TP.Hồ Chí Minh: Người nhập cư được hỗ trợ pháp lý và tín dụng

Mỗi năm, TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 200 nghìn người nhập cư tới lao động, học tập, sinh sống. Phần lớn trong số họ gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống. Dự án Hỗ trợ người lao động nhập cư tại quận Thủ Đức do Enda Việt Nam( Environment and Development in Action) tài trợ nhằm giúp đỡ người dân nhập cư bớt đi phần nào những khó khăn để hòa nhập với cộng đồng.

Enda Việt Nam là tên viết tắt của Tổ chức hành động vì môi trường và sự phát triển tại Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ thuộc mạng lưới Enda thế giới. Hiện Enda có khoảng 32 chi nhánh tại các nước châu Phi, Mỹ La-tinh và châu Á. Enda Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực phát triển cộng đồng trong đó tập trung vào các vấn đề: Nhà ở và tái định cư cho cộng đồng dân nghèo, truyền thông môi trường và xử lý chất thải rắn đô thị, hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số cải thiện đời sống… Địa bàn hoạt động của Enda gồm các tỉnh thành như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh. Dự án Hỗ trợ người lao động nhập cư tại quận Thủ Đức do Enda Việt Nam và UBND Quận Thủ Đức phối hợp thực hiện. Dự án được triển khai tại 2 phường của Thủ Đức là Linh Trung và Linh Xuân từ tháng 2/2008 đến tháng 6/2011 với tổng kinh phí là 54.390 Euros (ước tính 1.087 triệu đồng). *Người lao động nhập cư được vay tiền ổn định cuộc sống Qua ba năm triển khai tại hai phường Linh Trung và Linh Xuân, dự án đã thành lập được 30 nhóm tiết kiệm tự nguyện với trên 300 thành viên, giải quyết khó khăn cấp bách trong cuộc sống. Hơn 200 lao động được vay vốn để mua sắm phương tiện làm ăn với số tiền gần 600 triệu đồng. Chị Trương Thị Ngọc Giàu, một công nhân quê ở miền Tây lên thành phố lao động nhiều năm nay. Khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày đối với một người từ nơi xa đến làm việc đã làm chị không khỏi lo lắng. Chị luôn mong muốn có được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Mong muốn ấy trở thành hiện thực kể từ khi chị chính thức tham gia dự án :” Hỗ trợ người lao động nhập cư “ được triển khai thực hiện ở quận Thủ Đức vào năm 2008. Với dự án này, chị Giàu được hỗ trợ vay vốn từ quỹ CEP để mua sắm thêm phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công việc làm hiện tại của mình, từ đó mà thu nhập tăng lên đáng kể. Điều mà 5 năm trước đây, vẫn còn là niềm mơ ước của chị. Cũng như chị Giàu, hàng trăm lao động đã được tiếp cận với nguồn vốn từ quỹ CEP.Tại hai phường là Linh Trung và Linh Xuân của quận Thủ Đức là hai nơi được chọn để thực hiện thí điểm dự án này. Đây là hai phường có số người lao động nhập cư rất đông, mỗi nơi có khoảng trên 30.000 người nhập cư từ khắp các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn. Việc thu hút một số lượng lớn lao động nhập cư được cho là nguồn lực để Thủ Đức phát triển kinh tế -xã hội, nhưng kèm theo đó là họ phải được quan tâm chăm lo tốt hơn cả về những vấn đề pháp lý có liên quan và cả về vật chất lẫn tinh thần. Dự án Hỗ trợ người nhập cư là điều kiện và công cụ để địa phương thực hiện tốt hơn vai trò và trách nhiệm của mình đối với lao động nhập cư, giúp những người dân nhập cư tự quản lý được cuộc sống của mình.Dự án cũng trang bị những kiến thức cho người lao động nhập cư về kế toán, quản lý sổ sách đơn giản, những nhóm tiết kiệm tự nguyện dựa vào các "nhóm đồng hương" của người lao động nhập cư nhằm giúp họ có một nguồn quỹ tín dụng cộng đồng giải quyết nhanh những khó khăn trước mắt. Những giải pháp đó sẽ là một cứu cánh giúp những người nhập cư có thể tổ chức được cuộc sống của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. *Hỗ trợ pháp lý cho hàng nghìn người nhập cư Đó là một trong những kết quả đạt được ngoài mong đợi của Dự án được thực hiện thí điểm tại quận Thủ Đức. Mục tiêu của dự án là nâng cao kiến thức pháp lý, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và tăng cường các hoạt động tín dụng, tiết kiệm nhằm giúp người lao