Tết Hà Nội những năm chiến tranh

50 năm về trước, sau ì oàng tiếng pháo… phòng không, Hà Nội vẫn tưng bừng đón Tết. Hoa đào Nhật Tân, thịt lợn, gạo nếp tem phiếu và những chuyến tàu điện leng keng vẫn náo nức giữa phố phường thời chiến. BS Nguyễn Cương, một cựu sinh viên Y khoa, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Huế, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Huế nhớ lại những xúc cảm thanh bình về Tết Hà Nội những năm tháng chiến tranh phá hoại ác liệt ấy.

Ông Nguyễn Cương (ngoài cùng bên phải) vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở Huế (ảnh do nhân vật cung cấp).

Trực cấp cứu phòng không

Khi chúng tôi chuẩn bị bước vào năm thứ 3 (Y3, Đại học Y Hà Nội) thì ngày 5/8/1964 Mỹ dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” rồi tiếp theo là hàng loạt vụ khiêu khích, gây hấn khác. Miền Bắc bắt đầu cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Cuộc sống của nhân dân miền Bắc và Thủ đô Hà Nội chuyển dần sang thời chiến. Khi không quân Mỹ leo thang ném bom, bắn tên lửa gần trung tâm Thủ đô thì sinh hoạt hàng ngày bắt đầu bị đảo lộn. Nơi nơi phát động đào hầm cá nhân, hầm chữ “A” cho nhiều người cùng trú ẩn, đi đường phải đội mũ rơm, mặc áo quần sẫm màu.

Thời kỳ đó, sống ở Hà Nội không ai có thể quên được hiệu lệnh báo động phòng không trên hệ thống loa công cộng: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội.... cây số về phía...., yêu cầu đồng bào hãy chuẩn bị xuống hầm trú ẩn”. Rồi tiếng còi hú vang rền. Mọi người đi trên đường đều tự giác xuống hầm, đường phố chỉ có lực lượng giữ gìn trật tự. Trên những nhà cao tầng có các đội tự vệ giương cao súng sẵn sàng nhả đạn nếu có máy bay bổ nhào xuống ném bom phố phường, khu dân cư. Mỗi lần như vậy, pháo, tên lửa phòng không, súng tầm thấp thi nhau nhả đạn lên trời. Khi có còi báo an, mọi sinh hoạt lại trở về bình thường.

Chiến sự càng lúc càng căng thẳng, máy bay Mỹ rải bom cả ngày lẫn đêm với tần số và cường độ tăng dần. Cuộc sơ tán rời Thủ đô được thực hiện. Trước hết là ông bà già, trẻ con, rồi đến các cơ quan, trường học. Trường Đại học Y khoa chúng tôi từ năm thứ 4 trở lên được thay nhau phân công ở lại trực chiến “cấp cứu phòng không”, còn lại phải sơ tán ra vùng quê các tỉnh quanh Hà Nội, xa nhất là ở tỉnh Thái Nguyên.

Đón Tết ở ký túc xá

Thế rồi Tết đến. Tuy không có qui ước nào, nhưng những ngày này thường im tiếng còi báo động. Mọi người ở nơi sơ tán lại kéo nhau về Hà Nội ăn Tết. Tiếng chuông tàu điện leng keng quen thuộc vang lên xuôi ngược trên các tuyến đường và đổ về bờ hồ Hoàn Kiếm để nhân dân đi sắm Tết vì ở quanh khu phố cổ vẫn có khá nhiều hàng Tết.

Tuy đang giai đoạn bao cấp thời chiến, nhưng tem phiếu được mua tăng thêm trong dịp Tết: Bánh mứt kẹo, thuốc lá, gạo nếp, thịt, mỳ chính, hột dưa... lại xếp hàng thật dài. Khá vất vả chờ đợi, nhưng ai cũng vui vẻ khi mua được hàng Tết. Trong không khí thời chiến nhưng những cành hoa đào Nhật Tân không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Các điểm bán cành hoa đào và các loại hoa khác vẫn đông nghịt người.

Sinh viên các trường Đại học trong đó có ĐH Y được về quê ăn Tết. Nhưng các bạn ở tỉnh xa, nhất là các tỉnh miền Trung, các bạn là học sinh miền Nam không có người thân thì phải ở lại ăn Tết tại ký túc xá. Các bạn về quê ăn Tết bằng ô tô khách kể lại: thường đi về ban đêm để an toàn hơn và ô tô phải chạy bằng đèn gầm (đặt dưới gầm xe) vừa đủ sáng để soi đường. Khi nghe tiếng máy bay phản lực gầm rú từ xa phải tắt đèn dừng lại, có khi nghe cả tiếng bom dội rất gần.

