Tăng cường quản lý vũ khí vật liệu nổ

(VOV) - Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tạo ra cơ sở pháp lý hiệu lực, hiệu quả để điều chỉnh trong lĩnh vực này

Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã biểu quyết thông qua ngày 30/6/2011, trình Chủ tịch Quốc hội ký và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Phóng viên VOVNews phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an về việc xây dựng Pháp lệnh này. PV: Thưa Thiếu tướng, từ trước đến nay Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và cụng cụ hỗ trợ, và bây giờ lại xây dựng và ban hành Pháp lệnh về hoạt động này. Xin Thiếu tướng cho biết những yếu tố nào dẫn đến việc cần thiết phải ban hành Pháp lệnh này? Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thi hành việc quản lý, sử dụng các phương tiện này. Tuy nhiên, đến nay tình hình kinh tế, xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành rất phức tạp. Nhưng các quy định điều chỉnh về lĩnh vực này chủ yếu là các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành, nên hiệu lực pháp lý chưa cao có những văn bản không còn phù hợp. Một số văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã quy định việc trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhưng chưa quy định cụ thể việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhất là các trường hợp được nổ súng. Thực tiễn trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân diễn biến tình hình an ninh, trật tự nhất là tội phạm rất phức tạp, các đối tượng phạm tội rất liều lĩnh, manh động, sử dụng các loại vũ khí tấn công các lực lượng thi hành công vụ, nhất là các đối tượng vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạm tội về tài sản, kinh tế, ma túy, bảo vệ rừng... Bên cạnh đó, số lượng súng hơi, công cụ hỗ trợ đã được một số tổ chức, cá nhân mua và sử dụng vẫn còn khá nhiều, nhất là súng săn tự chế của đồng bào dân tộc miền núi phần lớn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, song do phong tục, tập quán nên người dân vẫn sử dụng mà chưa có chế tài thu hồi... Mặt khác, nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, số vũ khí, bom, đạn nằm rải rác trong xã hội, trong nhân dân, ở rừng núi, trong lòng đất vẫn còn rất nhiều, nhưng chưa có điều kiện thu hồi, rà phá, xử lý hết. Số vũ khí, vật liệu nổ trang bị cho các lực do nhiều nguyên nhân khác nhau chưa được thu hồi hết, số ít còn cất giữ để làm kỷ vật gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc khẩn trương xây dựng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới là vấn đề hết sức cần thiết. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, sau khi trao đổi thống nhất với các bộ, ngành liên quan, Bộ trưởng Bộ Công an đã có quyết định thành lập Ban soạn thảo Dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và giao cho Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH có trách nhiệm triển khai thực hiện, thành lập Tổ biên tập gồm cán bộ, chuyên viên của các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, Bộ Công an đã chỉ đạo tổng kết 12 năm thi hành Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiến hành khảo sát thực tế, tổ chức hội thảo và lấy ý kiến tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia hoạt động thực tiễn; tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức sưu tầm các tài liệu có liên quan, để nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng dự án Pháp lệnh. Sau một thời gian nghiên cứu, Dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được hoàn chỉnh và tại phiên họp thứ 41 ngày 30/6/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh này trình Chủ tịch Quốc hội ký và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là một bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo ra cơ sở pháp lý có hiệu lực và hiệu quả cao để điều chỉnh trong lĩnh vực này, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ý thức tuân thủ, chấp hành luật pháp của nhân dân góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. PV: Thưa Thiếu tướng, Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có những điểm gì mới và ưu việt hơn so với những văn bản quy phạm pháp luật trước đây? Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn: Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm 6 Chương, 38 điều. Chương I gồm những quy định chung. Chương II quy định quản lý, sử dụng vũ khí. Chương III quy định quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Chương IV quy định quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ. Chương V quy định quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chương VI gồm các điều khoản thi hành. So với các quy định của pháp luật đang có hiệu lực thi hành (như Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 về vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ), Pháp lệnh có một số nội dung mới. Có thể nêu một số ví dụ như: Pháp lệnh quy định các loại súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng được coi là vũ khí quân dụng và giao Chính phủ ban hành danh mục cụ thể về vũ khí (điểm d khoản 2 Điều 3). Pháp lệnh cũng quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đặc biệt là quy định kể từ ngày 01/01/2012 nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh này (khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh quy định vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mó tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ). Pháp lệnh cũng quy định cụ thể về nổ súng. Đây là quy định đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người được trang bị vũ khí đang thi hành công vụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân (Điều 22 Pháp lệnh đã quy định cụ thể về nguyên tắc nổ súng khi thi hành nhiệm vụ độc lập và 07 trường hợp được nổ súng). Ngoài ra, Pháp lệnh quy định tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Điều 25). Để quản lý chặt chẽ về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Pháp lệnh quy định 11 nội dung quản lý nhà nước, trong đó khẳng định có tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý, sử dụng đối với lĩnh vực này (Điều 34). Pháp lệnh cũng quy định rõ nguyên tắc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Điều 4) và xử lý vi phạm (Điều 36). PV: Được biết, Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Vậy, để việc triển khai thi hành Pháp lệnh đạt hiệu quả cao, Tổng cục đã có chỉ đạo trong ngành như thế nào? Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn: Để tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp lệnh, từ nay đến ngày có hiệu lực thi hành của Pháp lệnh là 01/01/2012, các cơ quan chức năng của Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị các công việc. Cụ thể: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho các tổ chức, cơ quan, cá nhân có liên quan và nhân dân. Xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, như: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cũng như các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai thi hành Pháp lệnh; Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh. Ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định nêu trên của Chính phủ và hướng dẫn thi hành một số nội dung cụ thể do Pháp lệnh quy định thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an. Tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh, cụ thể như: Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp với Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Chuẩn bị tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các lực lượng có liên quan, đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan các Bộ, ngành làm công tác quản lý hoặc trực tiếp thi hành nắm vững nội dung Pháp lệnh để tổ chức thực hiện. Ngành cũng tổ chức tập huấn chuyên sâu về Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo cốt cán công an các cấp, cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý hoặc trực tiếp thi hành nắm vững nội dung Pháp lệnh, bảo đảm các quy định của Pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt trong việc bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. **Xin cảm ơn Thiếu tướng!/.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/tang-cuong-quan-ly-vu-khi-vat-lieu-no/20118/183206.vov