Tăng cường khắc phục, cải thiện sức khỏe cho người dân phơi nhiễm dioxin

QĐND Online – Ngày 24-11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học "Kết quả nghiên cứu mới về tác hại của chất da cam/dioxin đối với con người và môi trường ở Việt Nam", nhằm đánh giá sự tồn lưu, biến động, lan truyền của dioxin và tác động của chất độc hóa học này đến môi trường, sinh thái; sự biến động về sức khỏe, bệnh tật của những người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách khắc phục hậu quả chất độc này. Tham dự có đại diện Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Trung tâm phân tích độc chất Eurofins Đức, Đại học Y Kananzawa Nhật Bản.

QĐND Online – Ngày 24-11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học "Kết quả nghiên cứu mới về tác hại của chất da cam/dioxin đối với con người và môi trường ở Việt Nam", nhằm đánh giá sự tồn lưu, biến động, lan truyền của dioxin và tác động của chất độc hóa học này đến môi trường, sinh thái; sự biến động về sức khỏe, bệnh tật của những người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách khắc phục hậu quả chất độc này. Tham dự có đại diện Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Trung tâm phân tích độc chất Eurofins Đức, Đại học Y Kananzawa Nhật Bản.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất, khả năng ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong khắc phục hậu quả, tác hại của dioxin đối với sức khỏe, môi trường, đề xuất những phương hướng mới để góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin.

Nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

Tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Trong thời gian từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam 80 triệu lít chất khai quang diệt cỏ, trong đó có gần 400kg dioxin. Bởi vậy, số người phơi nhiễm dioxin lên tới 4,8 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người được công nhận là nạn nhân chất độc da cam. Mức độ nhiễm dioxin ở nước ta hiện rất nghiêm trọng. Trên 70.000m3 đất và trầm tích tại “vùng nóng” nhiễm dioxin với nồng độ trên 1.000 lần mức cho phép. Vì vậy, con người sống quanh khu vực bị ô nhiễm vẫn bị phơi nhiễm hằng ngày và còn kéo dài nếu không có biện pháp hạn chế và khắc phục có hiệu quả.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã có nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và khắc phục hậu quả của loại chất độc hóa học này đối với môi trường bị ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số lượng người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với nồng độ cao đang sống ở một số “vùng nóng” mắc nhiều loại bệnh tật khác nhau, cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, việc nghiên cứu, tiến hành các biện pháp để nhanh chóng trả lại sự trong lành cho môi trường cũng như có nghiên cứu đánh giá thực trạng sức khỏe cũng như các mối liên quan về sự biến động về nồng độ dioxin trong cơ thể là rất cần thiết.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã báo cáo những đề tài khoa học thuộc Chương trình “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người”, bao gồm: Nghiên cứu ban đầu về dị tật bẩm sinh và tai biến sinh sản một số vùng nóng ở Việt Nam; biến đổi hormore ở những người phơi nhiễm dioxin; giải độc không đặc hiệu ở những người phơi nhiễm dioxin; nhận xét về thay đổi thần kinh ở những trẻ em sống tại vùng nhiễm dioxin…

Trình bày báo cáo khoa học "Sự biến đổi nồng độ một số hóc-môn ở người phơi nhiễm dioxin tại Việt Nam".

Các báo cáo khoa học của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ rõ: Tác động của dioxin gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Theo đó, chất độc dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp cho cơ thể con người, làm phát sinh nhiều loại bệnh lý nặng nề như các bệnh về ung thư, bệnh lý tim mạch, bệnh lý cơ quan hô hấp, thần kinh, máu và cơ quan tạo máu, bệnh lý da, nội tiết, cơ quan sinh sản, làm suy giảm miễn dịch, dị tật bẩm sinh cho thế hệ sau. Phơi nhiễm dioxin có nguy cơ tác động đến tuyến giáp và các hóc-môn tuyến giáp ở những người dân sinh sống quanh điểm nóng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, hiện những đối tượng phơi nhiễm trực tiếp có xu hướng giảm dần nhưng đối tượng phơi nhiễm gián tiếp có xu hướng tăng dần. Nồng độ dioxin trong máu của người dân sống ở sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát vẫn ở mức cao. Một số loại thực phẩm như cá, thịt gà… có liên quan đến nguồn phơi nhiễm thông qua con đường ăn uống.

