Tây Ninh: Thành công bước đầu trong tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp-nông thôn

Quan tâm phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao là mục tiêu của tỉnh Tây Ninh trong những năm trở lại đây. Chính vì vậy việc phát triển, cơ sở hạ tầng của nông thôn ở Tây Ninh đã được đặc biệt quan tâm, nhiều dự án được xây dựng và hoàn thành làm tăng năng lực sản xuất kinh doanh, bộ mặt nông thôn dần được đô thị hóa, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Từ nâng cấp, mở rộng đường giao thông đến phát triển hệ thống thủy lợi và các cơ sở hạ tầng khác Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đặc biệt chú trọng đầu tư vào lĩnh vực phát triển giao thông nông thôn, bởi chỉ có hệ thống giao thông thuận lợi mới có thể đưa hàng hóa nông sản của bà con nông dân nhanh nhất ra được tới thị trường. Phát triển tốt giao thông khu vực nông thôn, người dân cũng đỡ đi rất nhiều chi phí phát sinh khi làm ra sản phẩm nông sản, đó là khoảng cách, thời gian, các chi phí cho nguyên liệu khác. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, tỉnh Tây Ninh đã tập trung đầu tư nâng cấp và làm mới được hơn 400 km đường giao thông các loại, trong đó có 112 km đường giao thông nội thị và 317 km đường giao thông nông thôn. Những tuyết đường huyết mạch của tỉnh Tây Ninh phải kể đến như: Quốc lộ 22B, các tuyến nối thị xã với các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu. Ngoài ra tỉnh cũng đã tham gia phối hợp triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh, một tuyến đường đi qua các vùng sâu, vùng xa, góp phần nối liền các địa phương còn cách trở về địa lý với các trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại lại gần nhau hơn. Tính đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông đến các xã trong tỉnh Tây Ninh đều đã được trải nhựa. Công tác xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn ở Tây Ninh cũng được triển khai khá tốt, nhờ vậy, đường giao thông từ các xã đến các ấp và đường giao thông liên ấp đã được nhân dân tích cực tham gia cùng Nhà nước nâng cấp mở rộng, giúp việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân ngày càng thuận tiện. Cùng với đầu tư phát triển hệ thống giao thông, việc đầu tư xây dựng trong các lĩnh vực hạ tầng khác cũng được quan tâm đúng mức. Trong đó phải kể đến hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Là một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng tương đối lớn, do đó Tây Ninh xác định khâu phục vụ nước tưới cho bà con nông dân phải là hàng đầu. Hàng năm tỉnh đều cấp kinh phí cải tạo, nạo vét và xây mới hệ thống kênh tưới tiêu trên địa bàn một cách đồng bộ. Tỉnh đã được đầu tư thêm hơn 357 tỷ đồng để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh tưới Tân Hưng và hệ thống tưới tự chảy vùng nguyên liệu mía Tân Châu và bê tông hóa hơn 220 km kênh mương trọng yếu. Tỉnh cũng đã xây dựng thêm được 3 trạm bơm là Hòa Thạnh, Bến Đình và Long Hưng. Ngay từ năm 2009, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư thêm gần 1.000 tỷ đồng thực hiện dự án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng” ở Tây Ninh để nâng năng lực tưới lên hơn 100.000 ha. Đây là tiền đề quan trọng giúp lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh phát triển mạnh hơn. Chương trình “Điện khí hóa nông thôn” cũng được phát triển rộng khắp, đến nay, Tây Ninh đã đưa lưới điện quốc gia về với 21 xã nông thôn trước đây chưa có điện và xây dựng trên 700 km đường dây trung và hạ thế. Từ những nỗ lực phát triển lưới điện mà tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đã được nâng lên hơn 99% tổng số hộ toàn tỉnh. Bưu chính viễn thông ở nông thôn cũng phát triển mạnh. Mạng lưới bưu chính viễn thông hiện nay đã phủ khắp các địa phương trong tỉnh. Chương trình nước sinh hoạt được đầu tư đáp ứng nhu cầu nước sạch nông thôn. Trong 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư hơn 48 tỷ đồng