Tài nguyên du lịch Biển, đảo tỉnh Cà Mau

Cà Mau là vùng đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 532.916,42 ha, gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, có 2 mặt giáp Biển Đông và Vịnh Thái Lan, phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây có cột mốc tọa độ Quốc gia Mũi Cà Mau là một địa điểm có ý nghĩa thiêng liêng không chỉ riêng của người dân Cà Mau mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến điểm chót cuối cùng của đất nước.

Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời nơi này cũng được công nhận khu du lịch Quốc gia. Vị trí khu dự trữ sinh quyển thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, U Minh, Trần Văn Thời, tổng diện tích tự nhiên 371.506 ha, hình thành với 3 vùng: Vùng lõi (Vườn quốc gia U Minh Hạ, vườn quốc gia Mũi Cà Mau và dải rừng phòng hộ ven biển Tây) là 17.329 ha; Vùng đệm 43.309 ha; Vùng chuyển tiếp 310.868 ha có giá trị về bảo tồn đa sinh học. Tổng diện tích vườn quốc gia Mũi Cà Mau là 41.862 ha (đất liền 15.262 ha, phần bảo tồn biển 26.600 ha) thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, có 21/51 loài thực vật ngập mặn Việt Nam, chiếm ưu thế là đước, mắm, vẹt, bần…ở một số nơi trong vườn quốc gia còn bảo tồn được rừng đước tự nhiên cao tới hơn 30 m. Khu hệ động vật trong VQG khoảng 182 loài trú ngụ, dưới nước là cả một quần thể với vô vàn loài thực vật thủy sinh sống. Rừng U Minh trên địa phận Cà mau (rừng U Minh Hạ), động vật trong rừng U Minh khá phong phú như: Nai, sóc đỏ, khỉ, dơi…và các loài bò sát, kỳ đà hoa, trăn đất, tắc kè, nhông xanh, rùa… Khu đa dạng sinh học lâm trường 184 nằm giữa cánh rừng Đước thuộc ấp Chà Là, xã Tam Giang, huyện Năm Căn. Tại đây, có Khu bảo tồn đa dạng sinh học rừng ngập mặn Cà Mau bao gồm: khu bảo tồn nghiêm ngặt, khu đệm sinh thái. Đến nơi đây du khách được đi xuyên rừng bằng một hệ thống đường làm bằng cây mát rượi. Luồn lách trong những cánh rừng đước 15 năm tuổi, du khách có thể bơi xuồng vào sâu trong rừng thưởng ngoạn khung cảnh rừng ngập mặn đặc trưng của Mũi Cà Mau. Do được thiên nhiên ưu đãi, khu du lịch sinh thái này có một hệ động thực vật phong phú, mang nét đặc trưng của hệ thống rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, có 44 loài thực vật, có 32 loài đặc trưng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có 3 cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc. Cụm đảo Hòn Khoai gồm 5 hòn đảo là Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ và Hòn Tương nằm sát nhau, cách đất liền khoảng hơn 14 km về phía Tây Nam thị trấn Năm Căn, huyện Ngọc Hiển. Cụm đảo Hòn Khoai, nơi cao nhất tới 318 m. Đến đảo Hòn Khoai du khách có dịp leo núi, băng rừng ngắm cảnh đẹp nên thơ của thảm rừng nguyên sinh phong cảnh thiên nhiên hoang dã cùng một quần thể động thực vật xanh biếc của Hòn Đồi Mồi giữa biển xanh, có trên 1.000 loài động, thực vật sinh sống. Hòn Đá Bạc thuộc huyện Trần Văn Thời cách Cà Mau 50 km đường thủy. Hòn Đá Bạc có 3 đảo nằm sát nhau và sát bờ biển, trên đảo có nhiều di tích, truyền thuyết như Sân Tiên, giếng Tiên, chùa Cá Ông…giữa một thảm thực vật tự nhiên phong phú. Bãi biển Khai Long thuộc ấp Khai Long, cụm du lịch đảo Đá Bạc, rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, Lâm ngư trường 184, Lâm ngư trường sông Trẹm…đều là những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Cà Mau. Khu dự trữ sinh quyển đem lại giá trị kinh tế cao thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh tài nguyên rừng và các sản phẩm dưới tán rừng, hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, du lịch và được thụ hưởng môi trường trong sạch. Rừng ngập mặn, rừng tràm làm giảm năng lượng sóng, bảo vệ bờ biển, giảm tác hại thiên tai bão, lũ, tạo nên sự cân bằng giữa bảo tôn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên, giảm nhiễm nguồn nước, không khí và môi trường đất, cải thiện chất lượng nước. Khu dự trữ sinh quyển còn là nơi để nghiên cứu khoa học, phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=25&itemid=12960