Sức sống của điệu Xoan trên Đất Tổ

(Toquoc)- Sau 4 năm, Hát Xoan đã từ di sản cần bảo vệ khẩn cấp trở thành di sản có sức sống, sức lan tỏa mãnh liệt trong đời sống nhân dân Phú Thọ.

Sau 4 năm được UNESCO công nhận, di sản Hát Xoan đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ gìn giữ, phát huy một cách hiệu quả. Cuối năm 2015,UBND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam (CCH) hoàn thành báo cáo về tình trạng Hát Xoan trình các cấp có thẩm quyền và Việt Nam đã gửi hồ sơ, báo cáo đề nghị Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét, xác nhận Hát Xoan đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân ở các phường Xoan trên địa bàn ngay sau khi di sản được vinh danh được thực hiện tốt

Từ những nỗ lực…

Ngày 24/11/2011, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban liên quốc gia của tổ chức UNESCO họp tại Bali - Indonesia công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Trong 4 năm (từ 2011- 2015), tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ. Phú Thọ đã khẩn trương xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013- 2020 và được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt. Cùng với đó, nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách cụ thể đã được ban hành và thực hiện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại như: xây dựng Hồ sơ báo cáo quốc gia Hát Xoan Phú Thọ thoát khỏi di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; thực hiện chính sách phong tặng danh hiệu và vinh danh các nghệ nhân; chính sách hỗ trợ kinh phí truyền dạy Hát Xoan; đầu tư cho bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích thuộc không gian văn hóa của Hát Xoan; kiểm kê Hát Xoan; nghiên cứu bảo tồn, phục hồi các bài bản và tập tục Hát Xoan ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc; thực hiện Chương trình phát triển người thực hành, công chúng của Hát Xoan thông qua các câu lạc bộ Hát Xoan; chương trình đưa di sản Hát Xoan vào trường học; nghiên cứu xây dựng Tổng tập hát Xoan Phú Thọ...

Các hoạt động bảo tồn Hát Xoan ở Phú Thọ đã được thực hiện với tầm nhìn có tính chiến lược, bắt đầu từ việc kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của Hát Xoan, hỗ trợ khẩn cấp việc trao truyền từ các nghệ nhân cao tuổi cho học trò kế cận và những người này có thể dần thay thế được các nghệ nhân điều hành các phường Xoan và chủ động tổ chức các lớp truyền dạy cho con em của họ; củng cố 4 phường Xoan gốc với nền tảng vững chắc, tăng nhanh số lượng người nắm vững Hát Xoan và lớp khán giả của Hát Xoan lên nhiều lần.

Số lượng thành viên ở 4 phường Xoan đều tăng. So với năm 2006, Phường An Thái có 42 thành viên nay có 85; phường Thét có 30 thành viên nay có 50. Đào, kép ở mỗi phường đủ khả năng trình diễn hoàn thiện một đêm Hát Xoan thờ Vua tại đình làng.

Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (từ 80 đến 104), chỉ có 7 cụ còn khả năng thực hành, truyền dạy bài Xoan cổ cho lớp trẻ. Đến nay đã đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận có khả năng truyền dạy; 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. Năm 2010 có 13 câu lạc bộ của những người yêu thích Xoan với tổng số 298 thành viên, sinh hoạt ở các Nhà văn hóa thôn/xã ở tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 11 năm 2015 có 28 câu lạc bộ Hát Xoan với số hội viên lên tới trên 1.100 người.

Để Hát Xoan có không gian thực hành, 19 di tích liên quan tới Hát Xoan, đặc biệt Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới xã Kim Đức và đình An Thái xã Phượng Lâu (Thành phố Việt Trì) - di tích cổ nhất gắn với sự ra đời Hát Xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo đưa vào sử dụng. Tỉnh cũng đã có chiến lược về nguồn lực và kế hoạch cụ thể tiếp tục đào tạo, truyền dạy và phục hồi đầy đủ các không gian Hát Xoan đến năm 2020. Đó là điều kiện cơ bản và là cơ hội bảo đảm môi trường, sức sống cho Hát Xoan. Nhiều tập tục đã được phục hồi như tục hát cửa đình, tục kết nghĩa giữa phường Xoan Thét xã Kim Đới, thành phố Việt Trì, Phú Thọ với cộng đồng thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vào dịp hội làng ngày 9 tháng 9 năm Giáp Ngọ 2014; phục hồi tục kết nghĩa giữa phường Xoan An Thái xã Phượng Lâu, với cộng đồng thôn Cao Mại (có đình Đông Chấn), xã Cao Mại, thành phố Việt Trì. Sự phục hồi những tập tục này thu hút được sự quan tâm và đem lại niềm hân hoan, phấn khởi cho các phường Xoan và người dân địa phương.

