Tận diệt cây sim

Người dân ở các xã Yên Khoái, Hữu Khánh (H.Lộc Bình, Lạng Sơn) đang rủ nhau lên rừng chặt sim đào lấy gốc. Sau đó đem về chặt nhỏ, phơi khô đem sang biên giới bán...

Hơn 5 giờ sáng, theo chân vợ chồng anh Hoàng Văn Được ở xã Yên Khoái, chúng tôi cùng dòng người săn cây sim vào rừng. Dù trời vẫn chưa sáng hẳn nhưng dọc đường làng từ thôn Bản Khoai vào thôn Long Đầu có hàng chục người nối đuôi nhau thẳng tiến hướng rừng. Luồn lách dưới những cánh rừng thông bạt ngàn, sau hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại một cánh rừng thuộc địa phận thôn Long Đầu (Yên Khoái). Tại đây có hàng chục người với dao, cuốc, quang gánh đang đào bới rễ cây sim làm náo động cả một góc rừng. Vừa thoăn thoắt chặt từng đoạn rễ cây sim, chị Yên ở thôn Long Đầu vừa nói: "Mấy hôm nay tư thương Trung Quốc tăng giá rễ cây sim nên vợ chồng tôi cố tăng ca kiếm thêm thu nhập". Cũng theo chị Yên, mỗi ngày vợ chồng chị kiếm được 150 - 200 kg rễ. Sau khi chặt nhỏ phơi khô tư thương trả với giá từ 1.200 - 1.500 đồng/kg, một người cũng kiếm được 70 - 100 nghìn đồng/ngày. Cây sim cao 1-2m, mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi, nhất là những nơi đồi trọc miền trung du. Theo tài liệu Đông y, cây sim rừng chứa khá nhiều chất sắt, dùng làm màu nhuộm tự nhiên trong chế biến thực phẩm. Toàn bộ cây sim đều được dùng làm thuốc: rễ, thân, lá, hoa chữa bệnh tim, giải độc, cầm máu, rút mủ, sinh da non; quả ăn được, làm rượu bổ; nụ chữa tiêu chảy... Nhiều trẻ em cũng tham gia đào rễ sim. "Trước đây chỉ đi khoảng 1 km là có, nay phải đi từ 4 -5 km mới có gốc cây sim để đào. Người ta thấy lợi nhuận cao nên đổ xô đi đào đến tận tối mịt mới về", chị Hoàng Thị Hạnh, một trong những người cũng đi đào rễ cây sim ở thôn Long Đầu cho biết. Hiện, khắp các khu rừng tại các xã Yên Khoái, Hữu Khánh chi chít những hố sâu do người dân đào bới gốc cây sim để lại. Trước đây họ chỉ đào những cây sim có gốc to, giờ thì cả những cây nhỏ cũng bị khai thác. Người dân không chỉ khai thác ở những khu rừng trồng tư nhân mà rừng tự nhiên ở vùng Cùa cũng bị xâm lấn nghiêm trọng. Dọc đường vào thôn Bản Khoai, Long Đầu, Chi Ma rễ cây sim đã được băm thành lát mỏng phơi khắp sân nhà dân. Sau khi phơi khô rễ cây sim được đóng thành bao và chở sang bên kia biên giới bán. Anh Được, một người dân bản nói: Cứ khoảng 5 ngày vợ chồng anh lại có một xe công nông (hơn chục bao) chở sang bán cho tư thương Trung Quốc. Theo anh, một tháng trước rễ cây sim chỉ dao động ở mức 700 - 1.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên từ 1.200 - 1.500 đồng/kg. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà người dân ở đây đang tận diệt cây sim một cách vô tội vạ. Nếu cứ với cách tàn phá rừng tận gốc này thì chả mấy chốc cây sim ở Lạng Sơn sẽ không còn, mất đi nguồn dược liệu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Hoàng Văn Hương (TP Phủ Lý, Hà Nam)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201013/20100322224647.aspx