Tàu ngầm lớp Kilo – “Lỗ hổng đen” trên biển

Bắt đầu được biên chế vào lực lượng hải quân Nga từ tháng 4-1982, các tàu ngầm thuộc Project 636 và 877 (tên mã NATO là Kilo) có nhiệm vụ chính là tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm của đối phương, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, rải thủy lôi và tuần tra tại vùng duyên hải và vùng “nước xanh” (vùng biển gần bờ).

Tàu ngầm thuộc Project 877EKM. Ảnh: Fas.org Tàu ngầm chạy diesel- điện được thiết kế bởi Trung tâm thiết kế hàng hải Rubin đóng tại thành phố Saint Petersburg. Phiên bản gốc của tàu ngầm lớp Kilo là các thế hệ tàu ngầm thuộc Project 877, Project 877K và Project 877M. Trong đó Project 877EKM là bản xuất khẩu với các tính năng hoạt động và chiến đấu được cắt giảm. Tàu ngầm thuộc thuộc Project 636 là phiên bản nâng cấp từ dòng Project 877 với những nâng cấp về khả năng giảm tiếng ồn khi hoạt động và tăng tốc độ khi tàu lặn. Tàu ngầm thuộc Project 636. Ảnh: Internet Với những đặc tính hoạt động cực kì yên lặng dưới nước, nó có thể bất thính lình biến mất khỏi hệ thống theo dõi bằng sonar âm học nên các chuyên gia quân sự của NATO đã gọi tàu ngầm lớp Kilo là “Lỗ hổng đen”. Thiết kế - tối ưu cho khả năng sống sót Tàu ngầm lớp Kilo được cấu tạo từ 6 khoang kín có vách ngăn chứa nước nằm ngang trong 2 lớp vỏ tàu. Kết cấu này cho phép tàu ngầm có khả năng sống sót cao hơn, kể cả khi trong trường hợp một vài khoang tàu bị ngập nước. Nhằm giảm khả năng phản xạ của các tín hiệu âm thanh, các phần chứa nước giúp tàu lặn được nằm cách biệt với các khoang phần thân trước mũi tàu. Trên thân tàu ngầm thuộc lớp Kilo được phủ một lớp cao su đặc biệt có khả năng giảm phản xạ sóng âm sonar và khả năng bị phát hiện bởi đối phương. Kết cấu phía trong của tàu ngầm lớp Kilo. Ảnh: defenseindustrydaily.com Tàu ngầm thuộc Project 877EKM có trọng tải khi nổi là 2.300 tấn và khi lặn là 3.950 tấn. Project 636 chỉ khác biệt với Project 877EKM ở phần thân tàu được nới rộng tăng sức chứa của tàu. Khả năng lặn sâu của tàu ngầm lớp Kilo là 300m. Nó có thể đạt vận tốc 11 hải lý/h khi nổi và 20 hải lý/h khi lặn. Với thủy thủy đoàn 52 người, tàu ngầm lớp Kilo có thể hoạt động liên tục trên biển trong 45 ngày. Hệ thống chỉ huy điều khiển, cảm biến và gây nhiễu – tốc độ cao và đáng tin cậy Tàu ngầm thuộc Project 877EKM được trang bị hệ thống máy tính đa nhiệm MVU-110EM cho phép theo dõi cùng lúc 5 mục tiêu (2 mục tiêu tự động và 3 mục tiêu thao tác bằng tay). Ngoài ra, hệ thống MVU-110EM còn được hỗ trợ xử lí thông tin thông qua hệ thống dẫn đường Andoga. Do ra đời sau, Project 636 được trang bị hệ thống C4ISR với máy tính tốc độ cao cho phép xử lí nhanh chóng thông tin từ các thiết bị theo dõi, quan sát và hiển thị trên màn hình điều khiển. Hệ thống này có khả năng tự động xác định thông tin của các mục tiêu trên mặt nước và trong lòng biển và tính toán phần tử hỏa lực, tự động theo dõi mục tiêu và triển khai loại vũ khí cần thiết. Hệ thống cảm biến của Project 877EKM là tổ hợp sonar kênh đôi MGK-400 Rubikon (Shark Teech) cho phép tìm kiếm mục tiêu theo chế độ chủ động và bị động, phát hiện tín hiệu sonar của đối phương, đảm bảo liên lạc dưới nước. Project 636 thì được trang bị tổ hợp sonar số hóa nâng cấp MGK-400EM với các tính năng hoạt động hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Kilo còn trang bị hệ thống radar MRK-50 (Snoop Tray-2) cho phép theo dõi và tìm kiếm các mục tiêu trên mặt nước một cách chính xác, cung cấp thêm thông tin về các mục tiêu dưới nước, trên không. Hệ thống này cũng có khả năng nhận diện địch ta và dẫn đường. Hệ thống gây nhiễu của tàu ngầm lớp Kilo bao gồm thiết bị đối kháng điện tử (EMC), cảnh báo radar và thiết bị xác định hướng. Hệ thống ngư lôi – sát thủ giấu mặt Được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, bao gồm 2 ống phóng ở phía trên và 4 ống phóng ở phía dưới. Các ống phóng này dùng để thực hiện nhiệm vụ phóng ngư lôi và rải thủy lôi. Tàu