Tay vợt Nguyễn Tiến Minh mơ có học viện cầu lông mang tên mình

Nguyễn Tiến Minh được xem là một trong những VĐV hàng đầu của làng thể thao Việt Nam khi có mặt trong tốp 10 tay vợt cầu lông xuất sắc nhất thế giới. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với anh ngay sau chức vô địch ở Giải cầu lông Việt Nam mở rộng vừa qua.

* Phóng viên: Làm thế nào để anh có được những thành công như hiện nay? * VĐV NGUYỄN TIẾN MINH: Với tôi, đó là sự khổ luyện, phải biết được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình. Chính vì “biết mình, biết ta” mới có cách khổ luyện đúng đắn. Một khía cạnh của sự khổ luyện là phải nghiên cứu lối đánh của nhiều đối thủ, nhất là những tay vợt trong tốp 10 thế giới, đồng thời phải rút ra kinh nghiệm qua những trận thua. * Nói đến Nguyễn Tiến Minh là nói đến cầu lông, nhiều người thắc mắc không biết anh đến với cầu lông như thế nào? * So với các tay vợt đẳng cấp quốc tế chơi cầu lông khá sớm (7 tuổi), tôi nhập môn có phần trễ hơn (10 tuổi). Ban đầu, tôi chỉ chơi cầu lông để luyện tập sức khỏe, chứ không nghĩ mình theo con đường chuyên nghiệp. Cầu lông đã mang đến cho tôi nhiều thứ. Nhưng quan trọng là nó mang đến cho tôi một sức khỏe, hình thành cho mình một bản lĩnh và sự tự tin. Tôi nguyện sẽ sống cùng trái cầu và cây vợt trong suốt cuộc đời này. Chưa muốn lấy vợ Tay vợt hạng 7 thế giới Nguyễn Tiến Minh năm nay 28 tuổi và anh cho biết vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình do tập trung vào việc thi đấu. Mục tiêu sắp đến của Tiến Minh là đoạt huy chương tại SEA Games 26, nơi vẫn được xem là giải vô địch thế giới thu nhỏ mà đến nay, Tiến Minh vẫn chưa có huy chương. Tiến Minh tự tin: “Khoảng 1 năm sau, tôi sẽ có mặt ở tốp 5 thế giới”. * Nghĩa là…? * Tôi dự định sau khi giải nghệ sẽ chuyển sang làm HLV. Nếu làm HLV, tôi sẽ truyền đạt tất cả những gì mình có với mong muốn sẽ huấn luyện được nhiều tay vợt đánh hay hơn cả cái tên Tiến Minh hiện nay nhưng điều tôi mong muốn là tay vợt ấy phải biết khiêm tốn. Hiện nay, nhiều VĐV cứ tưởng mình hay nên không thể tiến bộ được. Ngoài ra, tôi từng ấp ủ mơ ước xây dựng một học viện cầu lông mang tên Tiến Minh. Đó là trước đây, bây giờ thì khó thực hiện được rồi. Về chuyên môn, tôi có thể lo được nhưng chi phí đầu tư cơ sở vật chất như hiện nay thì không thể kham nổi. Cho nên, giấc mơ chỉ là giấc mơ… * Anh nghĩ sao khi ngoài các cầu thủ bóng đá, Tiến Minh là một trong những VĐV có thu nhập cao nhất? * Tôi cảm thấy vui vì mình xứng đáng được thưởng cho những nỗ lực ấy. Đời VĐV khá ngắn nên tôi cố gắng kiếm tiền để lo cho tương lai về sau. Hiện tại, tiền tôi kiếm được một phần phụ giúp gia đình, phần còn lại để dành và sử dụng cho niềm đam mê chơi đồ điện tử. Tôi hài lòng khi được nhận tài trợ từ doanh nghiệp trong nước, giống như Công Vinh trong bóng đá vì tôi muốn tên doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được biết đến khi đi thi đấu quốc tế. * Anh đánh giá thế nào về trình độ cầu lông Việt Nam hiện nay? * So với thời gian trước, tôi thấy cầu lông Việt Nam có được sự tiến bộ. Nhưng ngặt một điều là các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan… lại tiến bộ nhanh hơn mình. Ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, người ta đưa cầu lông vào học đường hoặc có những học viện dành riêng cho cầu lông. Trong khi ở nước ta, cầu lông chỉ được một vài tỉnh, thành phát triển nhưng chưa thật sự có bài bản. Nếu có học viện chuyên đào tạo về cầu lông, chắc chắn chúng ta sẽ phát triển nhanh. QUANG TRỰC thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thethao/2011/9/267032/