Tái định cư ở KKT Nghi Sơn: Niềm vui xen lẫn nỗi lo

Đến các Khu tái định cư của hai dự án lớn Lọc hóa dầu và Nhiệt điện thuộc khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vào thời điểm này mới thấy được không khí hối hả xây dựng nhà cửa của người dân trên nơi ở mới. Song vấn đề “hậu” di dân vẫn là nỗi lo của người dân tái định cư.

Dân vui vẻ trên nơi ở mới Tại khu tái định cư Nguyên Bình, phục vụ toàn bộ việc di dời người dân của xã Hải Yến - “điểm nóng” trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện đã có 170/360 hộ đã và đang xây dựng nhà. 34/85 hộ của xã Tĩnh Hải và 76/199 hộ thuộc xã Hải Hà cũng đã và đang tiến hành xây dựng tại khu tái định cư Hải Bình. Nhà cửa đang dần mọc lên trên khu tái định cư Nguyên Bình Ông Lê Văn Tiến - một hộ dân ở thôn Văn Yên, xã Hải Yến đang xây dựng nhà ở tại khu tái định cư Nguyên Bình cho biết: “Phải dứt bỏ nơi đã gắn bó máu thịt bao đời nay, chúng tôi cũng bùi ngùi xúc động, nhưng vì mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng phát triển nên người dân sẵn sàng nhường đất lại cho Nhà nước.” Nếu trước đây công tác di chuyển các hộ dân lên khu tái định cư gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa đồng thuận với các chính sách đền bù thì đến nay, 100% người dân đã nhượng lại đất cho Nhà nước và vui vẻ nhận đất tái định cư. Anh Nguyễn Văn Tuấn - Bí thư chi bộ thôn Trung Yến, xã Hải Yến cho biết: “Dân rất vui vẻ với các chính sách của Nhà nước ban hành. Mặc dù có hàng chục hộ dân đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù, nhưng đã tình nguyện đi nhận đất tái định cư và vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà cửa kịp giao lại mặt bằng cho các dự án. Tình trạng kéo dài việc di dời trước đây là do quyền lợi của người dân chưa được đáp ứng, chứ người dân thôn Trung Yến nói chung và xã Hải Yến nói riêng chưa bao giờ không đồng thuận với chính sách của Nhà nước.” Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết thêm: Hiện tại UBND xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ điện cấp đủ điện cho khu tái định cư. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của huyện Tĩnh Gia, xã Hải Bình cũng đã tiến hành khoan 5 giếng nước cung cấp nước cho sinh hoạt của các hộ dân tái định cư. “Là những người thực hiện công tác san lấp mặt bằng tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn từ những ngày đầu nên chúng tôi hiểu những khó khăn, vướng mắc và cả sự phức tạp không kể xiết của công tác GPMB. Khi UBND tỉnh Thanh Hóa mở đợt thi đua cao điểm với mục tiêu phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian chỉ có 40 ngày đêm, chúng tôi còn có phần hoài nghi, nhưng đến hôm nay, kết quả là câu trả lời tốt nhất cho mọi cam kết đã được thực hiện. Người dân đồng thuận nhượng lại đất cho dự án và vui vẻ di dời lên nơi ở mới, đây là thắng lợi lớn mà không phải nơi nào cũng có thể thực hiện được.” - ông Tôn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn bày tỏ. Cần có sự quan tâm hơn nữa Vấn đề tiền đền bù đất đai, đa số người dân tái định cư đều sử dụng đúng mục đích, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ gặp khó khăn. Những hộ được đền bù nhiều từ 2 - 3 tỷ thì sau khi xây nhà cửa vẫn còn ít vốn để làm ăn. Nhưng những hộ được đền bù từ 300 – 500 triệu nếu không tính toán mà làm nhà cửa quá tay, thì số tiền đó sẽ hết, cuộc sống sẽ lâm vào khó khăn. Theo ông Lê Đình Thọ - Trưởng ban Quản lý KKT Nghi Sơn, vấn đề này, các cấp ủy Đảng từ huyện đến xã và Ban quản lý KKT Nghi Sơn rất quan tâm, định hướng và động viên bà con sử dụng đồng tiền đúng hiệu quả, không chi tiêu lãng phí, không mua sắm những đồ dùng không cần thiết, quá đắt tiền để ổn định cuộc sống lâu dài. Nhà văn hóa thôntrong khu tái định cư rất khang trang Hiện cuộc sống của người dân các khu tái định cư ở KKT Nghi Sơn đang dần tạm ổn. Tuy nhiên vấn đề không còn đất sản xuất và công ăn việc làm đang là vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, người dân đang lo ngại tệ nạn xã hội sẽ xâm nhập khi công tác kiểm soát con người ở đây vẫn gặp khó khăn do vẫn chưa di chuyển hết các hộ dân lên khu tái định cư để tập trung quản lý. Vấn đề học hành của học sinh cũng đang gặp vấn đề khi học sinh phải đi học từ nhà đến trường tới 12 cây số, trong khi trường học mới chưa được xây dựng, các trường học xung quanh không thể đáp ứng hết số lượng học sinh của dân tái định cư. Không chỉ dời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” nhường đất lại cho các dự án, mà phía trước các hộ dân còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, ngoài những cơ chế chính sách được hỗ trợ theo quy định, các cấp chính quyền cần có sự quan tâm hơn nữa đến cuộc sống “hậu” tái định cư của bà con nhượng lại đất cho các dự án trong KKT Nghi Sơn. Hồ Hường - Lê Kiên

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20100823034825438cat118/tai-dinh-cu-o-kkt-nghi-son-niem-vui-xen-lan-noi-lo.htm