Suy nghĩ từ “Chiếu Lập học” của Hoàng đế Quang Trung

Sau khi lên ngôi Hoàng đế, đánh tan quân Mãn Thanh, Quang Trung liền nghĩ ngay đến việc nhờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng các sĩ phu Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ... thảo ngay “Chiếu Lập nhà học...” còn gọi là “Chiếu Lập học”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vấn đề giáo dục lên thành quốc sách. Xóa nạn mù chữ cho toàn dân trong một thời gian ngắn ở một nước thuộc địa lạc hậu như Việt Nam là một sự kiện lịch sử có một không hai của loài người. Từ chiến khu Việt Bắc, Bộ Giáo dục vẫn được duy trì và chọn lựa những học trò giỏi trong cả nước gửi qua Liên Xô và các nước XHCN học tập... Tương lai của một đất nước, một dân tộc thịnh hay suy là bắt đầu từ giáo dục hôm nay. Hoàng đế Quang Trung thời cận đại và Chủ tịch Hồ Chí Minh thời hiện đã có tầm nhìn rất xa. Rất tiếc, Hoàng đế Quang Trung “ra đi” đột ngột. Sự nghiệp giáo dục mà Người gieo chưa kịp gặt hái được gì. Còn giáo dục của cách mạng vẫn tiếp tục ngay trong cuộc chiến tranh một mất một còn với thực dân, đế quốc. Tính ưu việt của chế độ mới được thể hiện rất rõ trong giáo dục. Tuy vậy, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại giáo dục Việt Nam, chúng ta vẫn chưa thật sự hài lòng. Đúng là giữa khát vọng và thực tiễn còn có khoảng cách. Đấy chính là những bất cập mà hôm nay nhiều người vẫn chưa an tâm. Giáo dục phải là cỗ máy cái Mỗi lần vấn đề giáo dục được xới lên, công luận lại sôi nổi, thể hiện tâm trạng, nỗi niềm của một nhân dân có trách nhiệm, một nhân dân yêu nước và tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Suy cho cùng giáo dục là cỗ máy cái “đẻ” ra các máy con. Máy con hoạt động tốt hay không là do chất lượng của cỗ máy cái. Thế thì những bất cập của giáo dục hôm nay chính là từ cái lò tôi luyện giáo dục ngày hôm qua còn ách tắc ở khâu nào đó. Phải lần dò gỡ ra cái ách tắc khiến giáo dục chúng ta càng đổi mới càng rối. GS Hoàng Tụy cho rằng giáo dục Việt Nam tụt hậu so với các nước là do quản lý kém. Nhưng riêng tôi lại chú ý câu này của ông: “Giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn lạc hướng”. Nếu lạc hướng phải bằng mọi giá trở về với chính hướng của giáo dục như thời Hoàng đế Quang Trung đã chỉ ra trong “Chiếu Lập học”… của Người. Đấy là một nền giáo dục theo hình chóp. Giáo dục tuyển lựa những người giỏi ở khắp nơi trên đất nước, đào tạo nâng cao trí thức cho họ rồi sàng lọc lại họ để chọn những tinh hoa, đấy là nhân tài - là nguyên khí quốc gia. Nhân tài ở trong toàn dân chứ không phải chỉ ở trong một số giai cấp nào nhất định. Tôi lại nhớ những tâm huyết về giáo dục Việt Nam của cố GS Bùi Trọng Liễu: “…khi nghiên cứu đã trót bị tách ra khỏi việc giảng dạy đại học rồi thì hàn gắn lại không phải dễ”. Từ năm 1947 cố GS BS Hồ Đắc Di lên tiếng về sự gắn kết cần thiết của học tập và nghiên cứu, dứt khoát không được tách quá trình nghiên cứu ra khỏi nhà trường… Rất tiếc đã không mấy người chịu nghe ông. Ý kiến thứ hai của cố GS Bùi Trọng Liễu mà tôi chú ý, đó là: “Khi