Tết ấm no của bà con K’ho Nam Tây Nguyên

Hằng năm, khi những bông hoa dã quỳ vàng cuối cùng còn sót lại lụi tàn, những cây mai anh đào ở vùng đất Nam Tây Nguyên này nở rộ, nắng vàng óng ánh nhả xuống từ bầu trời cao nguyên trong vắt, đó là lúc cộng đồng người K’ho sinh sống ở tỉnh Lâm Đồng hối hả chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Khởi thủy, người K’ho ở Lâm Đồng không ăn Tết cổ truyền như người Kinh và các dân tộc anh em khác. Những người K’ho lớn tuổi sinh sống truyền đời dưới chân núi Langbiang hùng vĩ thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, vẫn thường kể lại với đám con cháu sau này rằng, xưa kia Tết của người K’ho thường được tổ chức sau khi thu hoạch mùa lúa rẫy. Ngày Tết của người K’ho là để ăn mừng lúa mới, cầu nguyện và tế lễ thần linh ban cho một vụ mùa sắp tới bội thu. Kết thúc những ngày say sưa vui Tết cũng là lúc bên bếp lửa không còn được bỏ thêm củi.

Tiếng chiêng trầm hùng, lúc vang vọng núi rừng, khi da diết thương nhớ lãng đãng thưa dần rồi mất hẳn. Khi hơi men trong mỗi người K’ho đã bao ngày làm họ chếnh choáng, nghiêng ngả không còn thì cũng là lúc con trai, con gái khỏe mạnh trong cộng đồng người K’ho sinh sống ở Nam Tây Nguyên cùng nhau vác xà gạc, đeo gùi lên rẫy, vào rừng phát nương chuẩn bị cho một mùa mới.

Vài chục năm gần đây, cùng với sự chuyển biến về kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội và cộng đồng người K’ho được nâng lên rõ rệt, lúa rẫy, bắp, củ mỳ… không còn là cây trồng chủ đạo, người K’ho dần dần biết làm cà phê, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, lạ vào chăn nuôi, sản xuất. Sự dịch chuyển về cơ cấu kinh tế cùng với sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng dân tộc anh em cộng sinh trong yên vui, hòa thuận đã khiến cộng đồng người K’ho ở Lâm Đồng dần dần từ bỏ ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình để hòa chung với niềm vui Tết cổ truyền của 54 dân tộc Việt Nam anh em.

Người dân thôn Bon Dơng 1, thị trấn Lạc Dương năm nay đón Tết trong sự khang trang của đường sá, cơ sở hạ tầng tươm tất, sạch sẽ cùng với những căn biệt thự theo kiểu kiến trúc Pháp sang trọng mới được xây dựng. Ông Peang Teieng Năm (75 tuổi) cho biết, trước đây Tết cổ truyền đối với người K’ho dưới chân núi Langbiang này chỉ là ngày lễ. Khi người các dân tộc anh em khác từ khắp nơi chuyển tới địa phương làm ăn, sinh sống, sự đan xen, giao thoa văn hóa diễn ra, đời sống kinh tế, xã hội có nhiều chuyển biến, Tết cổ truyền mới thực sự nhiều niềm vui và trọn vẹn ý nghĩa đối với người K’ho.

Ngày nay, có rất nhiều gia đình người K’ho đã biết gói bánh chưng, bánh tét, đã mổ heo, mổ gà, ủ rượu cần… ăn mừng ngày Tết và đi chơi xa. Là người đã gắn bó cả đời dưới chân núi Langbiang này, ông Peang Teieng Năm nhận thấy chưa bao giờ quê hương mình lại thay da, đổi thịt nhanh như ngày nay. Đời sống vật chất và tinh thần lúc nào cũng đầy ắp, dư giả, cái đói cái nghèo vốn là nỗi ám ảnh dai dẳng một thời nay đã lùi sâu trong quá khứ.

Gia đình K’long Char đón Tết lớn hơn vì trúng mùa hoa hồng.

Từ hồi giữa năm, gia đình K’long Char (60 tuổi), thôn Măng Lin, phường 7, TP Đà Lạt đã bỏ một con heo cỏ vào chuồng nuôi để mổ thịt ăn Tết. Năm nay, cái Tết của nhà K’long Char thêm to hơn vì quanh năm làm hoa trúng mùa, được giá. Trước đây gia đình ông trồng cà phê, làm lụng vất vả nhưng không đủ nuôi 6 miệng ăn. K’long Char bàn với vợ, học theo người Kinh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng cách chuyển sang trồng hoa trong nhà kính.

Đối với người K’ho ở Măng Lin, thấy K’long Char đi vay tiền về đầu tư trồng rau, hoa thì ai cũng ngạc nhiên. Với 2.000m2 nhà kính ban đầu, gia đình K’long Char lựa chọn cây hoa hồng để trồng. Được hơn 3 tháng thì lứa hoa đầu tiên cho thu hoạch, thương lái đến tận nhà mua hoa với giá ngày thường là 800 đồng/bông. Vào dịp lễ, tết, giá hoa hồng có thể tăng lên 5.000-6.000 đồng/bông, cứ 2 ngày cho thu hoạch một lần. Sau một năm canh tác hoa hồng trong nhà kính, gia đình K’long Char đã trả hết nợ, có của ăn, của để, đầu tư mở rộng thêm diện tích làm nông nghiệp công nghệ cao.

