Tản mạn về… 9 đời bộ trưởng Bộ GTVT

(Petrotimes) - Bằng cảm nhận và những gì tôi chứng kiến ở con người này tôi tin rằng vị Bộ trưởng thứ 9 trong đời làm báo theo dõi ngành GTVT của mình đang thực sự cần thiết cho ngành lúc này.

Năm 1970 vừa ra trường về Đài Tiếng nói Việt Nam, chân ướt, chân ráo tôi được cơ quan phân công làm phóng viên theo dõi ngành Giao thông Vận tải (GTVT). Thế là 39 năm làm báo chính thức ở đài tôi có dịp tiếp cận với 8 đời Bộ trưởng Bộ GTVT (trong đó Bộ trưởng Dương Bạch Liên tái nhiệm hai lần). Và nếu tính thêm 3 năm tham gia Tạp chí Cầu Đường vừa hoàn thành bài phỏng vấn tức thời Bộ trưởng Đinh La Thăng thì kẻ hành nghề nhà báo này đã đằng đẵng theo dõi Bộ GTVT qua chặng thời gian có đến chỉ kém một vị nữa đầy chục vị Bộ trưởng.

Với ba vị đầu tiên là tướng Phan Trọng Tuệ, tướng Đinh Đức Thiện, Bộ trưởng Dương Bạch Liên thì vì tuổi đời, tuổi nghề còn ít, chưa dám tiếp xúc nhiều với ba vị đứng đầu một ngành lớn, ngoại trừ bài viết đầu tay về lĩnh vực giao thông nông thôn ở vùng quê Sài Sơn của tướng Tuệ với cái tít có hơi hướng “tiếng hát quê ta” là “Con đường và bông lúa vàng”. Hôm đài phát định ghé qua nhà Bộ trưởng Tuệ ở phố Phạm Đình Hổ báo để ông nghe thì ông đã vào chiến trường. Còn tính từ Bộ trưởng thứ tư là Tướng Đồng Sĩ Nguyên thì với tư cách là phóng viên thâm niên đi với ngành nên ít nhiều tôi có thể biết được đôi phần tính cách và cả sự quản lý của các vị Bộ trưởng ngành kinh tế lớn này. Xin được lược ghi theo chủ quan của mình.

Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên

Tướng Đồng Sĩ Nguyên khi đương chức Bộ trưởng còn kiêm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – gọi theo “gu” của Liên Xô lúc đó tức là Phó thủ tướng – quản lý ngành GTVT đầy chất quân sự. Kiên quyết và “quân lệnh như sơn”. Tôi không thể quên hình ảnh tướng Nguyên đội mũ cối đứng ở cầu cảng Sài Gòn bắt dỡ hết hàng của một con tàu chuẩn bị nhổ neo để lấy tàu chở gạo ra miền Bắc. Khi Quốc lộ 5 (QL) chuẩn bị mở rộng, ông lệnh các địa phương hai bên đường đúng thời hạn phải giải phóng mặt bằng không “oong đơ”, lý do lý trấu gì hết.

Các địa phương dọn mặt bằng xong nhưng vẫn chưa thi công. Dân địa phương hai bên đường xót đất để không lại mang dây lang ra gơ. Cầu Thăng Long vừa làm xong, đi kiểm tra thấy nhiều chỗ không có cọc, tướng Nguyên cho rằng cọc bị kẻ xấu nhổ. Ông bắt Trưởng ban Tuyên truyền Ngô Quang Huấn kéo phóng viên bốn tòa báo chính thống trong đó có tôi lên thị sát lấy tài liệu viết tin bài phê phán. Lên đến nơi mới hay những chỗ ấy cọc chưa… trồng. Trưởng ban Huấn bàn mãi với bốn nhà báo để tìm cách báo cáo lọt tai Bộ trưởng.

GS.TS Bùi Danh Lưu Bộ trưởng kế nhiệm tướng Đồng Sĩ Nguyên nổi tiếng về kỷ lục thăng chức tiêu biểu cho “con mắt xanh” của Chính phủ. Chưa đầy hai năm tiến thẳng một lèo từ Viện phó Viện Kỹ thuật Giao thông lên Vụ trưởng, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng. Vị Bộ trưởng có học hàm cao nhất trong chín vị đứng đầu Bộ GTVT tôi biết còn nổi tiếng với 11 giải pháp gỡ bí cho ngành trong giai đoạn giao thời mà cho đến nay không ít giải pháp vẫn được Bộ GTVT thực hiện. Ông còn thành công chỉ đạo xây dựng cầu Chương Dương (dân Hà Nội gọi cầu này là cầu ông Lưu) và là vị Bộ trưởng rất giỏi hợp tác với báo chí. Ông cũng là Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ từ trước đến nay đã mở hai cuộc thi văn học về ngành GTVT. Hai giải Nhất là 2 cuốn tiểu thuyết “Những người ở khác cung đường” (lần 1) và “Bụi đường” (lần 2).

Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn cũng từ ngành GTVT đi lên. Ông nhận được quyết định lên Bộ trưởng trong chuyến xuất ngoại cuối cùng để về hưu. Kỹ sư Lê Ngọc Hoàn làm Bộ trưởng là thời kỳ ngành GTVT nhiều vốn ODA nhất. Các công trình cầu đường liên tiếp khởi công, khánh thành. Công trình làm bằng vốn chính, công trình làm bằng vốn dư ê hề. Công trình tốt cũng nhiều mà công trình phải làm đi làm lại cũng không ít. Các PMU múa tay trong bị nhờ xông xênh vốn. Bộ trưởng Hoàn am hiểu nghề xây dựng (ông vốn là TGĐ một đơn vị chuyên xây dựng bên Lào), tính tình lành hiền. Một lần đấu thầu vì nhiều lý do một vị Phó TGĐ có chuyên môn vừa lên chức vài tháng phải đưa ra kỷ luật theo kiểu “Lê Lai cứu chúa”. Ông rầu rĩ với tôi vì biết sắp bị cách chức. Nhưng hai tháng sau lại thấy mặt mũi tươi tỉnh vì… “máy bay địch đã bay xa”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng gặp gỡ công nhân trên các công trường trọng điểm

Bộ trưởng Đào Đình Bình xuất thân từ ngành đường sắt lên chức trong vị thế cái ghế nóng với nhiều “quan điểm” trong và ngoài bộ . Chính vì thế ngay từ khi ông lên chức thì tên tuổi thực và cả tên phiếm chỉ của ông, cùng việc làm của vị Bộ trưởng này liên tục xuất hiện trên mặt báo chính luận và văn nghệ ở những điểm nóng. Bộ trưởng Bình nổi tiếng khi có những việc làm thành công trong tư cách Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông (UBATGT) nhưng cũng nổi tiếng vì bị huyền chức bởi cơn sóng dư luận xung quanh vụ án của PMU 18. Nhìn lại quãng thời gian mà Tiến sĩ Đào Đình Bình tại vị người ta không khỏi tiếc cho một vị Bộ trưởng tài năng, năng động nhưng thiếu hẳn những cộng sự mềm dẻo, có chuyên môn cao.

Như đoạn trên đã nói, thời Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn chủ trì là thời nhiều vốn ODA nhất và PMU 18 được xem là Ban Quản lý dự án con cưng nhất của Bộ. Hầu hết các dự án giao thông nông thôn đều do PMU này quản lý. Đùng một cái sự kiện PMU 18 bị phát giác như một quả bom nổ chậm bất đồ phát hỏa giữa ban ngày. Sự kiện này chẳng những cuốn phăng một vị Thứ trưởng năng nổ, quyết đoán cùng vị Bộ trưởng. Nhưng cái đáng nói hơn là sự kiện PMU 18 làm cho Bộ GTVT đang quy về một mối làm ăn quyết liệt bỗng chia năm xẻ bảy ngơ ngác, tệ hơn nữa là mọi sự chỉ đạo từ bộ đều nước đôi theo kiểu “kinh cung chi điểu”.Từ Bộ trưởng đến Thứ trưởng không ai dám nói dứt khoát, hay ký dứt khoát. Tất cả đều chùn lại trong thế tự vệ “tránh voi không xấu mặt nào “nhỡ cái” không phải đầu lại phải tai”. Ông Hồ Nghĩa Dũng không phải người trong ngành GTVT lại đã từng trải qua giai đoạn làm công tác Đảng (từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi). Nên ông luôn luôn giữ vẻ nhu mì, thân thiện. Ngồi nói chuyện trực tiếp thấy ông lộ ra sự hóm hỉnh, thông minh với ngôn ngữ dân gian dễ gần.

