Tập trung giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng

(HNM) - Theo báo cáo kết quả tổng điều tra về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 công bố ngày 4-4, vẫn có đến 31 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi trên 30% và 2 tỉnh trên 40% - mức cao và rất cao so với phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Việt Nam hiện nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ SDD thấp còi cao trên toàn cầu. Hiện nước ta còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi SDD nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ SDD thấp còi và 520 nghìn trẻ SDD gầy còm và số trẻ này phân bố không đồng đều.

Trẻ em cần được ăn đầy đủ chất để phát triển toàn diện. Ảnh: Huyền Linh

1/3 trẻ dưới 5 tuổi thấp còi

10 năm qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam, nhất là phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi, đã được cải thiện rõ rệt với khẩu phần ăn có lượng protid, lipid cân đối hơn rất nhiều. Riêng khẩu phần ăn trẻ em từ 2 đến 5 tuổi có mức năng lượng trung bình đáp ứng được 97% nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng. Nhờ đó, chiều cao của thanh niên từ 22 đến 26 tuổi đạt mức trung bình là 1,64m - nam và 1,54m - nữ. Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh với mức giảm chung của cả nước là 1,5%/năm, vượt chỉ tiêu của chiến lược đề ra (từ 31,9% năm 2001 xuống còn 25,2% năm 2005 và 17,5% năm 2010). Nhờ đó, chiều cao trung bình của người trưởng thành vào năm 2010 cao hơn năm 1975 là 4cm và cân nặng hơn 8kg. Tỷ lệ SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi cũng giảm từ 43,3% năm 2000 xuống còn 29,3% năm 2010 (mức giảm trung bình trong 15 năm qua là 1,3%/năm). Đánh giá về tình hình dinh dưỡng của người dân Việt Nam, ông Rajen Kumar Sharma, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc UNICEF tại Việt Nam khẳng định: Thực tế cho thấy có sự thuyên giảm đáng ghi nhận của tình trạng SDD thấp còi ở trẻ nhỏ trong những năm qua, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn ở mức cao và có sự khác biệt giữa các vùng miền.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chung bị thiếu máu dinh dưỡng cũng ở mức cao với các con số tương ứng là 29,2%, 36,5% và 28,8%; chỉ có 29,3% bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu và 19,6% trong 6 tháng đầu.

Cùng với việc giảm tỷ lệ SDD, Việt Nam cũng đang phải nỗ lực để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở cả trẻ em lẫn người trưởng thành. Kết quả điều tra cho thấy, 6,6% người lớn bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì là 4,8%, trong đó khu vực thành phố 5,7%, nông thôn 4,2%. Đáng lưu ý, tỷ lệ này lên tới 12% tại Hà Nội, 15% tại TP Hồ Chí Minh và cao hơn gấp 6 lần so với kết quả điều tra năm 2000.

Hướng tới bà mẹ và trẻ em

Tình trạng SDD thấp còi xảy ra trong 1.000 ngày đầu của cuộc đời trẻ có thể để lại hậu quả hầu như không thể phục hồi trong quá trình phát triển của trẻ. Các thông tin khoa học gần đây cũng cho thấy, SDD thấp còi là một chỉ số có giá trị nhất phản ánh tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Giai đoạn "cửa sổ" - quãng thời gian từ khi trong bụng mẹ đến 2 tuổi - là giai đoạn quan trọng bậc nhất để có thể can thiệp phòng tránh SDD thấp còi cho trẻ cũng như các ảnh hưởng khác của nó. Bởi vậy, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011-2020 hướng tới việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho biết, những kết quả điều tra rất cơ bản được công bố lần này là cơ sở quan trọng để ngành y tế cũng như Chính phủ xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho các năm tiếp theo, nhất là việc giải quyết gánh nặng kép về SDD và thừa cân, béo phì hiện nay. Theo đó, để cụ thể hóa hoạt động dinh dưỡng thời gian tới, cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 226/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn năm 2030 với 6 mục tiêu, trong đó có một mục tiêu quan trọng là phấn đấu tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi còn 26% và SDD thể nhẹ cân 15% vào năm 2015.

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, theo bà Nguyễn Thị Lâm, phải cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Khi dinh dưỡng được bảo đảm cân đối, hợp lý sẽ giúp các thế hệ tương lai phát triển được toàn diện về tầm vóc, thể chất và trí tuệ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây không phải việc của riêng ngành y tế mà phải là trách nhiệm của các cấp, ngành và mọi người dân.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/doi-song/543787/tap-trung-giam-ty-le-suy-dinh-duong.htm/