Tản mạn Xuân Paris ấm tình người Việt

Lần đầu đặt chân tới Paris tôi có cảm giác thành phố này giống như Hà Nội, chắc bởi một phần của Hà Nội vẫn còn in đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, thêm vào đó, mùa xuân Paris cũng có mưa phùn li ti. Nhưng quan trọng nhất là tình cảm của bà con kiều bào dành cho những người đến từ cố hương.

Hà Nội đầu xuân 2016

Bên dòng sông Seine.

Không gian Việt giữa lòng Paris

Sau một chặng bay đêm nối đêm, Paris chào đón chúng tôi vào một buổi sáng sớm lạnh tê người kèm theo những hạt mưa bụi giăng khắp không gian của một ngày đầu xuân. Nó khiến tôi thấy Paris quả thật thơ mộng và gần gũi. Chúng tôi tới Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp nằm ở quận 13 - nơi tập trung đông người Việt sinh sống. Sang đúng dịp Tết, nghĩ những thứ đậm chất xuân Việt ở nhà chả thiếu nhưng chắc bên đó thì rất thèm. Thèm chả phải vì thiếu thốn vật chất, mà vì thiếu hơi ấm không gian mùa xuân nơi đất mẹ. Vì thế, cả 6 thành viên trong đoàn ai nấy đều mang rõ nhiều bánh chưng, giò hoa, bánh mứt, trà mạn và đủ thứ lặt vặt vốn chả thiếu ở các chợ quê dân dã như mè xửng, chè lam... Thế rồi hóa ra ở Paris thứ gì cũng có.

Tranh và tượng là những di sản quý trưng bày trong các Cung điện, Bảo tàng ở Pháp.

Một nghệ sĩ đường phố ở Paris.

Sau ly rượu vang mừng xuân, giám đốc Nguyễn Thành Vượng dẫn chúng tôi đi một vòng Trung tâm. Thật chả thiếu thứ gì, từ xe xích lô kiểu Hà Nội cổ đến những quang gánh "còng lưng mẹ" hay những con rối nước quen gắn liền với các sự tích của ông cha ta... Đấy là chưa kể khi lên tới các tầng trên thì cả một bảo tang thu nhỏ các nhạc cụ cổ truyền và những đồ mỹ nghệ truyền thống dân tộc hiện ra ngay trước mắt. Đặc biệt, Trung tâm dành riêng hai gian trang trọng một gian thờ đức Phật và các vị thánh hiền dân tộc, một gian thờ Bác. Chúng tôi thắp nén nhang và dâng chút quà Tết từ Việt Nam mà trong lòng ai nấy đều bùi ngùi xúc động.

Tháp Eiffel.

Tới Paris, ai cũng háo hức tới tháp Eiffel. Chiều lòng khách cố hương, Trung tâm đã cử một cán bộ dẫn chúng tôi đi. Paris có hệ thống tàu điện ngầm khá thuận tiện và rất khoa học, nên chỉ sau một lần được dẫn đi, chúng tôi đã có thể tự tin đi lại. Dẫu thế, cho dù ở thành phố này tới chừng 2 tuần, chúng tôi cũng chẳng có mấy cơ hội tự đi một mình. Ngày gối ngày, lịch hẹn gối lịch hẹn, bạn bè, bà con kiều bào, người quen cũ, người mới gặp cứ nhất định muốn đi cùng chúng tôi. Chị Phạm Thùy Dương, một nghiên cứu sinh tại Paris đã dành tới vài hôm dẫn chúng tôi tới những điểm nổi tiếng trong thành phố như Đại lộ Champs Élyseés, Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Đức Bà, sông Seine, Bảo tàng Lourve và cả những khu mua sắm, trung tâm thương mại... Trong khi, kiến trúc sư lão thành Bảo Lộc, một người bạn cũ của GS. Hoàng Chương đã dành hai ngày giới thiệu với chúng tôi Cung điện Versailles và Nhà hát lớn thành phố. Cũng qua kiến trúc sư Bảo Lộc chúng tôi hiểu hơn về giá trị nghệ thuật nằm trong những kiệt tác kiến trúc này. Bên cạnh đó cũng thấy được công tác bảo tồn di sản với những quy định rất nghiêm ngặt của nước bạn. Cũng sẽ chẳng thể quên sự nhiệt tình của vợ chồng chị Việt Hà khi cả gia đình chị với ba người con đã vượt quãng đường chừng 140km từ thành phố Troyes tỉnh Aube tới Paris chỉ để mời chúng tôi một bữa tối rồi lại trở về Troyes ngay trong đêm.

