Sức lan tỏa của truyện Kiều trong đời sống

Hàng trăm năm trôi qua, Truyện Kiều vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt Nam, sức lan tỏa của truyện Kiều được thể hiện bằng nhiều hình thức, vô số lối diễn xướng dân gian, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Diễn trò Kiều tại khu di tích Nguyễn Du.

Diễn trò Kiều tại khu di tích Nguyễn Du.

Đặc biệt, Truyện Kiều là tác phẩm văn học duy nhất được dân gian dùng trong hoạt động tín ngưỡng bói Kiều.

Trò Kiều, cầu nối nhân dân với truyện Kiều

Trong văn hóa Xứ Nghệ theo các nhà sưu tầm, nghiên cứu tuồng, chèo cổ thì trò Kiều xuất hiện đầu tiên ở vùng nam Thanh Hóa bắc Nghệ An. Từ tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du, trò Kiều có thể được tái sinh nửa sau thế kỷ XIX.

Vào những năm 1918 – 1920, trò Kiều du nhập về xã Tiên Điền nhờ công của 3 anh em Trần Văn Lan, Trần Văn Thiều và Trần Văn Ân. Trong vòng 20 năm, từ khi được truyền về quê hương cụ Nguyễn Du, từ đó đến nay trò Kiều rất thịnh hành.

Nghệ nhân Nguyễn Ban, xã Tiên Điền, Nghi Xuân, một trong những người tâm huyết với trò kiều cho biết: Khác với các hoạt động văn nghệ khác, đối với trò kiều, không riêng gì Tiên Điền, Xuân Liên, Cổ Đạm huyện Nghi Xuân mà nhiều xã của Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, khi tiếng trống của đội chèo vang lên thì bất phân ngày đêm luyện tập hay biểu diễn dân làng vẫn kéo đến xem đội trò của làng luyện tập.

Dân mê trò Kiều đến nỗi nhiều khán giả sau vài năm xem đội trò của làng là thuộc nhiều vai diễn của vở, có người thuộc lòng cả vở. Chính vì thế mà đội chèo được tồn tại lâu trong dân gian và sức lan tỏa của nó nhanh chóng lan đi nhiều vùng miền thôn xã.

Một thời gian dài khi những người biết chữ còn rất ít, hoạt động diễn trò Kiều trở thành một trong những cầu nối giữa nhân dân với truyện Kiều của cụ Nguyễn Tiên Điền.

Từ truyện Kiều đến đời sống nhân dân

Câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền đang hăng say tập diễn.

Truyện Kiều được viết theo thể thơ lục bát, câu chữ dễ nhớ, dễ thuộc. Trước đây nhiều người dân chữ nhất bẻ đôi cũng không biết, vậy mà lạ thay có nhiều người thuộc lòng truyện Kiều.

Người dân thuộc truyện Kiều bằng cách thông qua đi xem nhà trò diễn tích Kim Vân Kiều diễn ca, nghe ru con bằng Kiều, lẩy Kiều, ví Kiều, nhại Kiều… nghe nhiều rồi đến mức thuộc lòng.

Ngày xưa ở chợ Đình, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh có bà cụ bán cá mê Kiều đến mức bán cá cho khách, hễ đếm mỗi con thì lẩy một câu Kiều, “Ngày xuân con én đua thoi; Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Từ tờ mờ sáng cho đến khi vãn buổi chợ có ngày bà cụ lẩy hàng trăm câu Kiều để bán cá nướng.

Trong đời sống thường nhật, người chồng xuất thân từ học trò mê Kiều, thường khi ngâm vịnh hoặc ví von đôi ba câu Kiều để thư giãn đã giúp cô vợ thuộc lòng nhiều đoạn truyện Kiều.

Để rồi, đến khi ru con ngủ, người mẹ cất tiếng à…ơ ru Kiều: “À ơ…Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân; Vẻ non xa ánh trăng gần ở chung; Bốn bề bát ngát xa trông; Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia; Bẽ bàng khi tỉnh khi mê; Nửa tình nửa cảnh như chia tấc lòng”. Thế là những câu Kiều đã ngấm vào máu thịt của đứa trẻ từ thuở ấu thơ.

