Tạo khí đốt từ…bèo tây

(Petrotimes) - Các nhà khoa học Nga cam đoan rằng với sự hỗ trợ của một lò phản ứng đặc biệt, từ những đám bèo tây tưởng chừng vô dụng có thể thu được khí đốt để sưởi ấm các ngôi nhà và thậm chí là toàn bộ thành phố.

Các nhà khoa học ở Murmansk - thành phố miền bắc nước Nga - đã bắt tay khai triển nguồn năng lượng khác thường từ thực vật. Cơ sở để chiết xuất nhiên liệu của tương lai là giống bèo tây, còn được gọi là lục bình, lộc bình, phù bình hay bèo Nhật Bản, tên khoa học là Eichornia, loài thực vật thủy sinh thân thảo, sống nổi theo dòng nước, ưa mọc ở vùng nhiệt đới. Các nhà phát minh cam đoan rằng với sự hỗ trợ của một lò phản ứng đặc biệt, từ những đám bèo tây tưởng chừng vô dụng có thể thu được khí đốt để sưởi ấm các ngôi nhà và thậm chí là toàn bộ thành phố.

Cách Murmansk không xa, gần đây đã khởi động một lò phản ứng thí điểm với bèo lục bình, có khả năng sản xuất khí gas sinh học. Sáng chế đã được cấp bằng phát minh, và từ nay đến cuối năm trạm điện mới sẽ được kết nối với lưới điện của một trong những trung tâm ngoại ô. Hành trình tiến tới sản xuất công nghiệp khí gas sinh học đã mất 12 năm dài.

Nhà phát minh Viktor Semionov nói về công nghệ nhiên liệu sinh học mới: "Chúng tôi cắt lá bèo lục bình trong nhà kính. Nghiền chúng bằng máy xay thông thường đơn giản và sẽ có được hỗn hợp màu xanh lá cây. Đem hỗn hợp xanh lá cây này đun nóng đến một nhiệt độ nhất định trong thùng đựng. Sau đó chuyển hỗn hợp vào lò phản ứng".

Kết quả quá trình chuyển hóa là từ hỗn hợp màu xanh của lục bình bắt đầu tuôn chảy dòng khí mê-tan.

Thế mà, 20 năm trước đây, nhiều người đã gọi là bèo lục bình với những cánh lá tròn xanh láng và chùm hoa tím điểm đốm vàng nổi trên mặt nước là “bệnh dịch hạch màu xanh”. Cũng dễ hiểu, bởi bèo lục bình là một trong những giống thảo mộc phát triển nhanh nhất trên hành tinh. Trong môi trường tự nhiên, loài cỏ dại này lan tràn mau chóng phủ kín mặt nước bằng thảm dày đặc, gây cản trở cho lưu thông tàu thuyền.

Khi bắt đầu khám phá những đại diện độc đáo này của hệ thực vật, thì các nhà khoa học nhận thấy rằng hệ thống rễ màu nâu của bèo lục bình có sức hút lọc nước rất mạnh. Trong đó, tốc độ xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ khác nhau của bộ rễ này phải nói là tuyệt vời khó tưởng tượng nổi. Đám bèo lục bình trải ra trên diện tích 1 hecta có thể làm sạch đến 3 tấn nước thải mỗi ngày. Khám phá bắt đầu được áp dụng vào thực tế. Thí dụ, ở Matxcơva người ta thả bèo lục bình trong khu vực bể xử lý nước thải đã mấy năm nay. Giống cây thân thảo với những cuống lá hình bầu xốp rỗng này cũng được sử dụng để làm sạch nước trong những cái ao tù và sông ngòi.

Nhưng thú vị hơn cả là chất xen-lu-lô chứa trong bèo lục bình, nhờ đó loại thực vật thủy sinh hoang dại này trở thành cơ sở tuyệt vời cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Có thể coi bèo tây như một nguồn năng lượng tái sinh tự nhiên, thêm vào đó là giá thành khá rẻ.

Theo tính toán, chi phí chiết xuất gas từ nồi hơi trên cơ sở bèo lục bình sẽ rẻ hơn 2 lần so với than đá, và hơn 3 lần nếu so với dầu mazut.

Bèo lục bình là thứ cây cỏ thích ánh sáng và ấm áp. Vì thế phát minh công nghệ tại vùng Bắc Cực của Nga về sử dụng loài thực vật nhiệt đới như là nguồn năng lượng, sẽ có thể áp dụng rộng rãi ở những địa bàn phương nam ấm nóng.

Th.Long (Theo RIA Novosti)

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/tao-khi-dot-tu%e2%80%a6beo-tay.html