những khuyết tật trong giáo dục, đào tạo như việc chiếu cố trong tuyển sinh thi cử, chọn nghiên cứu sinh… dù là vì thành phần lý lịch, đã xâm phạm vào việc học, thì cũng dễ biến thể đi, và chúng cũng biết thích nghi trong một khung cảnh mới …”. Thế hệ hôm nay chắc xa lạ với những ý kiến trên, nhưng thế hệ tôi là người trong cuộc, chúng tôi hiểu thế nào là “thành phần lý lịch” là “xâm phạm vào việc học” và “thích nghi trong một khung cảnh mới”, là học chay, là việc tách rời nhà trường với nghiên cứu… Thẩm thấu của giáo dục vào xã hội đã có thời gian để ra hoa đậu trái, để chịu đựng phong ba bão táp… Đấy cũng chính là nguyên nhân gây bức xúc về giáo dục trong nhân dân ta hôm nay. Nhiều nhà giáo dục đã đòi hỏi giáo dục phải thay đổi tư duy giáo dục, thay đổi triết lý giáo dục là có lý do của họ. Tôi cũng đọc được ý này ở GS Hoàng Tụy. Đã có sự gặp nhau giữa hai trí thức lớn của thời đại, người ở trong nước người ở ngoài nước. Lắng nghe ý kiến tâm huyết của họ là thái độ thực sự cầu thị. Phải sòng phẳng trong giáo dục Đúng là chúng ta cần đem quyền lợi về cho giai cấp công nông. Đấy là nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng vô sản. Nhưng với giáo dục thì phải học Hoàng đế Quang Trung - trọng dụng và sòng phẳng với mọi tài năng… “Những tú tài thi hương đỗ hạng ưu được đưa lên trường Quốc học, đỗ hạng thứ thì đưa vào trường phủ học. Những hương cống đỗ ở triều cũ chưa làm chức nhiệm gì nay tới chầu thì bổ các chức huấn đạo, phân sai. Nho sinh và sinh đồ cũ đợi kỳ thi vào thi lại, đỗ hạng ưu thì tuyển dụng, hạng kém thì bãi về trường xã học. Còn những sính đồ ba quan [mua bằng] nhất thiết bắt về làm dân…”(1). Trong giáo dục không thể châm chước và không được châm chước. Đấy là nguyên tắc đầu tiên mang tính bắt buộc của giáo dục ở bất cứ nước nào. Trình độ học vấn đến đâu vào học ở đó. Phổ cập giáo dục là điều bình thường. Và sự sàng lọc trong giáo dục cũng là điều bình thường… Không phải xong cấp I, tất cả đều lên cấp II; cũng không phải xong cấp II, mọi học sinh đều phải lên cấp III; và càng không thể xong cấp III tất cả đều vào đại học. Giáo dục không bao giờ phát triển theo hình ống như thực tế nước ta một thời kỳ dài. Và đấy là thời kỳ chúng ta thừa thầy thiếu thợ. Đúng ra đấy là thời thầy không ra thầy thợ không ra thợ. Sự ỷ lại, sự dựa dẫm qua thời gian đã thấm vào máu thịt của những thế hệ tương lai. Những chủ nhân tương lai không biết từ bao giờ đã mất hẳn tư duy sáng tạo, mất hẳn tính độc lập trong suy nghĩ, tính chủ động trong hành động, tính phản biện trong tiếp nhận, tính tranh luận trong bảo vệ chính kiến… Khi những bất cập trong giáo dục mang tính hệ thống, thì tất yếu xã hội sẽ bị tác động dây chuyền những báo động không bình thường về sự xuống cấp mang tính toàn diện bởi những nhà lãnh đạo từ trên xuống dưới đều có khoảng cách giữa học vấn với cương vị mà mình đang nắm giữ. Đấy chính là thời kỳ chuyển hướng nguy hiểm của một xã hội thịnh trị… Mối lo của nhân dân về giáo dục hiện nay là chính đáng, mang nội hàm của người trong cuộc e sợ về một xã hội suy vong tiềm