Tại sao khủng hoảng euro chưa dứt?

(ĐTCK) Phải đến năm 2017, eurozone mới có thể phục hồi mức tăng trưởng như trước khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro đã qua chưa? Câu trả lời là “có và chưa”. Có, vì những rủi ro về một cuộc khủng hoảng tức thì đã giảm. Nhưng chưa, vì sự tồn tại của đồng tiền chung vẫn chưa chắc chắn.

Dấu hiệu tốt nhất về việc niềm tin được phục hồi là sự giảm xuống của chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu các nước yếu và trái phiếu Đức. Chẳng hạn, tại Ai Len, mức chênh lệch lãi suất chỉ còn 205 điểm cơ bản vào thứ Hai vừa qua, giảm so với mức 1.125 điểm hồi tháng 7/2011. Mức chênh của Bồ Đào Nha là 465 điểm, trong khi Hy Lạp thậm chí còn 946 điểm, giảm từ mức 4.680 điểm hồi tháng 3/2012.

Phía sau sự cải thiện này là 3 lý do. Đầu tiên là mong muốn của Đức về việc giữ gìn sự toàn vẹn của khu cực đồng euro. Thứ Hai là sự quyết tâm của các nước yếu trong việc thực thi các chính sách theo yêu cầu của chủ nợ. Thứ ba là quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong thực thi các hành động táo bạo - như tăng cường tài trợ dài hạn cho các ngân hàng và một cơ chế cấp tiền nhanh cho các chính phủ. Tất cả những điều này đã mang lại cho các nhà đầu cơ niềm hứng khởi.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Vốn dĩ, liên minh tiền tệ được coi là một cuộc hôn nhân không thể hủy ước. Ngay cả nếu đó là một hôn nhân tồi, liên minh có lẽ vẫn sẽ tồn tại lâu hơn so với nhiều người nghĩ bởi chi phí hủy hôn quá cao. Sự thật thì mối hôn ước này đang trục trặc và câu hỏi nên đặt ra lúc này là liệu nó có thể trở thành một hôn nhân tốt?

Một hôn nhân tốt là một mối quan hệ mà phu thê sẽ tìm cách hàn gắn lại ngay cả khi họ có cơ hội sang ngang. Chắc rằng, nhiều thành viên của liên minh tiền tệ sẽ từ chối làm như vậy ở thời điểm hiện nay, bởi họ đang ở trong một cơn ác mộng về nghèo khó và bệnh tật. Vào quý IV năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội của toàn eurozone vẫn thấp hơn 3% so với mức đỉnh trước cuộc khủng hoảng, trong khi GDP của Mỹ đã cao hơn 2,4%. Cùng thời gian, GDP của Ý bằng mức năm 2000, tức thấp hơn 7,6% so với trước khủng hoảng. GDP của Tây Ban Nha thấp hơn 6,3% so với trước khủng hoảng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26%.

Cho nên, có hai nhân tố cần thiết để biến cuộc hôn nhân này từ xấu thành tốt là: nỗ lực cải thiện tình trạng kinh tế nhanh nhất có thể và tiến hành những biện pháp cải cách cho dù nó có thể làm tái diễn thảm họa. Sức mạnh kinh tế dài hạn càng trở nên đáng tin cậy bao nhiêu thì sự phục hồi hiện tại càng nhanh bấy nhiêu.

Quá trình phục hồi thể trạng nền kinh tế gồm ba thành tố: xóa các khoản nợ không thể thanh toán trong quá khứ; lập lại sự cân bằng; và trợ giúp tài chính cho sự mất cân đối hiện tại. Trong quá trình đó, eurozone sẽ không xảy ra những rủi ro về tài khóa như của một hợp chủng quốc. Eurozone sẽ trở nên gắn kết về mặt tài khóa hơn, nhưng vẫn còn kém xa so với Australia , Canada hay Mỹ.

Về việc xóa nợ, cần được mở rộng hơn so với những gì đã làm với Hy Lạp và việc này cần được áp dụng đối với cả khu vực công cũng như các ngân hàng. Sự phản đổi việc này sẽ rất mạnh, nhưng chỉ vô ích.

Lộ trình hướng đến sự tái lập tăng trưởng còn quan trọng hơn. Đó sẽ là một chặng đường dài và khó khăn. Tây Ban Nha và Italia sẽ chỉ có thể trở lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng vào năm 2017 hoặc 2018, tức là mất tổng cộng khoảng 10 năm để trở về trạng thái cũ. Hơn nữa, năng lực sản xuất của một nền kinh tế còn phụ thuộc vào sức cầu của cả bên trong và bên ngoài.

Chính sách tài khóa tại các nước này đang được thắt chặt. Các nước đang vướng vào vấn đề nợ của khu vực tư, như Tây Ban Nha, sẽ không thể có sự phục hồi về tín dụng cho khu vực tư và như thế, rất khó để khu vực này tăng được chi tiêu. Cầu bên ngoài cũng rất yếu, chủ yếu do nhiều thành viên cũng đang áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, dưới tác động của cuộc khủng hoảng, năng lực cạnh tranh của các nước eurozone cũng đã yếu đi nhiều.

Trong khi đó, việc tài trợ từ ECB chỉ đủ để ngăn chặn một sự sụp đổ bất thình lình chứ chưa thể giúp hệ thống ngân hàng châu Âu mạnh lên, nhờ đó mà có thể mở rộng tín dụng trở lại.

Tóm lại, khu vực đồng tiền chung có ít khả năng xảy ra một cú sốc nữa, song tình trạng hiện tại (suy giảm kinh tế) khó có thể được cải thiện một sớm một chiều. Nền tảng để eurozone tăng trưởng trong dài hạn đang rất yếu, cần một cuộc cải cách.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJAGDB/tai-sao-khung-hoang-euro-chua-dut.html