TPHCM giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước

(VOH) - 67 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đất nước ta ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực như giáo dục, y tế, đời sống, đặc biệt là kinh tế, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của thành phố Hồ Chí Minh.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phấn đấu để trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TPHCM luôn có mức tăng trưởng hai con số, gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Thành phố đóng góp khoảng 20% GDP, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách cả nước. Hạ tầng của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có những bước tiến bất ngờ với hàng loạt dự án với những công trình trọng điểm đã được xây dựng như: Đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm Vượt sông Sài Gòn, khu công nghệ cao…Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đánh giá về những thành tựu mà TPHCM đã đạt được, nhất là trên lĩnh vực KT-XH: "Sự ổn định, phát triển của Tp.HCM có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Trong nhiều năm, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch ổn định, đúng hướng. Đặc biệt là các nguồn lực xã hội được huy động và phát huy rất tốt, quy mô kinh tế được mở rộng, những sáng tạo, những mô hình mới rất thuyết phục và trở thành mô hình phổ biến chung cho cả nước".

Sự năng động của kinh tế TP đã thể hiện rõ ngay từ giai đoạn 1980– 1985, đây là thời kỳ kinh tế TP nói riêng và cả nước nói chung bị khủng hoảng gay gắt. Song, thành phố đã nỗ lực, kiên trì, từng bước tháo gỡ để vượt qua khó khăn, ổn định KT-XH. Kinh nghiệm tích lũy được trong thời kỳ này đã làm nền tảng, làm cơ sở cho giai đoạn đổi mới, mở cửa và phát triển kinh tế đất nước.

Qua hơn 25 năm triển khai thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, thành phố Hồ Chí Minh luôn phát triển với tốc độ nhanh, là một trong những đô thị lớn của cả nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 2 con số. Trong giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP Hồ Chí Minh là 11% /năm. Đến cuối kế hoạch năm năm (2005-2010), tỷ lệ này là 11,2% /năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Có được kết quả nay, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, là do: "Thành phố đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu; từ chủ yếu phát triển dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giản đơn sang yếu tố năng suất tổng hợp, tiến bộ khoa học- kỹ thuật- công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao".

6 tháng đầu năm nay, tuy tình hình kinh tế cả nước nói chung, TPHCM nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của chính quyền cũng như sự nỗ lực của toàn thể các ngành, các cấp và người dân, thành phố đã vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hợp lý. Tổng sản phẩm nội địa ước đạt gần 289.000 tỷ đồng, tăng 8,1%. TP hiện đang tập trung thực hiện các giải pháp như: nỗ lực tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết tốt nợ xấu ngân hàng, đẩy mạnh biện pháp bình ổn giá đi đôi với kích thích thị trường, tạo cơ sở phát triển thị trường tài chính, tiền tệ,…phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 là 10%.

Có thể khẳng định, cho đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn giữ được vị trí đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đi đầu trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP Hồ Chí Minh vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá cao những kết quả TPHCM đạt được trong thời gian qua và khẳng định vai trò quan trọng của TPHCM đối với sự phát triển của cả nước. Ông cho rằng: "Trong tình hình khó khăn chung của thế giới và đất nước nhưng TPHCM vẫn phải kiên trì để thực hiện mục tiêu chung từ nay đến 2020. Thành phố cần phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống anh hùng, truyền thống thành đồng Tổ quốc để vượt qua mọi khó khăn, phát huy tiềm năng vốn có, phát huy vị thế của TPHCM. Xây dựng TPHCM trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đô thị đặc biệt phát triển bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa của đất nước".

Sau hơn một năm thành phố cùng cả nước chung sức, chung lòng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, kinh tế đất nước từng bước vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. TPHCM sẽ tiếp tục sáng tạo không ngừng, sẽ tiếp tục khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế thành phố; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12%/năm, cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD; thực hiện phương châm “vì cả nước, cùng cả nước”, góp phần đưa kinh tế đất nước phát triển ngày càng bền vững, xứng đáng là TP mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Hồ Chí Minh!

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=50645