ẩn trong tương lai. Bao nhiêu vấn nạn trong xã hội đều bắt nguồn từ trong hệ thống giáo dục còn quá nhiều bất cập của chúng ta hôm nay! Vẫn còn chưa muộn Chưa muộn, nếu chúng ta chịu nhìn thẳng vào những bất cập mang tính bản chất của giáo dục hiện nay, trước tiên đó là tính duy ý chí. Một thời chúng ta nghĩ ai cũng có thể học thành tài được. Có biết đâu học được, học giỏi, thành tài, cùng với sự nỗ lực bản thân, học trò còn mang gen di truyền từ dòng tộc, từ gia đình. Thực tế cho thấy những tài năng đều từ con “nhà nòi”, từ những gia đình hiếu học… Một thời đẹp đẽ và hào hùng của dân tộc, với những hoài bão, những lý tưởng đầy tính nhân văn thì thứ duy ý chí trên cũng là sản phẩm một thời. Nhưng thế hệ hôm nay thì phải tỉnh táo và nhìn nhận cho rõ về giáo dục hôm nay qua những đóng góp tâm huyết của nhiều nhà giáo dục, nhiều trí thức lớn trong và ngoài nước, khắc phục cho được những “lỗ hổng” từ những bất cập của nền giáo dục chúng ta trên 50 năm qua. Chỗ được và chỗ chưa được… Và cũng nên làm một cuộc chọn lựa, so sánh đối chiếu với những mô hình giáo dục tiên tiến phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của ta, con người Việt Nam ta, xem chỗ mạnh và chỗ yếu của ta và của người nhằm vạch một mô hình riêng, mang đặc thù, bản sắc Việt Nam. Một điểm nữa thuộc bản chất giáo dục Việt Nam chúng ta đó là sự đan xen giữa mặt mạnh và mặt hạn chế của người Việt Nam: Siêng năng, cần cù, hiếu học, nhưng trong mỗi người Việt Nam mình lại thấm đẫm tư tưởng Khổng nho nghĩa là học vẹt, học thuộc lòng, thụ động, hoàn toàn lệ thuộc vào thầy, “nhất tự vi sư…” (một chữ cũng là thầy), thiếu hẳn tính gợi mở, sáng tạo… và chủ động… Tôi không nghĩ những nhà giáo dục chúng ta có sức ỳ ghê gớm, hay trình độ quản lý quá kém... Những nhà giáo dục hôm nay đã có nhiều cố gắng nhằm thay đổi bộ mặt giáo dục Việt Nam. Nhưng rõ ràng, lực bất tòng tâm. Nói như cố GS Bùi Trọng Liễu: “Những khuyết tật trong giáo dục” chúng ta đã “biến thể” và “thích nghi trong một khung cảnh mới” nên chuyển từ thế yếu sang thế mạnh, từ thế kẹt sang thế mở… là điều không dễ trong ngày một ngày hai”. Điều quan trong hôm nay là chọn thầy giỏi và trò giỏi - nghĩa là chọn người đứng lớp và người ngồi lớp. Cả hai đều cực khó. Mối nguy của giáo dục chúng ta bắt đầu từ sự chắp vá, thiếu tôn trọng kiến thức, học hàm, học vị và khoa sư phạm này. Và vì vậy sản phẩm của giáo dục thường là thứ giả, hoàn toàn không tương thích với vai trò và trọng trách mà họ nắm giữ trong xã hội. Trên nửa thế kỷ giáo dục Việt Nam thời đương đại đã đào tạo ra nhiều thế hệ trí thức cho thể chế chính trị của mình. Nhưng số trí thức thực tài không phải nhiều. Và loại thực tài này nhà nước ta sử dụng được bao nhiêu? Con số đang chờ thống kê. Nhưng tôi chắc là không nhiều như mong đợi. Vì vậy việc chọn thầy giỏi hiện nay là điều còn nằm trong ước vọng. Hơn nữa việc này còn liên quan đến cách sử dụng hiền tài. Lại phải học Hoàng đế Quang Trung. Lại phải trở về với Chủ tịch Hồ Chí Minh thời đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945-1946. Đấy là một