Đến nay, gia đình K’long Char đã có trên 6.000m² hoa hồng trong nhà kính. K’long Char cho biết, hiện mỗi năm gia đình ông thu về không dưới 900 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp. Đây là số tiền mà trước kia gia đình ông chưa bao giờ dám nghĩ tới. Bây giờ, con heo cỏ trong chuồng đã nặng gần 50kg, K’long Char cho biết Tết năm nay khi con dâu, con rể, các cháu tụ tập về ăn Tết đông đủ, con heo kia được ấn định sẽ được mổ vào ngày 26 Tết.

Ha Kai đón Tết trong niềm vui có biệt thự lớn nhất vùng.

Gia đình Ha Kai, ngụ thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm nay hưởng niềm vui đón Tết trong căn biệt thự rộng lớn, sang trọng nhất vùng. Niềm vui đón Tết của gia đình anh được nhân thêm nữa khi gần 30 tấn cà phê đã được cho vào đầy kho, chờ giá lên cao để bán.

Do ăn nên làm ra, Tết Bính Thân tới, vợ chồng Ha Kai đã chuẩn bị sẵn 3 con heo nặng khoảng 90kg trong chuồng. Một con biếu bên nội, một con biếu bên ngoại, con còn lại mổ cho người làm cùng ăn Tết, chung vui với gia đình.

Đón Tết, kết hợp với sang nhà mới, Ha Kai sẽ mời cả thôn tới uống rượu cần, ăn thịt heo gà, vịt, cá… Gần 50kg gạo nếp dùng để đồ xôi đã được vợ chồng anh cho vào từng gùi để gọn trong nhà kho cùng với cà phê. Rượu cần, thứ đặc sản lên men từ lá cây rừng là đồ uống không thể thiếu cho những ngày Tết của cộng đồng người K’ho cũng đã được vợ chồng Ha Kai chuẩn bị sẵn với 15 ché lớn nhỏ.

Mấy ai biết rằng, cách đây hơn chục năm, ông chủ của căn biệt thự sang trọng giàu có nhất vùng này lại là một người làm thuê. Ha Kai kể, trước đây do không có kỹ thuật canh tác nên dù có 2ha lúa nhưng vẫn không đủ nuôi 10 miệng ăn. Vợ chồng Ha Kai lặn lội khắp nơi đi làm thuê cho những ông chủ người Kinh. Vợ chồng anh xin những cây cà phê con mọc trong vườn nơi làm thuê đem về trồng trên rẫy của gia đình mình. Vay vượn tiền mua phân bón, thực hiện theo đúng quy trình mà Ha Kai đã học được từ những ông chủ người Kinh.

Chỉ một năm sau, 2ha rẫy đã phủ kín cà phê. Chẳng mấy chốc, vợ chồng Ha Kai đã có của ăn của để, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ gia đình và thoát cảnh đói nghèo. Đến nay, diện tích cà phê của Ha Kai đã mở rộng ra 6ha, có ao tích trữ nước tưới cho cà phê, vừa tận dụng để nuôi cá, vịt… Hiện mỗi năm, chỉ tính riêng từ thu hoạch cà phê, gia đình Ha Kai thu về khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi. Ha Kai cho biết, trong vòng 5 năm qua, gia đình anh đã cho tới 2/3 hộ đồng bào K’ho trong thôn mượn tiền để làm ăn. Số tiền hộ cao nhất là 15 triệu đồng, ít nhất là 3 triệu đồng.

Thôn Tân Hợp có trên 30 hộ đồng bào K’ho thì có khoảng 20 hộ được gia đình Ha Kai cho mượn tiền, không lấy lãi. Phần lớn những hộ được mượn tiền đều làm ăn tốt, cải thiện được đời sống, chỉ một hai năm sau là trả được tiền đã mượn. Hiện tại, gia đình Ha Kai vẫn đang cho những gia đình nghèo khó nhất trong thôn mượn gần 100 triệu đồng để làm vốn phát triển kinh tế.

Mùa hoa dã quỳ Nam Tây Nguyên vừa lụi, từng thảm hoa mai anh đào nở rộ khắp nơi, là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đã về. Buôn làng Nam Tây Nguyên và cộng đồng người K’ho đang rộn ràng đón một mùa Tết yên vui, đầm ấm và no đủ.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người K’ho ở Việt Nam có dân số 166.112 người, cư trú tại 46 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người K’ho cư trú chủ yếu tại Lâm Đồng với 145.665 người, 87,7% tổng số người K’ho tại Việt Nam, Bình Thuận là 11.233 người, Khánh Hòa 4.778 người, Ninh Thuận 2.860 người, Đồng Nai 792 người và TP Hồ Chí Minh 247 người.

Kim Ngân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/tet-am-no-cua-ba-con-k-ho-nam-tay-nguyen-381028/