ trở nên buồn. Ăn uống cũng là thứ yếu, chỉ cần nhìn thấy nhiều thức ăn là đã thấy mệt rồi. Tết đến, cũng giành thời gian để lão trưởng thôn thăm thú mấy ông bạn già chơi với nhau và một vài gia đình họ hàng thân thiết. Phần lớn thời gian của tết, ông sẽ ngồi ở nhà một mình. Ông thích được ngồi một mình, không phải giao tiếp với ai. Mọi sự giao tiếp khách sáo với Văn Hiệp giờ đều không cần thiết. Chuyện ăn uống của ông vài ngày tết và cả trong những ngày đời sống bình thường ông cũng thường tự lo. Người ta may mắn thì nhờ được con cái, nhưng số phận mình không được như vậy, cũng chẳng có gì lấy làm buồn. Cứ như vậy, nỗi buồn đến như thực, như mơ. Ông không định hình nó vì đã quá quen chăng? Văn Trinh - Gia Vũ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/13-239106/van-hoa/tet-co-don-cua-nghe-si-van-hiep-minh-vuongtran-hanh.htm