Điều trị giải độc cho những người phơi nhiễm chất da cam/dioxin

Dioxin gây tổn thương nhiều bệnh lý cho người bị phơi nhiễm nhưng lại chưa rõ cơ chế và chưa có chất chống độc đặc hiệu. Do vậy, việc điều trị còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, dioxin có ái lực cao với mô mỡ nên việc đào thải ra khỏi cơ thể càng phức tạp.

Theo GS, TS, Thiếu tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, trong thời gian qua, Học viện Quân y đã được Chương trình nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam giao nhiệm vụ triển khai 5 đề tài cấp Nhà nước. Các đề tài này tập trung vào các ảnh hưởng của chất da cam/dioxin lên sức khỏe con người và đề xuất các biện pháp khắc phục như đề tài nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp điều trị giải độc không đặc hiệu cho những người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin triển khai tại Bệnh viện Quân y 103. Hiện nay các đề tài đang được triển khai đúng tiến độ, đem lại những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, phương pháp Hubbard được đánh giá cao. Đây là một phương pháp giải độc không đặc hiệu, đang được ứng dụng làm giảm các hợp chất trong nhiễm độc mạn tính như thủy ngân, chì và phóng xạ có hiệu quả dựa trên cơ sở vận động, xông hơi ở nhiệt độ 60-80 độ C, đồng thời có bổ sung các vitamin, bù điện giải, dầu thực vật nhằm tăng khả năng bài tiết mồ hôi, tăng đào thải chất độc qua phân và nước tiểu, từ đó kéo theo các chất độc ra ngoài cơ thể. Bên cạnh đó, ở nước ta với nền y học cổ truyền phát triển, có nhiều vị thuốc có khả năng đào thải độc tố qua nhiều con đường như mồ hôi, nước tiểu, phân, từ đó có tác dụng giải độc. Trong đó, đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng một số biện pháp điều trị giải độc không đặc hiệu cho những người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin” đã xây dựng bài thuốc GĐ-103 có tác dụng giải độc không đặc hiệu cho người phơi nhiễm chất da cam/dioxin, đang có hiệu quả tốt.

Cần có sự hợp tác quốc tế trong phòng chống ô nhiễm dioxin

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33), cho biết: Với sự quan tâm và nỗ lực của Chính phủ cũng như các nhà khoa học, các điểm nóng về chất da cam/dioxin ở sân bay quân sự Đà Nẵng, Phù Cát và Biên Hòa đã và đang được khoanh vùng, đánh giá và triển khai công tác xử lý môi trường. Các kết quả nghiên cứu mới đây nhất một lần nữa khẳng định tính phức tạp, độc hại của dioxin. Chính vì vậy, yêu cầu cần phải có sự đầu tư thích đáng, liên kết chặt chẽ và hợp tác quốc tế trong phòng chống ô nhiễm dioxin.

Các đại biểu tại hội thảo cũng đều đánh giá cao những kết quả của các đề tài nghiên cứu và cho rằng, để công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đạt được hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực vượt bậc của Nhà nước, các ngành, các cấp, sự chung tay của cộng đồng cần tăng cường đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và các tổ chức xã hội của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giúp đỡ nạn nhân, nâng cao năng lực đến công nghệ xử lý, phục hồi môi trường…

Bên cạnh đó, các biện pháp dự phòng phơi nhiễm dioxin thông qua các chương trình y tế cộng đồng cho những đối tượng người dân cũng cần được tiến hành nhằm giảm thiểu tác động tổn hại của dioxin lên sức khỏe con người. Chính phủ và các nhà khoa học cần sớm đưa ra và thực hiện những biện pháp khắc phục, cải thiện về môi trường và sức khỏe cho người dân khu vực này.

Bài, ảnh: NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/tang-cuong-khac-phuc-cai-thien-suc-khoe-cho-nguoi-dan-phoi-nhiem-dioxin/389587.html