Nhưng do ở ngoài ngành, lại về Bộ GTVT sau cơn lốc dữ PMU18 nên vị Bộ trưởng này lãnh đạo Bộ một cách cầm chừng theo kiểu vừa học vừa làm. Cộng sự nhất là ở những vị trí then chốt của ông đa phần là người cũ từ thời tiền nhiệm ông không muốn và không thể thay đổi nên hạn chế rất nhiều thế mạnh của một ngành kinh tế vốn năng động. Nổi nhất thời ông Hồ Nghĩa Dũng làm Bộ trưởng là vẻ mặt sầu não chân thành của ông trước tai nạn cầu Cần Thơ và các tai nạn đổ tàu. Phải chăng vẻ mặt của vị Bộ trưởng này đã ít nhiều mang lại sự thông cảm của Chính phủ và bàn dân thiên hạ trước sự suy giảm của ngành GTVT thời ông Hồ Nghĩa Dũng làm Bộ trưởng. Với tính cách nhu mì khéo léo như vậy lại không mấy tường tận công việc, nhân sự ở Bộ nên để chữa cháy và cũng để tránh những sự cố kiểu PMU 18 trong tương lai nên ông chấp nhận hàng loạt giải pháp được tham mưu đề ra chẳng mấy phù hợp tỉ như đưa PMU 18, PMU 5 – hai PMU anh cả đỏ về trực lý thuộc Cục Đường bộ. Chuyển 9 công ty vận tải từ Cục Đường bộ sang Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam. Rồi chia bớt, phân cấp các loại dự án do Bộ hay địa phương làm chủ đầu tư. Tuy vậy tình hình làm ăn của ngành GTVT vẫn ì ạch như người sau cơn ốm nặng. Mọi sự đều trì trệ mà điển hình là QL 32 thi công dư hai nhiệm kỳ vẫn chưa hoàn thành.

Tai nạn giao thông (TNGT), sự ùn tắc thì “năm nay cao hơn năm trước”. Thêm vào đó Bộ GTVT giai đoạn này lại lộ rõ sự xem thường báo chí nên chỉ một việc nhỏ như rơi mấy cái rầm cầu cạn, sự nứt mặt cầu Thăng Long do kỹ thuật… cũng bị ào ào lên mặt báo. Đây cũng là thời kỳ ngân hàng xiết chặt quản lý nên hàng loạt Cienco lừng lẫy của Bộ GTVT lộ ra gót chân Achille là những con nợ khổng lồ với số tiền lên con số hàng trăm hàng nghìn tỉ đồng. Bộ GTVT làm ăn cầm chừng, kém hiệu quả như vậy thì đùng một cái quả bom Vinashin nổ càng tạo đà xuống dốc nhanh của Bộ GTVT. Nhưng điều đáng nói là dường như Bộ GTVT vẫn chưa thoát khỏi cơn sốc PMU18 và cơn sóng thần Vinasin thì không có một vị lãnh đạo nào của Bộ GTVT có kế sách, có quyết tâm đưa ngành vượt qua mọi khó khăn. Tất cả vẫn án binh bất động theo kiểu được chăng hay chớ, ngó nghiêng, chờ thời. Giữa lúc đó thì Tiến sĩ Đinh La Thăng đảm nhận sứ mệnh là Bộ trưởng. Bằng cảm nhận và những gì tôi chứng kiến ở con người này tôi tin rằng vị Bộ trưởng thứ 9 trong đời làm báo theo dõi ngành GTVT của mình đang thực sự cần thiết cho ngành lúc này.

Tân Bộ trưởng GTVT đốc chiến tại các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chậm tiến độ

Tháng 10/2010 tôi được ngành Dầu khí mời tham gia vào đoàn báo chí đi thực tế tìm hiểu một số trọng điểm của ngành đó là dầu khí Dung Quất, dầu khí Vũng Tàu và Khu Khí – Điện Đạm – Cà Mau. Cảm giác đầu tiên của tôi thì Chủ tịch Thăng với mái tóc cắt đơn giản theo kiểu của những thanh niên khỏe mạnh. Bằng ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu và dứt khoát ông nhanh chóng cho đoàn nhà báo biết bức tranh cơ bản của ngành Dầu khí Việt Nam đến thời điểm đó. Câu chuyện sắp kết thúc thì ông đứng dậy chuyển sang cách xưng hô thân mật với chúng tôi “về số liệu các anh cần gì em sẽ nói bộ phận cung cấp. Còn bây giờ em phải đi viếng cậu công nhân ngoài nhà giàn vừa bị tai nạn. Em mời các anh đến cùng viếng để hiểu thêm cuộc sống và tình cảm của cánh dầu khí chúng em”. TGĐ Dung Quất Nguyễn Hoài Giang có vóc dáng vạm vỡ, to khỏe theo kiểu con nhà thể thao hao hao như Đinh La Thăng. Mặt vuông, vai rộng thích ưa mặc áo phông thể thao. Quê gốc ở Cần Thơ nhưng ông sinh ra ở Hà Nội vào năm Mậu Thân. Dạo đó ông thân sinh ra là phi công Đoàn 921 đóng tại sân bay Kép.

