Tết ấm lòng ở một công ty

Câu chuyện về tháng lương thứ 16 giữa hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện về nuôi lợn sạch góp Tết, câu chuyện về những người lao động luôn coi Công ty như một mái nhà, câu chuyện về những con người nhỏ bé mà nghị lực…

Ông Phạm Quang Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao

Ông Phạm Quang Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thông báo với tôi một tin rất vui rằng, năm vừa qua tuy ngành sản xuất phân bón rất khó khăn nhưng đơn vị đã vượt qua được, toàn thể cán bộ công nhân viên đã có 16 tháng lương với bình quân 8,2 triệu/tháng.

Tết dương lịch 3.000 lao động Công ty ngoài được 1 triệu đồng, 20 kg gạo ngon, 2 lít dầu ăn, khác với trước còn được thêm 1 tháng lương. Số tiền thưởng 23 tỷ đồng cho 3.000 lao động lần này nhờ vào cân đối sản lượng tiêu thụ, tốc độ bán hàng.

Năm qua, Công ty thành lập Hội đồng Trách nhiệm Xã hội tự nguyện để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Không phải đợi đến khi có Hội đồng ra đời mà trước đó, hàng loạt hoạt động như kéo đường điện từ khu công nhân đến khu làm việc tạo an ninh trị giá 2 tỉ, làm cầu chui qua đường sắt an sinh trị giá 6 tỉ, cải tạo bể bơi, nhà thi đấu, sân bóng chuyền hơi, sân cầu lông, sân chạy... để nâng cao đời sống cũng được thực hiện.

Bàn về chuyện đời sống, chi bằng gặp ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Xí nghiệp Đời sống- đơn vị lo từ việc chăm sóc vườn hoa cây cảnh, vệ sinh môi trường đến cung cấp trên 1,1 triệu suất ăn chất lượng cho lao động hàng năm.

Tuy là Giám đốc Xí nghiệp, ông còn kiêm cả...cai quản trại lợn. Cứ tưởng Công ty sản xuất phân bón chỉ có phân, có hóa chất ai ngờ nuôi rất nhiều lợn. 300 con béo núc ních, đang eng éc kêu trong chuồng.

Công nhân đang chăm sóc lợn Tết

Lợn ở công ty xét ở góc cạnh nào đó còn được chăm sóc hơn cả người khi đồ ăn là rau sạch tự trồng, là cám ngô tự nghiền, hoàn toàn tránh được cơn bão tố của cám tăng trọng, chất tạo nạc.

Trong những ngày đông tháng giá này, chuồng trại được che kín mít rất ấm áp. Chị Nguyễn Thị Hảo, tổ chăn nuôi đang bưng những chậu cám sốt đổ vào máng. Lợn tự nuôi đảm bảo khoảng 30% nhu cầu thịt trong bữa ăn của 3.000 cán bộ, công nhân viên, là niềm hạnh phúc của các gia đình khi Tết đến, xuân về rộn tiếng cười khi xách về dăm cân thịt sạch.

Theo chân cán bộ xí nghiệp, tôi xuống thăm ba nhà ăn, tất cả đều theo thiết kế một chiều, khép kín, riêng biệt để đảm bảo vệ sinh. Phòng ăn ánh sáng đủ chuẩn, điều hòa mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Đời sống lao động được cải thiện rõ rệt nhờ việc chuyển đổi từ nấu than sang nấu gas, nấu cơm bằng chảo sang tủ cơm chỉ việc bật nút.

Cái tủ cơm chứa rất nhiều khay, mỗi khay là một xuất gạo cho một lao động, được nấu chín bằng hơi như dạng đồ xôi, rất thú vị.

Ông Thiết cho hay, các loại quỹ của đơn vị đều được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ. Ít doanh nghiệp làm được điều đó vì các chế độ ưu đãi cho người lao động được duy trì nhiều năm, qua nhiều đời lãnh đạo, tạo tâm lý chung rằng không thấy đâu hơn nơi này cả, rất gắn bó.

Bởi thế, nói vui nếu Công ty có tuyển dụng, lượng người xếp hàng có khi đông cả trăm, cả ngàn kéo dài từ cổng đến tận đầu thị trấn.