động nhập cư cải thiện điều kiện sống. Hàng ngàn lượt lao động nhập cư, chiếm số đông là lao động nữ được tuyên truyền, tư vấn miễn phí về pháp luật, từ đó đã tạo nét chuyển biến lớn trong đời sống của lao động nhập cư tại 2 phương Linh Trung, Linh Xuân nói riêng và toàn quận Thủ Đức nói chung. Ông Huỳnh Công Khanh- Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội quận Thủ Đức, thành viên ban quản lý dự án cho biết: Với những lợi ích mang lại từ dự án thí điểm ở quận Thủ Đức sẽ là cơ sở để TPHCM triển khai thực hiện dự án: "Hỗ trợ lao động nhập cư" giai đoạn 2011-2013 ở các quận huyện khác. Hiện nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện nhiều chương trình trợ giúp pháp lý cho đối tượng lao động nhập cư. Công việc trợ giúp cụ thể của trung tâm là tuyên truyền, tư vấn pháp luật và cử luật sư, cộng tác viên tham gia tố tụng bảo vệ cho lao động nhập cư trước các vụ khởi kiện về tranh chấp lao động như không được hưởng chế độ chính sách theo luật lao động. v.v.. Theo bà Đinh Thị Yến Ngọc, chuyên viên của trung tâm trợ giúp pháp lý: Trong hội thảo về lao động nhập cư do Sở Lao động thương binh xã hội TPHCM vừa được tổ chức, hiện nay số lượng lao động nhập cư trong độ tuổi thanh niên từ 18 đến 35 tuổi là đa số, trong đó có đến 65% lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp mới chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở. Nhiều người trong số họ nhận thức về pháp luật rất ít, đặc biệt là Luật Lao động, do đó rất cần được trợ giúp pháp lý. Ông Bàng Anh Tuấn, đại diện tổ chức Enda Việt Nam cho biết, qua khảo sát, thấy nhiều người dân nhập cư gặp vấn đề khó khăn trong việc đăng ký hộ khẩu thường trú. Chính vì thế mà mục tiêu đầu tiên mà Dự án Hỗ trợ người nhập cư tại quận Thủ Đức hướng tới là nâng cao kiến thức pháp lý về cư trú và các vấn đề pháp lý khác cho người lao động. Chương trình được thực hiện tại hai phường có nhiều dân nhập cư nhất của Thủ Đức là phường Linh Trung và Linh Xuân. Để giúp người dân nhập cư hiểu hơn các vấn đề pháp lý, Dự án sẽ phối hợp với cán bộ tư pháp phường và lực lượng cộng tác viên của quận để thành lập một đơn vị hỗ trợ pháp lý dưới hình thức tổ tư vấn hoặc câu lạc bộ. Đơn vị tư vấn này sẽ chịu trách nhiệm thu thập các văn bản pháp quy liên quan đến người nhập cư tại TP.Hồ Chí Minh thành các tài liệu pháp luật đơn giản để phổ biến cho người nhập cư, đồng thời sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân nhập cư đăng ký tạm trú, tiếp cận các dịch vụ xã hội và các chương trình tín dụng nhỏ. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật liên quan đến người nhập cư dưới các hình thức hội thi, giao lưu nói chuyện chuyên đề nhằm giúp người dân ý thức được vai trò và nghĩa vụ của mình đồng thời thiết lập đường dây nóng để giúp người dân trong các trường hợp cần tư vấn đột xuất. Thông qua chương trình này, người lao động nhập cư không chỉ biết những thủ tục cần thiết khi đến tạm trú tại địa phương mà bất cứ khi nào cần hỗ trợ những vấn đề pháp lý họ đều sẽ nhận được sự giúp đỡ của tổ chức. *Nâng cao đời sống tinh thần cho người nhập cư Đó cũng chính là một trong những mục tiêu mà Dự án Hỗ trợ người lao động nhập cư hướng tới. Với những người dân nhập cư khi vào thành phố, vấn đề bức xúc mà họ quan tâm nhất là nhà ở và đảm bảo cho đời sống vật chất không bị thiếu trước hụt sau. Bởi vậy nhiều lúc họ lãng quên những nhu cầu văn hóa tinh thần. Chính vì thế, qua sự phối hợp với các tổ chức xã hội địa phương, Dự án này còn muốn tạo ra một sân chơi với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người nhập cư. Ngoài ra, Quỹ còn nhắm tới việc giúp người dân nắm được những kiến thức về vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng để giúp người dân có ý thức tự chăm lo và bảo vệ chính mình. Ngoài ra, Dự án cũng tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ, tuyên truyền pháp luật… nhằm trang bị kiến thức giúp người lao động nhập cư hòa nhập với nếp sống văn minh đô thị ./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=406556&co_id=30361