Tác dụng của chườm nóng?

Xin hỏi bác sĩ tác dụng của chườm nóng. Chườm nóng nên áp dụng trong trường hợp nào thì hiệu quả?

Vũ Thanh Tuyền (Đà Nẵng) Chườm nóng có tác dụng gây sung huyết cục bộ, làm tăng tuần hoàn tại chỗ được chườm giúp vết thương mau lành vì được tăng tưới máu; do làm giãn mạch máu, cơ, dây chằng, giảm kích thích thần kinh nên còn có tác dụng giảm đau; làm cho cơ thể bệnh nhân ấm lên. Chườm nóng là một thủ thuật đơn giản, tuy nhiên hiệu quả sẽ thấp nếu như không biết rõ tác dụng của nó để ứng dụng đối với từng trường hợp cụ thể. Chườm nóng có 2 loại là chườm nóng ướt và chườm nóng khô. Chườm nóng ướt: có thể ngâm vùng cần chườm vào nước ấm hoặc đắp parafin nóng hoặc dùng khăn, gạc thấm nước nóng đặt lên vùng chườm. Chườm nóng ướt thường áp dụng trong những trường hợp u nhọt, vết thương hở, hoặc một số trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ. Chườm nóng khô: là dùng nguồn nhiệt tác động lên vùng da cần chườm như hơi ấm của lò sưởi, chai đựng nước nóng, gạch nướng, nước nóng đổ vào túi chườm... Chườm nóng khô sức thấm không sâu vào lớp cơ của cơ thể nên chủ yếu chỉ làm bệnh nhân dễ chịu, giảm đau và giúp vùng mặt ngoài cơ thể có đủ máu nuôi dưỡng. Chườm nóng khô thường được áp dụng cho các trường hợp như cơn đau dạ dày, đau gan, thận hoặc đau khớp xương. Cũng có thể áp dụng chườm nóng khô cho những bệnh nhân viêm thanh quản, viêm khí quản, hoặc trẻ sơ sinh non yếu hoặc người cao tuổi khi trời rét. Về thời gian chườm: mỗi lần chườm chỉ nên kéo dài chừng 20-30 phút, và mỗi lần chườm nóng cách nhau ít nhất là 3 giờ. Nếu chườm liên tục sẽ làm cho da mềm, lỗ chân lông mở ra, vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm da, viêm cơ rất nguy hiểm. BS. Nguyễn Nghiêm Huệ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20090911101614859p0c63/tac-dung-cua-chuom-nong.htm