Tỉnh Phú Thọ đã tiên phong trong việc xây dựng đề án bảo tồn Hát Xoan, đề ra và thực hiện chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân ở các phường Xoan trên địa bàn ngay sau khi di sản được vinh danh. Năm 2012 có 34 nghệ nhân đã được tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ lần thứ nhất, năm 2015 tỉnh Phú Thọ tiếp tục phong tặng lần thứ 2 cho 18 nghệ nhân; Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất cho 19 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trong đó: 17 nghệ nhân là Hát Xoan Phú Thọ, 02 nghệ nhân Hát Ghẹo Phú Thọ). Các cấp chính quyền địa phương đều có những chính sách hỗ trợ vật chất (trang phục, nhạc cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng…) và kinh phí cho các phường Xoan và các câu lạc bộ để các phường Xoan có thêm kinh phí hoạt động.

Công tác truyền dạy Hát Xoan cho thế hệ trẻ cũng được chú trọng

… đến tín hiệu vui

Nhà Nghiên cứu GS. Đặng Hoành Loan nhận xét: “Phú Thọ là một trong những mẫu điển hình về công cuộc bảo tồn và phát huy di sản. 4 năm vừa qua, diện mạo của Hát Xoan trong đời sống đã thay đổi hoàn toàn. Thứ nhất là tại các phường xoan, các thế hệ đã biết Hát Xoan. Thứ hai là họ đã phục hồi được lề lối sinh hoạt Xoan ở trong 4 phường Xoan. Vào những dịp xuân thì ở đình nào trong 4 phường Xoan cũng nổi trống, nổi đóa để Hát Xoan, với nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau.

Cùng với phục hồi sinh hoạt ở 4 phường Xoan thì việc phục hồi được các phường Xoan đi hát ở các đình làng trong tỉnh Phú Thọ. Việc đó giúp Hát Xoan có giá trị cao, được toàn cộng đồng chấp nhận và yêu mến. Một điều rất quan trọng là tỉnh đã phục hồi được miếu Lãi Lèn- đây là nhà hát đầu tiên để hát múa Xoan. Phục hồi được miếu đó tức là phục hồi được dung dáng lịch sử, là chứng tích của việc hát thờ Vua. 4 phường Xoan đã làm được những việc quan trọng như vậy cho việc phục hưng hát Xoan”.

Phú Thọ đã quan tâm đến việc giáo dục Hát Xoan trong trường học. 80/90 trường học ở thành phố Việt Trì đã được gắn kết Hát Xoan với chương trình của nhà trường. Mỗi năm có 4 tiết học Hát Xoan và 1 buổi trải nghiệm giao lưu với các nghệ nhân Xoan và lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Vấn đề truyền dạy và giáo dục, phổ biến di sản Hát Xoan để di sản có sức sống bền vững được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. GS.TS Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng: “Vấn đề cốt yếu nhất trong việc truyền dạy cũng như giáo dục, phổ biến Hát Xoan cho thế hệ trẻ là phải tạo nên một tình yêu tự nguyện dành cho di sản. Chỉ có tình yêu một cách tự nguyện, tự nhiên của thế hệ trẻ mới giúp cho di sản có sức sống bền vững”.

Đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung tu bổ, phục hồi 5 di tích tại các phường Xoan gốc tại thành phố Việt Trì; khôi phục các lễ hội, tục lệ Hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa hát xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại tại các phường Xoan gốc, hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các di tích có Hát Xoan lan tỏa; đặc biệt 100% những người có công bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định. Thiết nghĩ, với những chính sách toàn diện và cụ thể như vậy, di sản Hát Xoan sẽ có sức sống bền vững và lan tỏa trên vùng Đất Tổ.

Bài&ảnh: Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/11/di-san/140042/suc-song-cua-dieu-xoan-tren-dat-to.aspx