Giang tốt nghiệp đại học ở Bungari năm 1987. Từ năm 1999 đến 2008 Giang là Phó phòng Kỹ thuật phụ trách tự động hóa. Tháng 9/2009, khi ông Đinh La Thăng phát hiện ra tài năng quản lý của Giang đã điều Giang lên giữ chức Phó TGĐ nhà máy và đến 4/2010 thì Giang đảm nhận vị trí TGĐ. Ngồi ăn cơm với chúng tôi câu chuyện của Giang dường như không ngoài công việc. Hầu như 24/24 giờ vị TGĐ 42 tuổi này gắn liền với nhà máy. Giang tỏ ra rất tự hào với những kết quả Nhà máy Lọc dầu đạt được, nhất là sự thành công của mẻ dầu đầu tiên ra đời vào tháng 2/2009 và những dự định để từng bước cán bộ, công nhân làm chủ được quy trình công nghệ hiện đại. Nhưng Giang cũng lộ ra sự lo lắng làm sao để nhà máy văn minh hiện đại này không thể sơ xảy dù là một sự cố nhỏ. Giang bảo bài học về Hãng dầu BP có truyền thống hàng thế kỷ mà chỉ cần một sơ sẩy nhỏ thì coi như số không. Việc tôn trọng quy trình rèn luyện cho một nếp làm việc công nghiệp ở Nhà máy Lọc dầu hiện đại là rất cần thiết. Nghĩ và làm việc như vậy nên sáu tháng liền TGĐ Giang không rời nhà máy cho dù rất muốn về thăm đứa con mới sinh. Bây giờ nghĩ đến cách dùng người tinh tường, quyết liệt và dứt khoát của Bộ trưởng Đinh La Thăng tôi hiểu vì sao tân Bộ trưởng mạnh dạn “trảm tướng giữa trận tiền” khi thay thế Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng sân bay Đà Nẵng. Đây là việc “trảm tướng giữa trận” thứ hai của ông Đinh La Thăng.

Có lẽ trước khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng, ông Đinh La Thăng đã nghiên cứu kỹ thực trạng của Bộ GTVT nên ông đã khẳng định và yêu cầu là được toàn quyền như một tư lệnh ngành. Và khác hẳn tiền nhiệm, vừa nhậm chức ông đã nhìn ra ba điểm nóng của ngành cần ưu tiên giải quyết. Đó là sự trì trệ trong xây dựng cơ bản, sự ách tắc và TNGT. Rồi liên tiếp ông đưa ra những quyết định làm sốc cả một bộ máy vốn quen trông họp hành, quen những phát biểu chung chung, dựa dẫm, quen ỉ lại cấp trên và sợ trách nhiệm. Hôm tôi đến Dự án Cải tạo và Mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa – Vinh tôi được mọi người kể lại câu chuyện khi Bộ trưởng Đinh La Thăng nghe báo cáo Ngân hàng Đầu tư phát triển chậm thực hiện cam kết mua phí đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương để làm vốn đầu tư cho dự án này thì ông nhắc cán bộ nên gọi ngân hàng khác.

Điều này bộc lộ khí chất vừa doanh nghiệp vừa trách nhiệm của tân Bộ trưởng nhưng tôi biết khi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chưa nghiệm thu cao tốc Sài Gòn – Trung Lương thì khó có ngân hàng nào dám thực thi cam kết như Bộ trưởng Thăng yêu cầu. Kể lại chuyện này để biết rằng, những đề nghị của ông như việc thay đổi giờ làm việc, việc cấm cán bộ chủ chốt của ngành GTVT đánh golf, hạn chế xe cá nhân chưa phải đã thật sự hoàn hảo ở chỗ này chỗ khác nhưng nó thực sự là một tiếng nổ lớn khẳng định một cách làm việc dám chịu trách nhiệm của Bộ trưởng Đinh La Thăng – một nét lạ ít thấy ở cán bộ quản lý của nước ta. Cách làm dứt khoát đầy tinh thần trách nhiệm đúng thời khắc cần thiết này của vị tân Bộ trưởng là điều cực kỳ cần thiết cho Bộ GTVT lấy lại phong độ sau dư chấn khủng khiếp của sự cố PMU 18 và Vinashin.

Nguyễn Hiếu

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/xa-hoi/2011/11/tan-man-ve-9-doi-bo-truong-bo-gtvt