90% người lao động trong Xí nghiệp đời sống là nữ, phần lớn là những người thua thiệt như mất sức lao động, đau yếu, hay gặp hoạn nạn trong đó có 21 góa phụ.

Nhìn mái nhà ấm cúng, nơi đó có bóng một già, một trẻ, một đầu bạc, một đầu xanh quấn quýt đêm ngày, tôi cảm thấy như xuân ấm đang ở rất gần, bất chấp ngoài kia là mưa phùn, gió bấc.

Chị Nguyễn Thị Nga- tổ cấp dưỡng số 2 là một trường hợp như vậy. Chồng chị vốn là công nhân trong công ty chẳng may gặp tai nạn. Cả một năm ròng sau tai nạn, ai chỉ chỗ nào thầy giỏi, thuốc hay, trang thiết bị tốt chị đều dẫn anh đi với ít nhiều hi vọng.

Sự thật vẫn là sự thật, từ ngực anh trở xuống bị bất động, đang khỏe mạnh thành sống đời thực vật. Không tự chủ được, có lần anh bật khóc: “Đừng bỏ anh nhé!”.

Chị gật đầu còn cõi lòng thì tan nát chỉ muốn buông xuôi, tìm đến cái chết. Nhưng nhìn hai đứa con ngoan ngoãn như các con chim non đang có nguy cơ mất tổ ấm, nhìn vào những động viên của cán bộ Công ty chồng chị lại thêm nghị lực.

Công ty còn tạo điều kiện nhận chị vào làm ở tổ cấp dưỡng. Hai đứa con chị học rất giỏi. Thằng lớn lúc giành được giải nhì toán toàn quốc, lúc gặt về một loạt huy chương vàng, bạc quàng vào cổ bố mà khoe: “Bố ơi, con được huy chương vàng này”. Không nói được nên anh chỉ ứa nước mắt.

Lúc hay anh ốm nặng, chị em trong xí nghiệp lẳng lặng rủ nhau góp phép mỗi người mấy ngày giúp chị Nga nghỉ 3 tháng ròng để chăm sóc nhưng vẫn không giữ được chồng. Anh mất đi sau 3 năm 8 tháng nằm liệt giường.

Dù anh mất nhưng không chỉ lễ Tết mà bất cứ có chế độ gì xí nghiệp của anh đều phát quà cho gia đình hệt như lúc còn sống. Nhìn vật lại nhớ đến người, chị xúc động tận tâm can! Không có gì đền đáp được tấm lòng ấy, chị chỉ còn biết tự nhủ mình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giúp đổi công cho những ai có việc bận.

Cần mẫn như một con ong, chị chăm mẹ chồng già yếu, nuôi hai con nhỏ để giờ đây một đang là thạc sĩ, một vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Từ yếm thế, chị là niềm tự hào, là tấm gương cho cả Xí nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Nga vượt qua nỗi đau, nuôi hai con thành tài

Tôi hỏi về khoản tiền thưởng Tết dương lịch, chị cười đon đả: “Trong năm khi nghe tình hình doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó chung, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ được thưởng nhưng vừa rồi Công ty công bố, chị em tôi mừng lắm!

Tôi mới nhận 20 kg gạo tám, 2 lít dầu và 4,7 triệu đồng tiền mặt. Tiền thì vừa đủ sửa lại mái nhà kho để những thứ lặt vặt còn gạo dành để ăn. Một năm, Công ty cấp cho chúng tôi 5 lần gạo vào những dịp như 30/4, 24/6 (ngày nhà máy bước vào sản xuất), 2/9, Tết dương lịch, âm lịch nên cũng gần đủ ăn.

Lần nào hết phải mua gạo chợ, mẹ chồng tôi đều nói: “Nga ơi, bầm (mẹ) chỉ thích ăn gạo Công ty thôi vì mềm và ngon. Gạo chợ cứng quá chẳng nhá được toàn nghẹn”. Khổ thân, đời bầm có 9 người con nhưng lúc chồng tôi mất cụ vẫn chỉ thích ở với con dâu mà thôi”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tet-am-long-o-mot-cong-ty-post155364.html