việc làm không dễ bởi cơ chế của chính thể chúng ta hôm nay còn có quá nhiều khung cửa hẹp, lách thì đụng, không lách sẽ không qua được… Khi đã có thầy giỏi chắc chắn chúng ta sẽ có được chương trình giáo dục khoa học, tinh, gợi mở, nhằm khuyến khích học trò động não…; và phương pháp sư phạm cao, sớm giúp học trò “biến quá trình người học từ chỗ được đào tạo thành quá trình họ có thể tự đào tạo”. (GS BS Hồ Đắc Di). Đấy là quá trình chuyển hóa tư duy từ bị động sang chủ động mà giáo dục thế giới hiện đại đang ứng dụng. Việc thứ hai là chọn trò giỏi. Nhìn toàn cục thì khi không có thầy giỏi đòi có trò giỏi là nghịch lý. Số ít học sinh chúng ta có thể dự thi quốc tế, đậu thứ hạng cao, đấy chính là những giống “gà nòi” được tôi luyện từ nhỏ trong những gia đình có truyền thống hiếu học, có gen thông minh … Nhưng nếu chỉ riêng giáo dục “đổi mới “mà không có sự kết hợp với sự đổi mới từ hệ thống nhà nước, thì chắc chắn giáo dục Việt Nam vẫn dễ trở thành đổi mới hình thức. Đấy chính là vấn đề cốt lõi thứ ba tôi muốn nói trong bài này. Bởi đường lối giáo dục là chiến lược con người tương lai. Sự thay đổi chiến lược con người đòi hỏi sự chuyển động mang tính cách mạng của cả hệ thống chính trị, trong đó bao gồm cả việc sử dụng nhân tài. Trước tiên phải có “chiếu cầu hiền”, theo ngôn ngữ bây giờ là chính sách sử dụng nhân tài. Chính sách này tự giáo dục không thể làm được. Cũng như Hoàng đế Quang Trung trong “Chiếu Lập học” và “Chiếu Cầu hiền”, triều đại Tây Sơn dung nạp mọi đối tượng hiền tài không kể đó là thành phần nào từ triều đại Vua Lê hay Chúa Trịnh, từ họ Nguyễn hay họ Hồ… Tất cả đều được Hoàng đế lắng nghe và sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng của từng người. Thậm chí có những sĩ phu như Trần Văn Kỷ, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp… được Người viết thư mời nhiều lần và thân chinh đến gặp để lắng nghe trực tiếp… Thời cách mạng, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng làm như vậy. Bây giờ học tập Hồ Chí Minh, trước tiên nên mạnh dạn học cách dùng hiền tài của Bác, không phân biệt thành phần xuất thân, quá khứ… Trọng dụng một cách thực sự bằng tấm lòng “cầu hiền”, bằng chế độ, chính sách... Một nền kinh tế trí thức đang là ước vọng của chúng ta, không lý gì chúng ta lại thiếu những chính sách hợp với đạo lý chung của nhân loại để khỏi mai một hiền tài trong một nhà nước đang rất thiếu vắng hiền tài. Lúc bấy giờ giáo dục Việt Nam chắc chắn sẽ có thầy giỏi. Và chỉ lúc đó những nhà giáo dục mới có thể dự báo giáo dục Việt Nam trong bao nhiêu năm nữa sẽ có trường đại học nằm trong tốp 200-300 … của thế giới. Còn bây giờ mọi dự báo đều mang tính giả tưởng. Người xưa đã nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hoàng đế Quang Trung đã nói: “…dựng nước lấy dạy học làm đầu, muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc…”. TPHCM 20.5.2010 (1) Theo “Tây Sơn tam kiệt”. Trần Phương Hồ. NXB Văn học 1997.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/suy-nghi-tu-chieu-lap-hoc-cua-hoang-de-quang-trung/20106/186924.laodong