ngầm lớp Kilo có thể mang theo 18 ngư lôi (6 trong ống phóng và 12 dự trữ). Nếu không mang ngư lôi, nó có thể mang theo 24 quả thủy lôi tùy theo nhiệm vụ. Theo đánh giá, tàu ngầm lớp Kilo có khả năng phát hiện ra tàu ngầm đối phương ở khoảng cách gấp từ 3-4 lần trước khi đối thủ kịp nhận ra sự “có mặt” của nó. Sau mỗi loạt phóng ngư lôi có thể nạp lại sau 24 phút. Loạt phóng ngư lôi đầu tiên có thể tiến hành trong 2 phút và 5 phút đối với loạt bắn tiếp theo. Vũ khí ngư lôi trang bị trên tàu ngầm lớp Kilo là dòng ngư lôi chống tàu ngầm điều khiển từ xa TEST-71MKE. Dòng ngư lôi này được trang bị hệ thống dẫn đường chủ động với thiết bị quan sát hình ảnh. Ngư lôi TEST-71MKE cũng có thể đổi chế độ điều khiển bằng tay khi cần thay đổi mục tiêu. Tổng trọng lượng của ngư lôi TEST-71MKE là 1.820kg với đầu nổ nặng 205kg. Để chống các mục tiêu trên mặt nước tàu ngầm lớp Kilo sử dụng ngư lôi có khả năng tự dẫn theo nguồn sóng âm do tàu chiến của đối phương phát ra 53-65KE. Với tổng trọng lượng 2.200kg, đầu nổ nặng 200kg, 53-65KE có tầm hoạt động lên tới 40km. Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval. Ảnh: Internet Đặc biệt, vũ khí được coi là nguy hiểm bậc nhất của tàu ngầm lớp Kilo là ngư lôi siêu bọt VA-111 Shkval - loại ngư lôi khi di chuyển hình thành các bọt khí xung quanh, tạo ra một lớp không khí mỏng bao quanh thân ngư lôi triệt tiêu sức cản của nước nên ngư lôi loại này có tốc độ rất cao lên tới 350km/h . Khi sử dụng loại vũ khí này mục tiêu có rất ít cơ hội để né tránh. Hệ thống tên lửa – mãnh hổ thêm cánh Từ hai ống phóng ngư lôi phía trên, tàu ngầm lớp Kilo có thể phóng các tên lửa Novator Club-S (SS-N-27 Sizzler) qua ống phóng với tầm bắn lên tới 220km. Đây là loại tên lửa hành trình đối hạm siêu thanh 3 tầng. Sau khi được phòng qua ống phóng ngư lôi, tên lửa sẽ tự khởi động khi vỏ bảo vệ của nó lên tới mặt nước. Ở giai đoạn cuối, tên lửa Club-S đạt tốc độ siêu âm lên tới 2,2 Mach (gấp 2 lần tốc độ âm thanh) và có thể tiêu diệt chiến hạm của đối phương với đầu nổ 450kg. Tên lửa đối hạm siêu thanh Klub-S 3M-14E. Ảnh: defenseindustrydaily.com Ngoài ra, đối với các phiên bản nội địa, tàu ngầm lớp Kilo được trang bị giá phóng bao gồm 8 tên lửa phòng không tầm ngắn Strela 3 hay Igla. Với các đầu dò tầm nhiệt, các tổ hợp tên lửa nói trên là vũ khí để chống lại các mục tiêu bay thấp hay máy bay trực thăng săn ngầm của đối phương trong tầm 6km. Hệ thống động lực – mạnh mẽ và ít gây tiếng ồn Các tàu ngầm thuộc lớp Kilo được trang bị 2 động cơ diesel công suất lớn. 1 chiếc cung cấp lực đẩy cho tàu và 1 chiếc phục vụ nạp điện cho hệ thống pin năng lượng. Chân vịt của tàu ngầm là loại có 7 cánh quạt được thiết kể để giảm thiểu khả năng tạo tiếng ồn và bọt khí khi di chuyển dưới nước. Cấu tạo chân vịt của tàu ngầm thuộc Project 636 và 877. Ảnh: Internet Để đảm bảo khả năng hoạt động tại các vùng nước nông, khi neo đậu hoặc trong tình trạng khẩn cấp, tàu ngầm lớp Kilo còn được trang bị 2 hệ thống pin nhiên liệu bao gồm 120 bộ pin đặt ở khoang thứ nhất và thứ ba. Việc điều khiển hệ thống cung cấp năng lượng nói trên của tàu được điều khiển hoàn toàn tự động. Tính từ năm 1982 tới nay, hải quân Nga đã sở hữu khoảng 24 tàu ngầm lớp Kilo, bao gồm 17 chiếc đang hoạt động và 7 chiếc khác được niêm cất. Trên thế giới, nếu tính cả các đơn đặt hàng hiện có trong tương lai gần sẽ có khoảng 33 tàu ngầm lớp Kilo trong bên chế hải quân các nước. “Sát thủ biển cả” mới của hải quân Nga tàu ngầm thuộc lớp Lada. Ảnh: lh5.ggpht.com Hiện tại, tàu ngầm được coi là “người kế thừa” của lớp Kilo đã xuất hiện đó là tàu ngầm lớp Lada, Project 677 (tên NATO - Amur-1650). Tàu ngầm thế mới này của Nga được đánh giá là có tính năng vượt trội so với các thế hệ tàu ngầm điện-diesel thế hệ trước của Nga với khả năng hoạt động độc lập cao và hệ thống vũ khí tân tiến. Tuấn Sơn (tổng hợp từ tạp chí nước ngoài)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/115/115/115/101234/Default.aspx