Tăng cường năng lực kiểm tra sau thông quan- Bài 2: Giải pháp nâng cao năng lực “hậu kiểm”?

(HQ Online)- Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) lần thứ 8 (tháng 8-2013), Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh: hoạt động KTSTQ đã chứng tỏ được vai trò tham mưu giúp lãnh đạo Tổng cục Hải quan quản lí, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành thực hiện công tác KTSTQ. Đặc biệt, việc Bộ Tài chính phê duyệt Đề án tăng cường năng lực KTSTQ đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, với mục tiêu xây dựng lực lượng “hậu kiểm” chuyên nghiệp, hiện đại là điều kiện thuận lợi cho hoạt động KTSTQ trong thời gian tới.

Một buổi tham vấn DN của Chi cục KTSTQ- Cục Hải quan Hà Nội. Ảnh: H.VÂN

Ông Dương Phú Đông - Cục trưởng Cục KTSTQ cho biết, bên cạnh thực hiện các công việc thường xuyên, việc triển khai hiệu quả Đề án là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị thời gian tới. Để thực hiện hiệu quả đề án, ngành Hải quan đề ra 7 nhóm giải pháp sau: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan; đổi mới bộ máy tổ chức; xây dựng lực lượng; nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp; hoàn chỉnh quy định về DN ưu tiên; đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị.

Trong các giải pháp trên, vấn đề tổ chức bộ máy là giải pháp quan trọng, có nhiều điểm mới để phù hợp với mục tiêu tại Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020.

Theo Đề án được Bộ Tài chính phê duyệt, Cục KTSTQ ngoài các phòng chuyên môn như hiện nay sẽ có thêm 3 chi cục KTSTQ ở khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, trong các chi cục sẽ có các đội trực thuộc. Theo Cục KTSTQ, với mô hình tổ chức này sẽ đảm bảo cho đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách pháp luật, phối hợp để sửa đổi các bất cập liên quan đến KTSTQ; tham mưu, quản lí, xử lí, chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các Cục Hải quan địa phương thực hiện KTSTQ; đồng thời Cục cũng trực tiếp tổ chức các cuộc KTSTQ thông qua 3 chi cục KTSTQ khu vực.

Với mô hình thành lập chi cục KTSTQ ở 3 khu vực vấn đề được quan tâm khác là làm thế nào để không chồng chéo với hoạt động của các chi cục KTSTQ ở các Cục Hải quan địa phương. Theo Cục KTSTQ, việc thực hiện kiểm tra của các chi cục KTSTQ ở 3 khu vực sẽ có quy định cụ thể về phạm vi quyền hạn để không bị chồng chéo với hoạt động của địa phương, bên cạnh đó còn phải tăng cường hiệu quả phối hợp với hải quan địa phương trong thực hiện KTSTQ.

Mô hình tổ chức của Cục KTSTQ như nêu trên, về cơ bản khá giống với mô hình tổ chức của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) hiện nay. Vì Cục Điều tra chống buôn lậu ngoài các đơn vị tham mưu ở Cục còn có các Đội kiểm soát chống buôn lậu ở khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và các hải đội kiểm soát chống buôn lậu trên biển. Thực tế hoạt động của lực lượng chống buôn lậu trong nhiều năm qua không có sự mâu thuẫn, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ mà còn phối hợp, hỗ trợ tốt hơn cho công tác chống buôn lậu trên từng địa bàn cụ thể. Về tổ chức các Chi cục KTSTQ ở Hải quan địa phương vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Để phù hợp với mô hình tổ chức mới, vấn đề đảm bảo đội ngũ là hết sức quan trọng. Việc xây dựng đội ngũ không chỉ để vừa vặn với “chiếc áo mới” trong mô hình tổ chức mà vấn đề đào tạo nâng cao trình độ cũng phải đảm bảo song hành. Đối với Cục KTSTQ, từ nay đến năm 2015 phải có tối thiểu 180 biên chế, giai đoạn từ 2016 đến 2020 sẽ tùy thực tế để có định hướng tăng lực lượng với mức tăng khoảng 10%/năm. Với các Chi cục KTSTQ địa phương, đến năm 2015 phải đảm bảo biên chế tương đương 10% biên chế ở mỗi cục Hải quan địa phương, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ phụ thuộc vào nhu cầu từng đơn vị. Về tổng thể, lực lượng KTSTQ đến năm 2020 phải chiếm khoảng 20% tổng biên chế toàn Ngành.

Song song với đó, Tổng cục Hải quan cũng tập trung cho các nội dung cơ bản trong công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ CBCC. Đó là đào tạo kiến thức chung về kế toán, kiểm toán, thương mại, thanh toán, điều tra, thanh tra thuế… Đào tạo chuyên sâu cho từng lĩnh vực như mã số, trị giá, gia công, SXXK… Đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao ở tất các các nghiệp vụ nêu trên và một số nghiệp vụ chuyên biệt như giám định tài liệu, công nghệ thông tin. Phối hợp với cơ quan Thuế đào tạo nâng cao kiểm tra sổ sách kế toán, quyết toán thuế và với cơ quan Kiểm toán về nghiệp vụ kiểm toán…

Để triển khai cụ thể các nội dung của Đề án, ngày 18-7-2013, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kí quyết Quyết định 2441/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường năng lực KTSTQ đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án theo phê duyệt của Bộ Tài chính (Quyết định 1202/QĐ-BTC), xem đây là một bộ phận không tách rời, thiết yếu của tiến trình hiện đại hóa hải quan. Kế hoạch cũng đưa ra các cơ chế triển khai, phối hợp, quản lý và đôn đốc thực hiện các nhóm giải pháp của Đề án nhằm đảm bảo hoàn thành công việc đúng lộ trình.

Cũng trong ngày 18-7, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã kí Quyết định 2442/QĐ-TCHQ thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án tăng cường năng lực bộ máy KTSTQ do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là: Định hướng, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Đề án; chỉ đạo, điều phối thống nhất chung việc thực hiện Kế hoạch (kèm theo Quyết định 2441); giám sát quá trình thực hiện.

T.Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bai-2-giai-phap-nang-cao-nang-luc-hau-kiem.aspx