Tạo nhiều “kênh” việc làm cho thanh niên nông thôn

(VOV) - Thanh niên nông thôn chiếm khoảng 51,5% trong tổng số thanh niên cả nước và có đến 94,7% không có chuyên môn nghiệp vụ. Vì thế, để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, cần phải hết sức quan tâm đến lực lượng này

Tại cuộc Tọa đàm lực lượng trẻ đóng góp ý kiến cho Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa tổ chức, nhiều đại biểu đại diện cho các tổ chức thanh niên đều bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo chiến lược về việc xây dựng nông thôn mới. Song, để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, cần phải quan tâm đúng đắn đến lực lượng thanh niên nông thôn- nhân tố chính trong xây dựng nông thôn mới. Vẫn nan giải bài toán về việc làm Hiện nay, ở nước ta, dân số trong độ tuổi thanh niên (16-30 tuổi) có khoảng 22 triệu người, chiếm gần 23% dân số cả nước, trong đó, thanh niên nông thôn chiếm khoảng 51,5%. Đây là lực lượng quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Điểm nổi bật của thanh niên nông thôn là dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tham gia chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhiều thanh niên nông thôn đã bứt ra khỏi lối tư duy cũ kỹ, mạnh dạn đầu tư vốn, sức lực, chất xám để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là thanh niên nông thôn đang có hạn chế lớn là trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp thấp lại ít có cơ hội được đào tạo nghề nghiệp. Theo điều tra của Ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí minh, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật trong thanh niên nông thôn thấp hơn 4 lần so với thành thị; trình độ cao đẳng, đại học trở lên của thanh niên nông thôn thấp hơn 6 lần so với thanh niên thành thị… Những năm qua, các cấp, các ngành đã coi trọng việc đào tạo nghề và bố trí việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều cơ sở khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thường xuyên mở các lớp tập huấn giúp thanh niên nông thôn tiếp cận với những tiến bộ của KHKT. Các làng nghề không ngừng phát triển thị trường, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm mới cho thanh niên. Chính quyền, đoàn thể các địa phương quan tâm hỗ trợ vốn, giống cây trồng vật nuôi để thanh niên nông thôn lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình… Tuy nhiên, thực trạng việc làm cho thanh niên nông thôn vẫn là một vấn đề nan giải tại nhiều làng quê. Anh Trần Văn Hùng, Bí thư đoàn xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên và nhiều đại biểu nêu thực trạng ở địa phương mình là thanh niên không có việc làm phải rời bỏ quê lên thành phố tìm việc và chủ yếu chỉ làm được các việc đơn giản như: bán rong, thợ xây hoặc làm việc ở các khu công nghiệp với mức lương thấp…. Còn những thanh niên trụ lại được ở địa phương thì cũng chỉ phát triển kinh tế một cách nhỏ lẻ, ít áp dụng được những tiến bộ KHKT. Tiếp cận việc làm qua nhiều “kênh” Anh Hoàng Anh Tú, Phó Bí thư Đoàn Công ty may Hưng Yên cho rằng, Việt Nam gia nhập WTO đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ, nhưng cơ hội việc làm ở đây đòi hỏi lao động có tay nghề trong khi khả năng cạnh tranh của thanh niên nông thôn còn thấp. “Hiện nay, thanh niên đang thiếu các hình thức kết nối, đang bối rối không biết chọn nghề nào, làm gì hợp khả năng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Để tạo điều kiện cho thanh niên thích ứng với tình hình mới, cần phải định hướng nghề nghiệp cho họ từ rất sớm, trước khi bước vào độ tuổi thanh niên”- Anh Tú đề xuất. Thực tế cho thấy, xuất khẩu lao động đang là một xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn, nhất là lao động ở khu vực nông thôn. Do đó, các tổ chức xã hội, trong đó có vai trò của Đoàn Thanh niên, cần có những thông tin về thị trường lao động trên thế giới để người lao động có được sự lựa chọn phù hợp. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên cần phối hợp với các ngân hàng chính sách địa phương, hướng dẫn thanh niên những thủ tục vay vốn. TS Bùi Trường Giang, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, trước khi tạo việc làm, hướng nghiệp cho thanh niên là một khâu quan trọng hiện chưa được quan tâm thỏa đáng. Trong thời điểm hiện tại, độ “vênh” giữa cung và cầu lao động rất lớn, nên cần phải coi xuất khẩu lao động là một kênh tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Cùng với đó, ở tầm vĩ mô, cần xây dựng chính sách để có thể phản ứng linh hoạt trước những biến động của nền kinh tế thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của lao động Việt Nam tại nước ngoài và phản ứng linh hoạt đối với việc “mở” hoặc “đóng” cửa thị trường lao động Việt Nam khi cần thiết. Bên cạnh việc tìm việc làm qua kênh xuất khẩu lao động, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích thanh niên làm giàu tại địa phương. Anh Nguyễn Duy Tú, Bí thư huyện Đoàn Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đề xuất: “Đảng và Nhà nước nên có cơ chế, định hướng rõ về lao động, việc làm cho nông dân, khuyến khích nhân dân và thanh niên làm giàu chính đáng tại địa phương. Thanh niên, nông dân khi bị thu hồi đất dẫn đến không có việc làm ổn định, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề về các tệ nạn xã hội, kèm theo gây mất ổn định xã hội và điều này đã xảy ra khá phổ biến ở nông thôn”. Anh Trần Văn Hùng, Bí thư đoàn xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên băn khoăn, thanh niên có làm giàu được tại quê hương, một vấn đề quan trọng là phải có vốn. Tuy nhiên, việc thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn hiện nay còn chưa nhiều. Chính sách vay vốn còn bị bó hẹp và chưa thực sự cởi mở cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Do đó, cần có phương hướng cụ thể đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn, yếu tố quyết định trên bước đường lập nghiệp. Chìa khóa vẫn là khâu đào tạo Thanh niên nông thôn thiếu việc làm hiện nay cũng là một điều dễ nhận thấy, bởi số người lao động ở độ tuổi 15-32 chưa qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ rất lớn trong lực lượng thanh niên. Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB và XH, hiện tại thanh niên có tay nghề chỉ mới chiếm hơn 10% tổng số người trong độ tuổi. Nghĩa là trong số 22 triệu người ở lứa tuổi thanh niên, thì số người không có chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ vẫn còn chiếm đến 90%. Có đến 70% thanh niên đô thị và 94,7% thanh niên nông thôn không có chuyên môn nghiệp vụ... Trình độ lao động của thanh niên nông thôn còn nhiều hạn chế nên có tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động, nhưng số lượng thanh niên không tìm được việc làm khá cao. Những thanh niên tìm được việc làm thì chỉ là các công việc thủ công, đơn giản và bị trả lương thấp. Qua những hội chợ việc làm gần đây, chỉ có khoảng 20% lao động đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Trong số này, thanh niên nông thôn được tuyển dụng rất ít. Anh Hoàng Anh Tú, Phó Bí thư Đoàn Công ty may Hưng Yên đề xuất, để nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm cho thanh niên, cần phải huy động nhiều nguồn xã hội, đầu tư ngân sách thỏa đáng để đẩy mạnh dạy nghề, phổ cập nghề cho thanh niên. Các chính sách về đào tạo nghề cũng cần từng bước được hoàn thiện. Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp dạy nghề, đặc biệt các nghề kỹ thuật cao. Cùng với đó, phải xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên. Theo anh Trần Văn Hùng, Bí thư Đoàn xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên, hiện nay rất cần những chính sách đổi mới về giáo dục đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo những nghề kỹ thuật, công nghệ cao, hướng việc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, cần tìm ra những mô hình đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương. Việc đào tạo nghề cũng nên tiến hành ở địa phương để tránh tốn kém. Các cấp bộ Đoàn cần nắm rõ nguyện vọng của thanh niên nông thôn, tư vấn kịp thời về lối sống nghề nghiệp và hỗ trợ các kỹ năng tham gia lực lượng lao động, hỗ trợ doanh nhân trong nông thôn, khuyến khích đầu tư của tư nhân vào khu vực này. Anh Trần Văn Hùng cũng cho rằng: “Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, nhiều cơ hội mới mẻ mở ra cho thanh niên, song cũng đòi hỏi thanh niên phải tự vận động, chủ động, năng động và sáng tạo hơn”./. Minh Hòa

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/tao-nhieu-kenh-viec-lam-cho-thanh-nien-nong-thon/201010/158969.vov