Kiến trúc sư Bảo Lộc đưa GS Chương và chúng tôi thăm bảo tàng Lourve.

Bữa tiệc ấm áp ở nhà danh ca một thời

Trước khi đi từ Hà Nội, nhà thơ Vi Thùy Linh đã gửi cả thùng đồ lỉnh kỉnh làm quà cho Paris. Vợ chồng danh ca Lệ Quyên nhất định mời chúng tôi ghé qua tư gia dùng bữa tối thân mật. Sau chừng 30 phút di chuyển bằng ôtô về phía ngoại ô. Ngôi nhà của Lệ Quyên xuất hiện gợi nét như những ngôi biệt thự kiểu Pháp quanh khu vực Hồ Tây. Sau cánh cửa là không gian Hà Nội xưa với sự đan xen giữa Pháp và Việt. Tràn ngập trong đó là những tấm ảnh đen trắng về Hà Nội kèm theo những tấm hình Lệ Quyên thời còn xuân. Nhạc sĩ Giáng Son đến bên cây đàn dương cầm và một bữa tiệc âm nhạc nhẹ đã diễn ra ngay trong không gian ấy. Ông Vượng cất lên những lời ca trữ tình da diết về Hà Nội trong một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phú Quang, rồi Giáng Son và cả nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa cùng tôi cất lên những tiếng hát trong veo của “Giấc mơ trưa”.

Bữa tối bắt đầu bằng những chia sẻ rất trân trọng mà gần gũi của Lệ Quyên. Trước đó, tôi mới chỉ biết Lệ Quyên là danh ca một thời khi chị còn ở Hà Nội. Lệ Quyên còn được mệnh danh là một trong những ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam kể từ sau 1975. Hóa ra, chị chính là một trong những quả ngọt tình yêu của hai vợ chồng nghệ sĩ cải lương tài năng đất Bắc NSND Sỹ Tiến và NSƯT Khánh Hợi.

Vợ chồng Lệ Quyên (thứ 2 và 3 hàng sau) cùng khách mời tại tư gia.

Lệ Quyên cho tôi biết thêm rằng GS. Hoàng Chương là người bạn thâm niên thân thiết của gia đình chị. Chị vui vẻ nhớ lại, GS. Hoàng Chương khi ấy công tác cùng cơ quan với ba chị tại Ban sân khấu Viện Nghệ thuật (nay là Sân khấu) ở Hào Nam. Tiếng là trưởng ban nhưng ngày đấy ai cũng nghèo, ba chị không có cả chiếc xe đạp để đi. Lúc đó Lệ Quyên đang học Nhạc viện cũng trên phố Hào Nam nên ngày nào hai cha con cũng đi bộ. GS. Hoàng Chương khi ấy có chiếc xe Honda, một món quà của anh chị em đoàn Tuồng Liên khu 5 tặng sau khi ông chia tay nam Trung bộ để trở ra Hà Nội bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu. Chặng đường tới cơ quan của GS Chương cũng cùng cung đường với hai cha con Lệ Quyên nên ngày nào ông cũng qua chở NSND Sỹ Tiến đi - về. Hôm nào tình cờ gặp Lệ Quyên ông cũng bảo lên xe luôn. Nói tới đây GS Chương cười thoải mái và cho biết, ngày đấy Hà Nội rất hiếm xe máy, thành ra mới có câu chuyện như vậy... Bàn tiệc xuân lại rộn tiếng cười.

Tôi và Lệ Quyên.

Lệ Quyên lấy ra hai đĩa bánh táo và sô-cô-la do chính chị đã bỏ công cả ngày chuẩn bị đãi khách quý. Tàn bữa tiệc mà buổi tối vẫn đang nồng, dù đã thấm mệt nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ trước lời mời của cả hai vợ chồng Lệ Quyên tới công viên Disneyland ngay gần nhà chị. Cuộc gặp gỡ chỉ kết thúc khi ngày mới chuẩn bị bắt đầu. Bây giờ, điều đầu tiên tôi nghĩ tới Paris chẳng phải những cung điện nguy nga, những đường phố văn minh, những món ăn hay hương vị rượu vang mà lại là tâm hồn và tình người Việt.

Lệ Quyên và chúng tôi trong một quán bar âm nhạc bên trong Disneyland Paris.

Nguyễn Quang Long

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/tan-man-xuan-paris-am-tinh-nguoi-viet-9852.html