Tôi và một cô em gái cũng đang học đại học, có bố mẹ ở Thanh Hóa, nhưng không về ăn Tết cùng gia đình được mà phải ở lại ăn Tết trong ký túc xá. Tuy cũng có bà con ở Hà Nội đùm bọc, nhưng mấy ngày Tết phải xa bố mẹ, gia đình thì không có nỗi buồn nào da diết hơn. Tại ký túc xá, sinh viên ở lại ăn Tết khá đông. Phòng tôi có 2 người ở lại là tôi và anh bạn là Đinh Văn Khi, người Nam bộ tập kết, không có người thân ở Hà Nội, không có tin tức gia đình trong Nam. Những ngày này, nét mặt anh đượm buồn, ít nói hơn mọi ngày. Không khí Tết cổ truyền đã thấm sâu trong lòng mỗi người, không ai có thể quên được, nhất là những người xa nhà.

Ngoài hàng hóa ngày Tết mua theo tem phiếu, sinh viên chúng tôi còn được nhà trường chăm lo thêm. Đêm Giao thừa mọi người trong ký túc xá đều thức, nghe Bác Hồ chúc Tết qua hệ thống loa công cộng: “Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Lời Bác ấm cúng vang lên động viên nhân dân 2 miền Nam Bắc tiến lên giành thắng lợi. Ngoài trời pháo nổ rền vang sáng lóe cả bầu trời. Sau đó bạn bè cùng nhau ngồi theo nhóm lớp, trao đổi chuyện trò, ăn mứt kẹo Hải Châu, hạt dưa, hút thuốc Điện Biên, Tam Đảo được phân phối theo tem phiếu, nhà trường chuẩn bị cho cả bánh chưng, trà Thái Nguyên nữa. Mỗi người đều có những nỗi niềm tâm trạng riêng, vui có, buồn có, cùng nhau chia sẻ Tết xa nhà.

Già đi lễ, trẻ rong chơi

Sáng mồng 1 Tết, trời giá lạnh, lất phất chút mưa phùn, khoác thêm chiếc áo, một mình tôi lang thang thưởng ngoạn Tết. Dù đang chiến tranh phá hoại nhưng trên các đường phố Thủ đô vẫn không kém phần nhộn nhịp với đủ các sắc màu quần áo mới, nhất là trẻ em. Trước mỗi nhà đều có sắc hồng xác pháo, đặc biệt hoa đào Nhật Tân không hề thiếu trong các gia đình tôi đến thăm. Một vài gia đình bà con, tôi lưu lại lâu hơn, sau lời chúc năm mới đều được ăn mứt gừng, hạt dưa. Quà Tết hồi đó rất đặc biệt, có khi là một miếng bánh chưng với thịt lợn kho đông đặc biệt của người Hà Nội. Tất cả mọi người như quên đi sự ác liệt của chiến tranh chỉ trước đó vài hôm thôi. Không khí Thủ đô mấy ngày Tết thật yên ả thanh bình, nhưng cũng không quên cảnh giác nếu có báo động. Trên hệ thống loa công cộng vẫn vang lên những bài hát về mùa xuân.

Từ công viên Thống Nhất, tôi tản bộ theo phố Huế, phố Hàng Bài lên bờ hồ Hoàn Kiếm, vừa đi vừa liên tưởng đến cảnh Tết của gia đình ruột thịt nơi sơ tán ở Thanh Hóa mà thấy nhớ, thấy thương vô cùng những người thân yêu. Đang nghĩ miên man thì hồ Hoàn Kiếm đã ở trước mặt. Đông vui, nhộn nhịp tuy có kém đi so với những năm còn hòa bình, nhưng vẫn đầy ắp không khí Tết. Các ông bà qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn đi lễ, các cặp thanh niên nam nữ đi hái lộc xuân, trẻ con xúng xính trong bộ quần áo hoa mới cầm trên tay những quả bóng bay nhiều màu sắc. Tôi vòng quanh một vài phố cổ, ngắm cảnh nhà dân trưng bày Tết. Cũng không thể ngờ sau này khi tốt nghiệp ra trường, tôi lại “xe duyên” với một cô bạn học gốc Hà Thành, ở phố cổ Mã Mây.

Vài nét về tác giả:

Năm 1962 - 1968 học ĐH Y Khoa HN, ra trường công tác, lập gia đình ở Hà Nội. Năm 1973 đi chiến trường Trị Thiên, năm 1975 giải phóng tiếp quản Huế. Từ 1975-1989 làm việc trong ngành y tế Huế, là Giám đốc BV TP Huế. Từ 1989-2003 là Phó Chủ tịch UBND TP Huế. Hiện là Ủy viên UBMTTQ TT Huế.

Tết vui 1973

Ý nghĩa nhất vẫn là Hà Nội cùng cả nước đón Tết sau Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973. Trước đó đã diễn ra 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không”. Tuy có tổn thất đau thương ở phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư Phương Liệt, Mai Hương... nhưng quân dân ta đã chiến thắng giòn giã, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, bắt sống nhiều phi công Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút hết quân đội Mỹ ở miền Nam.

Nguyễn Cương/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tet-ha-noi-nhung-nam-chien-tranh-20160201165341903.htm