Từ mê truyện Kiều, thuộc lòng những câu Kiều đến sáng tạo mà phát triển hình thức nhại Kiều. Trong sinh hoạt hàng ngày, cũng có những người vợ ghen tuông mà nhại Kiều để răn đe những ông chồng có tính trăng hoa,“Anh mà giở thói Thúc sinh; Thì đừng có trách vợ mình Hoạn thư”.

Đặc biệt trong ví giặm, lối hát giao duyên truyện Kiều cũng được vận dụng nhiều câu chữ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhiều lời ca điệu ví đậm đà lấy chàng Kim, nàng Kiều làm bối cảnh gặp gỡ trao duyên, “Vừa ra vừa gặp người xinh; Cũng bằng Kim Trọng tiết thanh minh gặp Kiều”.

Trong lời ví phường nón, “Đêm trăng hò hẹn”, câu hát ví bên liễu yếu đào tơ thách đố cánh mày râu: “Truyện Kiều các anh thuộc làu; Đố anh đọc được một câu năm người”. Cánh mày râu tỏ ra hiểu biết lấy giọng ngâm Kiều: “ Này chồng, này mẹ, này cha; Này là em ruột, này là em dâu”.

Trong lời ví phường nón ở Nghi Xuân con gái thi nhau đọc lật truyện Kiều. Tuy đọc lật ngược nhưng người ta vẫn hiểu được đó là truyện Kiều và có câu khá hay hơn đọc xuôi: “Người ta trong cuộc trăm năm; Trăm năm tài mệnh khéo là ghét nhau; Ghét nhau một cuộc bể dâu; Bể dâu một cuộc mà đau đớn lòng”.

Đặc biệt, trong dân gian còn có tục bói Kiều, theo những người xem bói cho biết rất linh nghiệm. Câu khấn nôm trước khi bói đến nay nhiều người thuộc. Muốn bói thì người bói cầm quyển Kiều để trong lòng 2 bàn tay chấp lại, mặt ngước lên trời hoặc hướng về nơi có hương đèn trầu nước rồi khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, tôi là ( xưng tên tuổi, nơi cư trú) xin xem quẻ (về gia sự, hay khoa cử hoặc tình duyên, hay là mất gì, đi đâu…vv) sau đó giở Kiều nam trái nữ phải lấy ngón tay chỉ vào một dòng nào đó rồi đưa cho người giải đoán.

Người đoán không những phải thuộc truyện Kiều mà phải biết nhiều điển tích thì đoán mới hấp dẫn có sức thuyết phục người xem bói.

Trong lao động sản xuất và sinh hoạt văn nghệ cộng đồng ,sức lan tỏa của truyện Kiều trong dân gian rất đa dạng, phong phú, sâu rộng, nhiều hình thức thể hiện sinh động dưới đêm trăng hò hẹn, đưa đón.

Một điều chắc chắn từ những sinh hoạt ví Kiều, lẩy Kiều, ru Kiều, nhại Kiều hàng ngày trong cộng đồng làng xã sau lũy tre làng mà sức lan tỏa của tác phẩm đi thẳng vào lòng dân mến mộ truyện Kiều. Sức lan tỏa của truyện Kiều là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, cần được sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá rộng rãi trong tuần lễ văn hóa kỷ niệm 250 năm sinh và vinh danh danh nhân văn hóa thế giới đại thi hào Nguyễn Du.

Trong nền văn học cổ điển nước nhà, xưa nay không có tác phẩm nào giàu sức lan tỏa bằng truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Chưa có tác phẩm nào sánh kịp truyện Kiều về tầm ảnh hưởng quốc tế. Truyện Kiều đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia Việt Nam, đến với nhiều dân tộc trên thế giới, dịch ra trên 30 thứ tiếng và được nhân loại yêu thích , mến mộ vì giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/suc-lan-toa-cua-truyen-kieu-trong-doi-song-1486407-c.html