Tăng tính nhân đạo trong chính sách hình sự

Từ lâu, trong chính sách hình sự của nước ta vẫn tồn tại quan điểm coi trừng trị là mục đích đầu tiên, cao nhất của hình phạt, từ đó dẫn đến khốc liệt hóa hệ thống hình phạt cũng như áp dụng hình phạt trên thực tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người phạm tội đã được đề cao, thể hiện trên nhiều khía cạnh.

Nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) lần này, Bộ Tư pháp đề xuất tăng cường tính hướng thiện, giáo dục con người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội.

 Những năm gần đây, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người phạm tội đã được đề cao. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người phạm tội đã được đề cao. Ảnh minh họa

Giảm phạt tù, mở rộng phạt tiền

Bộ Tư pháp cho rằng, tính nhân đạo trong chính sách hình sự được thể hiện trước hết ở việc giảm nhẹ các hình phạt có tính hà khắc đối với người phạm tội, giảm bớt hình phạt tù đối với người phạm tội. Theo đó, muốn giảm khả năng áp dụng các hình phạt tù thì cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng hình phạt tù chủ yếu áp dụng đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đối với các tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng, chỉ nên áp dụng khi xét thấy nếu để người phạm tội ở ngoài xã hội sẽ còn gây hại cho xã hội; đối với những trường hợp còn lại thì xem xét áp dụng các hình phạt không phải là tước tự do. Như vậy, cần nghiên cứu loại bỏ khả năng áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng với lỗi vô ý.

Bên cạnh đó, cần đồng thời quy định theo hướng mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ; nghiên cứu mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền đối với các nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm xâm phạm an toàn, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm xâm phạm sở hữu. Mặt khác, nghiên cứu sửa đổi quy định của BLHS về hình phạt cải tạo không giam giữ theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng tính cưỡng chế của loại hình phạt này.

Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC Đinh Văn Quế thận trọng cho rằng, cần nghiên cứu xem chỉ giảm đối với loại tội phạm nào, còn tội phạm nào không thể giảm, thậm chí không áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như đối với tội phạm về tham nhũng, các tội phạm có tính chất xã hội đen, các băng nhóm tổ chức phạm tội… Ngoài ra, ông Quế kiến nghị nghiên cứu bỏ chế định án treo hoặc không áp dụng án treo đối với các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Bổ sung chế định tha tù trước hạn có điều kiện

Cũng theo Bộ Tư pháp, cần nghiên cứu bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, với mục đích chủ yếu là để sớm đưa người chưa thành niên bị kết án phạt tù trở về với cộng đồng. Không những thế, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về xóa án tích đối với trường hợp phạm nhiều tội, trong đó có tội thuộc nhóm đương nhiên được xóa án tích và có cả tội thuộc nhóm xóa án tích theo quyết định của Tòa án; xóa án tích đối với người bị kết án tù chung thân, tử hình khi được ân giảm…

Bên cạnh đó, BLHS cần có quy định xác định rõ việc ưu tiên áp dụng quy định bắt buộc miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho bị can, bị cáo trong trường hợp họ thỏa mãn các điều kiện và cần quy định cụ thể, rõ ràng các điều kiện được miễn TNHS, nhất là đối với các trường hợp “có thể” được miễn cũng như nghiên cứu mở rộng hơn nữa các trường hợp được miễn TNHS.

Đồng tình với việc bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện để sớm đưa người chưa thành niên bị kết án phạt tù trở về với cộng đồng, chuyên gia Nguyễn Quốc Việt nhận định đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn sâu sắc.

Tuy nhiên, để chủ trương này thành hiện thực, theo ông Việt, phải nghiên cứu thật thấu đáo, “nếu không muốn nói là có một đề án thật cụ thể” mọi khía cạnh của vấn đề, từ điều kiện tha tù trước thời hạn đến việc có nơi tiếp nhận sau khi ra tù để chứng tỏ sự cải tạo tiến bộ, có cơ chế giám sát theo dõi người đó trở về với cộng đồng…

Ông Quế phân tích thêm, thực tiễn nhiều trường hợp không thuộc trường hợp chuyển biến tình hình, cũng không do thay đổi quy định của pháp luật nhưng vẫn được miễn TNHS với lý do đã bồi thường thiệt hại, có nhân thân tốt, khai báo thành khẩn. Vì vậy, BLHS sửa đổi vẫn cần quy định trường hợp được miễn TNHS và có thể được miễn TNHS.

Có điều, nên nghiên cứu trường hợp nào BLHS hiện hành quy định “có thể” song cần quy định “được miễn”, đồng thời có thể mở rộng thêm các trường hợp cần được miễn TNHS hoặc có thể được miễn TNHS như trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc đối với tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/tang-tinh-nhan-dao-trong-chinh-sach-hinh-su-175774.html