Tăng cường các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường không khí

KTĐT - Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có tới hơn 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát sinh chất thải công nghiệp nhưng chỉ có gần 200 đơn vị đăng ký quy trình xử lý nghiêm túc. Các khí thải độc hại phát sinh chủ yếu do quá trình chuyển hóa năng lượng (đốt cháy than và xăng, dầu các loại). Trung bình mỗi năm, lượng nhiên liệu do các cơ sở này tiêu thụ khoảng 240.000 tấn than, 250.000 tấn xăng, dầu và thải vào bầu không khí hơn 80.000 tấn bụi, khói; 10.000 tấn SO2; 19.000 tấn khí Nox; 46.000 tấn khí CO, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí một số khu vực của thành phố.

Ô nhiễm không khí đang là nỗi ám ảnh ở Hà Nội. Vào giờ cao điểm, không khí trên các đường phố, đặc biệt là nút giao thông đều ngột ngạt, bức bối, bởi lượng khí thải vượt gấp nhiều lần giới hạn cho phép từ các loại xe. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) Hà Nội, nồng độ bụi tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố đã vượt quá 0,5mg/m3. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại các khu, cụm công nghiệp do Sở TN&MT tiến hành từ năm 1996 tới nay cho thấy, nồng độ bụi lơ lửng tại hầu hết các khu vực đều có xu hướng tăng dần và đều vượt mức chỉ tiêu cho phép từ 2,5- 4,5 lần, tăng mạnh nhất ở các khu vực Văn Điển, Pháp Vân và Mai Động. Nồng độ các khí NOx, SO2 ít biến động vàcó xu hướng giảm nhưng mức độ giảm không nhiều. Trong khi đó, tại khu vực nội thành, chất lượng môi trường không khí có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là các khu vực tập trung đông dân cư. Nồng độ bụi tăng rõ rệt và đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nồng độ khí SO2, NOx tuy vẫn ở mức dưới giới hạn cho phép song có biểu hiện tăng dần mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động xây dựng và phương tiện giao thông đô thị gia tăng mạnh. Để hạn chế thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển mạnh hệ thống giao thông công công (như xe buýt, xe điện ngầm, xe điện trên cao ); từng bước giải quyết ùn tắc giao thông và tăng cường quản lý ô nhiễm từ các phương tiện giao thông, các cơ sở công nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm soát việc thực hiện các kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm không khí theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các cơ sở gây ô nhiễm. Đồng thời cũng cần tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp thành phố và cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Trước mắt, tận dụng và kết hợp áp dụng những thành quả của dự án ODA có liên quan đến chất lượng không khí, thành phố sẽ tăng cường năng lực quản lýchất lượng không khí trong quá trình phát triển giao thông đô thị, đặc biệt quan tâm tới việc quản lý, kiểm soát khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới (kể cả xe máy) theo lộ trình của Bộ Giao thông vận tải đã được Chính Phủ phê duyệt. Đồng thời, kiểm kê các nguồn thải cố định, di động và triển khai việc thu hồi khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các bãi chôn lấp rác của thành phố. Theo GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và Công nghiệp, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm hiện nay và cải tạo thành phố trở thành các đô thị xanh, vai trò của Nhà nước trong chỉ đạo phương hướng phát triển, quy hoạch, quản lý là chính. "Đường sá hết đào lên lại lấp xuống thì bụi bặm là đương nhiên; lấy đất của nông dân xây dựng khu công nghiệp nhưng không quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một ô nhiễm; tổ chức mạng lưới giao thông và quản lý phương tiện không tốt thì ô nhiễm không khí do khói xe. Vì thế, Nhà nước phải ra Luật Quản lý đô thị và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện luật" - GS. Phạm Ngọc Đăng nói. Cũng theo GS. Phạm Ngọc Đăng, một trong những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí phải bắt đầu từ khâu quy hoạch phát triển đô thị. Quy hoạch phải sử dụng hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất đai. Ví dụ, quy hoạch phải giữ được hệ thống ao hồ, có diện tích để trồng cây xanh. Như trường hợp của Hà Nội, lấp đến 50% số hồ thì ngập úng, nóng lên là đương nhiên; diện tích cây xanh bị gặm nhấm dần để làm đường, làm nhà thì lá phổi của đô thị sẽ suy kiệt. Nguyên Đào

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=44&newsid=185680