Tăng ca đến xỉu

TT - Những tháng cuối năm, tình trạng tăng ca ở các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) càng tăng tốc. Công nhân hầu như làm việc triền miên từ sáng tới tối mịt. Nhiều người vì tăng ca mà xây xẩm mặt mày, xỉu tại chuyền. Trong khi đó, theo quy định, muốn tăng ca phải lập phương án để đăng ký.

Gần 21g mà khu trọ công nhân tại khu phố 1, P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM vắng hoe. Đạo Thanh Mông, công nhân Công ty CP Xây lắp công nghiệp Nhà Bè, nói: “Mấy tháng gần tết ai cũng tăng ca nên khu trọ có ai đâu. Khuya về ngủ một giấc rồi sáng mai dậy sớm đi làm, hôm nào cũng vậy”. Muốn tăng ca phải lập phương án Theo quy định, trong lĩnh vực gia công may mặc, giờ làm thêm một ngày không quá 4 giờ, một tuần không quá 12 giờ, không vượt quá 300 giờ/năm. Giờ làm thêm được tính như sau: theo quy định là 150%/mức lương cơ bản/giờ và ngày nghỉ là 200%/mức lương cơ bản/giờ. Các khu vực doanh nghiệp khác muốn tăng ca như quy định trên thì phải lập phương án gửi sở lao động - thương binh và xã hội tại địa phương để đăng ký. Mới đi làm về ăn vội miếng cơm, dọn dẹp lại căn phòng trọ một hồi đã thấm mệt nên có bạn đến rủ đi chơi, Nguyễn Thị Thanh Phương (công nhân Công ty Nissey, chuyên sản xuất mắt kính, đồng hồ) cũng chẳng muốn đi, chỉ mong ngủ một giấc đầy lấy lại sức. “Gần ba tháng nay công ty nhiều việc hơn, làm và tăng ca 12 giờ mỗi ngày” - Phương nói. Những tháng bình thường thu nhập của Phương trên 2 triệu đồng/tháng, gần tết thu nhập tăng chút đỉnh nhưng đổi lại ngày nào về phòng trọ Phương cũng mệt mỏi. “Tăng ca đều như thế này cộng với tiền thưởng thì nay đến cuối năm có thể kiếm được gần 4 triệu đồng về quê ăn tết”. Theo quy định, trong lĩnh vực gia công may mặc, giờ làm thêm một ngày không quá 4 giờ, một tuần không quá 12 giờ, không vượt quá 300 giờ/năm. Giờ làm thêm được tính như sau: theo quy định là 150%/mức lương cơ bản/giờ và ngày nghỉ là 200%/mức lương cơ bản/giờ. Các khu vực doanh nghiệp khác muốn tăng ca như quy định trên thì phải lập phương án gửi sở lao động - thương binh và xã hội tại địa phương để đăng ký. Những ngày chủ nhật vừa qua, ở KCX Linh Trung 2 nhiều công ty vẫn cho công nhân đi làm bình thường. Ông Vinh, chủ một quán cà phê đối diện KCX Linh Trung 2, cho biết cuối năm khu này tăng ca ghê lắm, ông bán cà phê đến 2g sáng vẫn thấy công nhân tan ca. Theo ông Vinh, những tháng cuối năm cũng là lúc có nhiều công nhân xỉu nhất. Cứ vài ba bữa lại thấy vài công nhân vào cấp cứu tại Trung tâm Hoàn Hảo gần KCX. “Việc công nhân xỉu là chuyện bình thường, ăn uống tạm bợ, nghỉ ngơi không hợp lý lại tăng ca triền miên nên một số chị em không thể chịu được. Nhưng nếu không tăng ca cũng không được vì sợ bị đuổi việc” - chị B., công nhân Công ty may mặc DH tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), nói. Theo các công nhân, khi có đơn hàng gấp hầu hết công ty đều tăng ca với cường độ cao. Mùa tăng ca cũng là mùa công nhân đi bệnh viện nhiều nhất trong năm. Cả B., H., L.... và nhiều công nhân khác tại khu nhà trọ Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương) nói nếu không tăng ca, mỗi tháng chỉ được khoảng 1,4 triệu đồng. Mùa tăng ca có thể kiếm 3-4 triệu đồng/tháng. Vì vậy dù kiệt sức hay đau ốm họ cũng phải đi làm Các KCX-KCN như Linh Trung 1 (TP.HCM), Sóng Thần 2, Bình Đường (Bình Dương)... cũng có công nhân tăng ca 3-4 giờ/ngày và làm luôn ngày chủ nhật. Nhiều công nhân cho biết chỉ hai tháng cận tết, số giờ tăng ca đã gần bằng quy định cả năm (không quá 300 giờ). Công nhân Công ty KH (KCX Linh Trung 2) chỉ trong hai tháng đã hơn 200 giờ tăng ca, nhiều công ty khác, nhất là nhóm công ty sản xuất gỗ, gần 100 giờ/tháng. Cán bộ nhân sự của một nhà thầu phụ gia công hàng tại KCN Thuận An, Bình Dương cho hay thời gian cận tết cũng là lúc đơn hàng nhiều nhất. Công ty nào cũng muốn hoàn thành và giao cho khách hàng trước tết. Vì vậy, công ty luôn khuyến khích công nhân tăng ca càng nhiều càng tốt và việc tăng ca luôn có thỏa thuận giữa hai bên. Một cán bộ công đoàn Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM cho biết việc tăng ca cuối năm hầu như công ty nào cũng có. Chỉ khác là nhiều công ty làm tốt chính sách và bảo vệ sức khỏe cho công nhân, còn một số chỉ vì lợi ích của công ty. Ông Trần Hồng Sơn, chuyên viên Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết việc tăng ca có thỏa thuận giữa đôi bên thì Liên đoàn Lao động không khuyến khích cũng không chế tài. Bởi đa số công nhân đều tình nguyện tăng ca. Đầu năm không có hàng, thu nhập thấp, cuối năm họ muốn dồn sức kiếm nhiều tiền bù lại và để về quê hay tiêu xài trong dịp tết. Cũng vì có thỏa thuận và đa số công nhân muốn tăng ca nên nhiều công ty tăng ca với cường độ cao. Ông Huỳnh Tấn Dũng, chánh thanh tra lao động Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết khu vực may mặc gia công vi phạm giờ tăng ca nhiều nhất. Ông nói: “Mức lương quá thấp khiến công nhân đều muốn tăng ca để có thêm thu nhập, trong khi đó các công ty cũng khuyến khích công nhân tăng ca nhiều. Điều này dẫn đến việc thỏa thuận tăng ca, đây cũng chính là một hình thức gián tiếp ép buộc công nhân tăng ca vì họ không có lối thoát nào khi mức lương không đủ sống”. Cũng theo ông Dũng, mức xử phạt vi phạm giờ tăng ca quá nhẹ, cao nhất chỉ 20 triệu đồng/lần vi phạm khiến các công ty chấp nhận bị phạt và tiếp tục vi phạm. Mỗi năm chỉ được kiểm tra mỗi doanh nghiệp một lần nên rất khó kiểm soát việc vi phạm giờ tăng ca.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://www3.tuoitre.com.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=363297&ChannelID=269