để xây dựng hơn 36 trạm cấp nước tập trung, hơn 1.300 giếng khoan sử dụng vật tư UNICEF, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân có nước sạch, nước hợp vệ sinh sử dụng hiện nay là hơn 80%. Lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng được chú trọng, đến nay mạng lưới chợ đã được mở rộng ở hầu hết các khu vực nông thôn, biên giới, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm của nhân dân. Bà Nguyễn Thị Giảm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Ngành nghề nông thôn đã phát triển ngày càng mạnh bằng nhiều dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng lĩnh vực giáo dục, để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân nông thôn, trong 5 năm tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 1.000 phòng học mới. Với số lượng này, các vùng nông thôn Tây Ninh không còn tình trạng học 3 ca, trường lớp tạm được xóa dần và đã có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia… Trong 5 năm qua, từ những nỗ lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở Tây Ninh ngày càng được thu hẹp. Gần như tất cả các phương tiện hiện đại đã được phổ biến đến các vùng nông thôn, trong đó có cả các phương tiện thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp Để có một nền nông nghiệp hiện đại và những vùng nông thôn văn minh, tỉnh Tây Ninh đã ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mà trước tiên là khâu lựa chọn giống. Trong 5 năm, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư kinh phí xây dựng và triển khai đồng loạt 6 chương trình giống cây trồng và vật nuôi. Một trong những chương trình đã có kết quả khả quan là giống lúa. Ngoài ra, các cây trồng chính khác như mía, mì, bắp, đậu… cũng được các ngành chức năng, các nhà máy và nhân dân nghiên cứu, tuyển chọn áp dụng- đặc biệt là cây mía. Theo đánh giá của ngành chức năng thì hiện nay Tây Ninh đã có hơn 90% diện tích vùng nguyên liệu mía áp dụng giống mía mới, góp phần nâng năng suất bình quân mía ở Tây Ninh đạt hơn 60 tấn/ha. Ngoài ra, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp cũng đã được tập trung đầu tư. Trong những năm qua các khâu làm đất, khâu vận chuyển gần như đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch… cũng được cơ giới hóa ngày càng nhiều. Đặc biệt tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng để nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác cây mía tại Tây Ninh. Tất cả những nỗ lực đã góp phần hình thành nền nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong 5 năm, giá trị sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh luôn tăng trưởng ổn định- bình quân mỗi năm tăng đến hơn 7%. Trong đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân đến hơn 16% mỗi năm. Riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có sản lượng tăng bình quân mỗi năm đến 20%. Đặc biệt là trong những năm gần đây, cơ cấu ngành trồng trọt ở Tây Ninh đã có sự chuyển dịch đúng hướng, diện tích cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao tăng dần. Những nỗ lực trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Tây Ninh trong những năm qua đã đem lại những kết quả khả quan, đó là đời sống nhân dân đã được nâng cao, số lượng hộ khá giàu tăng dần và số lượng hộ nghèo giảm dần. Thu nhập bình quân lao động của 5 năm qua đã đạt hơn 26 triệu đồng/người/năm, tương đương 1.390 USD/người/năm. Số hộ nghèo theo tiêu chuẩn địa phương trong tỉnh giảm xuống còn dưới 3%, theo tiêu chuẩn của trung ương chỉ còn 1,5% tổng số hộ toàn tỉnh. Có thể nói, công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Tây Ninh trong những năm qua đã và đang đi đúng hướng và đã gặt hái được nhiều thắng lợi. Điều đó càng thể hiện rõ hơn khi mà vừa mới đây tỉnh Tây Ninh tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010- 2015, một Đại hội mở ra cho tỉnh những tương lai tươi sáng, nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=423425&co_id=30065