Tấn công Iran: Mỹ quyết, Israel đánh

Những dự đoán về kế hoạch tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran ngày càng được nhắc tới nhiều trong những ngày gần đây.

( ĐVO) Tuy nhiên, Mỹ mới chính là quốc gia có tiếng nói quyết định trong sự tồn tại của một cuộc tấn công như vậy.

Khả năng Israel tấn công Iran được công bố trên truyền thông nước này, theo đó, Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng bộ quốc phòng Ehud Barak đã đi tới một sự nhất trí trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran.

Dù ngay sau đó ông Ehud Barak đã phủ nhận thông tin trên nhưng lời phủ nhận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel bị phủ bóng đen khi có tin tức cho rằng Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman cũng đã “bị thuyết phục và đồng ý với kế hoạch tấn công”.

Theo giới thạo tin, một số thành viên còn lại trong nội các như Bộ trưởng bộ nội vụ Eli Yishai vẫn còn phân vân và “mất ngủ” vì vấn đề này.

Trên thực tế, Israel đã cho thử loại tên lửa mới và không quân nước này đã cùng NATO tập luyện “tấn công tầm xa”.

Những sự kiện này như “đổ thêm dầu vào lửa” và củng cố lập luận Israel sẽ tổ chức tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Báo chí Israel công bố răng 2 vị lãnh đạo quyền lực nhất của quốc gia Do Thái đã đồng ý tấn công.

Mỹ sẽ quyết định

Theo các chuyên gia, dù cho Thủ tướng Netanyahu hay Bộ trưởng bộ quốc phòng Barak muốn tấn công Iran nhưng dù họ "hăng hái" tới đâu thì giới lãnh đạo quốc gia Do Thái sẽ không hành động mà chưa nhận được "sự cho phép" của Mỹ.

Chính phủ Israel có thể “đùa giỡn” với Mỹ trong vấn đề xây dựng các khu định cư, nhưng việc tấn công Iran sẽ là một sự kiện hoàn toàn khác. Việc Israel tiếp tục xây thêm các khu định cư mới không gây đe dọa tới sinh mạng và “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ, nhưng nếu Iran bị tấn công, Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cho tới nay, các chuyên gia phân tích cho rằng tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn không ủng hộ kế hoạch tấn công Iran. Mỹ chưa quyết, vì vậy Israel sẽ chưa đánh.

Dù cho Mỹ luôn ủng hộ Israel mạnh mẽ nhưng nếu quốc gia Do Thái tự động tấn công Iran mà không có được sự ủng hộ của đồng minh thì mối quan hệ tốt đẹp lâu nay sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện tại, Mỹ phải bố trí rất quân tại Iraq, Afghanistan và nhiều quốc gia láng giềng với Iran. Nếu Israel tấn công Iran, quân đội Mỹ đồn trú tại đây sẽ bị trả đũa từ lực lượng vũ trang của Iran.

Về mặt kinh tế, Iran bị tấn công đồng nghĩa với việc van dầu lớn bậc nhất thế giới sẽ bị khóa lại.

Khi đó, giá dầu sẽ tăng vọt và gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Mỹ. Mỗi năm, Mỹ vẫn tài trợ cho Israel khoảng 3 tỷ USD.

Nhiều người cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bị “trói cả 2 tay” trong đợt tái tranh cử vào năm 2012. Ông Obama cần sự ủng hộ và lá phiếu của cả người Do Thái và người theo nhánh Phúc Âm của Công Giáo. Nhưng điều đó cũng khó có nghĩa rằng tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhanh chóng ủng hộ kế hoạch tấn công Iran vì viễn cảnh giá dầu tăng vọt và tổn thất sinh mạng lớn của lính Mỹ sẽ khiến cho đảng Cộng Hòa nổi giận và không thông qua phương án này.

Không chỉ Mỹ lo ngại mà lãnh đạo Israel cũng có quá nhiều điều phải suy tính trước khi ra lệnh cho các chiến đấu cơ cất cánh. Thông tin ngầm cho rằng những nhân vật có ảnh hưởng lớn như cựu giám đốc cơ quan tình báo Mossad phản đối tấn công Iran có nghĩa rằng "sinh mạng chính trị" của các ông Netanyahu và Barak cũng rất lớn nếu mọi việc đi chệch khỏi quĩ đạo mong muốn.

Người Iran luôn tỏ rõ quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân đến cùng.

Thời có tốt để tấn công?

Sau những thay đổi chính trị mạnh mẽ tại Trung Đông và Bắc Phi vì làn sóng lật đổ chính phủ từ Mùa Xuân Arab, Mỹ đã thành công trong hàng loạt chiến dịch ngoại giao và cấm vận để đưa Iran vào tình thế bị cô lập.

Cùng với những phát biểu phủ nhận nạn diệt chủng của người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã và các tuyên bố phủ nhận tính hợp pháp của Nhà nước Israel, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng tự đặt mình vào thế khó. Hiện nay, còn rất ít quốc gia sẵn sàng đứng cạnh Iran trong bất cứ cuộc chiến nào chống lại Israel.

Do vậy, theo nhiều chuyên gia, phương án tốt nhất của Israel chính là tiếp tục gây áp lực để đưa Iran trở lại bàn đàm phán và đưa ra những đề nghị “đủ nặng” để thuyết phục quốc gia Hồi giáo này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Đầu tháng 11/2011, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo về vấn đề hạt nhân của Iran. Nếu những chứng cớ mới được đưa ra chứng minh rằng Iran thực sự đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, các bên liên quan sẽ có nhiều cơ sở để gây sức ép lên quốc gia Hồi giáo này hoặc thậm chí tiến hành một chiến dịch quân sự tấn công các cơ sở hạt nhân. Trong trường hợp đó, chính tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là người đưa ra quyết định.

Hữu Nghĩa (theo The-Diplomat)

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/tan-cong-iran-my-quyet-israel-danh/201111/176481.datviet