TS. Nguyễn Tường Bách: 'Phải có một thể chế tôn trọng và phát triển con người'

TS. Nguyễn Tường Bách có quan niệm riêng về lòng khoan dung: “Theo tôi, bao dung là tôn trọng sự khác biệt. Bao dung là để cho những ai yếu thế cũng có tiếng nói của mình, là “tự do của thiểu số”.

“Tâm hồn Thiền định của nhà vật lý đã hướng ông từ một doanh nhân thành đạt sang thành dịch giả và nhà văn, với những tác phẩm hòa quyện tinh thần và triết lý sống của Phật giáo. Người ta nhớ về các cuốn sách “Con đường mây trắng”, “Đạo của vật lý”, “Đối diện cuộc đời”, “Sư tử bờm tuyết xanh”… lại càng yêu những cuốn do chính tác giả viết trong các cuộc hành hương của mình: “Lưới trời ai dệt”, “Đêm qua sân trước một cành mai”, “Mùi hương trầm”… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tường Bách về cách nào để xã hội sớm cân bằng trở lại, thay vì nghiêng về bạo lực và dối trá...

Sau 40 năm sống ở Đức, mỗi năm lại trở về Việt Nam, cảm nhận chung của ông là gì?

- Xã hội thay đổi một cách sâu sắc, vui buồn đều có. Cùng chung với thế giới, Việt Nam đi vào con đường đổi mới trong công nghệ thông tin, hội nhập thế giới về kinh tế... Nhưng hiện trạng giáo dục và đạo đức của xã hội chúng ta thì vô cùng đáng lo ngại.

Chấp nhận thực tại đang diễn ra trong sự bất an, trong “vòng vây” của tin xấu trên mặt báo, trong nỗi sợ hãi tai nạn giao thông, hay nạn cướp giật, chém giết, tham nhũng, ô nhiễm môi trường…, vậy làm sao con người có thể sống được, nếu như còn thứ cuối cùng là niềm tin, cũng bị khiếm khuyết?

- “Niềm tin“ là niềm tin nơi một cái gì. Có niềm tin nơi một tương lai cá nhân sáng sủa hơn, hay nơi một xã hội tốt đẹp hơn. Cũng có niềm tin sâu sắc hơn, tin nơi một cái gì đó thiêng liêng trong vũ trụ. Niềm tin có tính chất cá nhân và xã hội hiện nay bị lung lay. Nhiều người không biết ngày mai xã hội và cuộc sống sẽ ra sao, nhiều người mơ ước mình hay con cháu mình sống ở nước ngoài. Điều này làm xói mòn tâm thức của dân tộc. Còn niềm tin nơi một thể tính thiêng liêng thì người Việt vốn có, nhưng mặt trái của nó là dễ sinh ra những cái nhìn sai lầm, mê tín.

Lòng khoan dung đang trở thành của hiếm trong xã hội Việt Nam hôm nay. Bởi dường như đằng sau đó còn là câu chuyện của lịch sử, của một thời máu chảy, của những hận thù… Xin ông chia sẻ suy nghĩ của ông về điều này?

- Đúng thế, hiện nay con người ưa sử dụng bạo lực trên mọi phương diện, từ suy nghĩ, lời nói hay việc làm. Điều này bắt nguồn từ cuộc chiến trong lịch sử, nhưng cũng từ tâm lý chạy theo danh lợi của mình mà không để ý tới người khác. Dối trá và bạo lực thực ra trên thế giới ở đâu cũng có, nhưng Việt Nam hình như là miếng đất “màu mỡ“ cho nó phát triển.

Đạo của lòng người chưa bao giờ lung lay như thế, liệu có phải đây là thời mà người Việt đang phải trả những “nhân quả” qua các cuộc chiến, thưa ông?

- Khó nói! Nói “nhân quả“ một cách chung chung dễ bị hiểu lầm. Nhưng nói bạo lực và dối trá là hệ quả tâm lý tất nhiên từ thời chiến tranh để lại thì ai cũng có thể thấy rõ.

Đạo Phật có xuất phát điểm tốt đẹp ở Việt Nam, nhưng đến nay, đã có những biến tướng dữ dội, khiến những ngôi chùa trở nên xa rời dân chúng, những vị sư không kiên định với đức tin, cái giả đang lấn át cái thật. Vì sao lại có tình trạng như vậy, theo ông?

- Đạo Phật là một phần của xã hội Việt Nam, nó phản ánh đầy đủ tính chất của xã hội. Do đó, khi xã hội đi xuống thì đạo Phật cũng suy thoái. Ngoài ra yếu tố can thiệp từ bên ngoài với ác ý cũng làm cho đạo Phật tệ hại hơn. Thái độ không hợp lý của quần chúng Phật tử cũng ảnh hưởng đến phẩm hạnh của tăng sĩ.

Liệu có cách nào để con người sống trong mối quan hệ hài hòa giữa đức tin và tự nhiên, có thể thay đổi hay hóa giải những mối xung khắc, mâu thuẫn, hận thù?

- Hãy vun bồi đời sống và phẩm hạnh cá nhân, “săn sóc“ chính mình trên phương diện suy nghĩ, lời nói và việc làm thì dần dần đời sống với người xung quanh sẽ trở nên hài hòa. Còn các mối xung đột xã hội tầm cỡ quốc gia và quốc tế thì mỗi chúng ta vì vậy cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhưng rất ít ỏi.

Từng sống, trải nghiệm ở nhiều nền văn hóa khác nhau, không chỉ ở Đức mà còn ở các miền đất Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng, Ai Cập, Myanmar…, xin ông chia sẻ điều mà ông suy nghĩ nhiều khi nhìn lại Việt Nam, qua sự so sánh với các nền văn hóa đó?

- Việt Nam là một nước lớn, đứng hàng 13 - 14 về dân số trên thế giới. Văn hóa Việt Nam vốn thâm hậu và nhân ái. Con người chúng ta khéo léo, thông minh, dễ tiếp thu. Do đó có thể xây dựng một xã hội hạnh phúc và hài hòa tại Việt Nam. Vấn đề là phải có một thể chế tôn trọng và phát triển con người, đi về hướng cởi mở, hợp tác, từ bỏ bạo lực, dối trá. Chúng ta phải có một “triết lý“ về xây dựng xã hội, sau đó sẽ nói về thể chế, văn hóa, giáo dục...

Ông nghĩ gì về một xã hội thiếu vắng lòng khoan dung, trong đó, bạo lực, tội phạm, sự vô cảm, độc ác của con người ngày càng tăng? Theo ông, điều mà chúng ta nên làm ngay bây giờ là gì?

- Xã hội hãy nên có những hoạt động dân sự, xuất phát từ những thiết tha cao đẹp nằm sẵn trong lòng xã hội. Thể chế cần thành tâm hỗ trợ các hoạt động dân sự như tôn giáo, thể thao, hội đoàn dân sự không do Nhà nước tổ chức. Mỗi cá thể trong xã hội nên vừa là thành viên của một gia đình, vừa là thành viên của một (hay nhiều) tổ chức dân sự. Như thế xã hội có một mạng lưới với chiều ngang và chiều dọc, đó là cơ sở lành mạnh của một xã hội lành mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ts-nguyen-tuong-bach-phai-co-mot-the-che-ton-trong-va-phat-trien-con-nguoi-516576.bld