Sự thực về "nghi án" học vấn của tân HHVN 2012

(Nguoiduatin.vn) - Sự việc Tân hoa hậu Đặng Thu Thảo không phải là sinh viên hệ đại học của trường Đại học Tây Đô khiến dư luận dấy lên những bàn cãi trái chiều.

Đặng Thu Thảo chỉ là sinh viên cao đẳng, khoa kế toán, tài chính, ngân hàng của Đại học Tây Đô. Trước lý lịch “chỉ là sinh viên cao đẳng”, nhiều người cho rằng đây là một bất lợi của hoa hậu và ít nhiều đã làm giảm đi giá trị chiếc vương miện cô đang đội trên đầu.

Mặc dù Ban tổ chức (BTC) đã có thông báo nói rõ sự việc tuy nhiên tân hoa hậu vẫn đang bị dư luận nghi ngờ rằng cô cố tình mập mờ và thiếu trung thực? Để rộng đường dư luận, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Sơn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012.

Giấu thông tin để tránh những định kiến?

Thưa ông, vừa rồi BTC cuộc thi HHVN 2012 đã phát đi một thông cáo báo chí với nội dung đính chính về trình độ học vấn của tân hoa hậu. Nhưng tại sao ngay từ đầu ban tổ chức không công khai những thông tin này?

Không phải chúng tôi đính chính mà là cung cấp thông tin chính xác cho một số tờ báo không có đủ thông tin đã đăng rằng Hoa hậu và BTC thiếu trung thực khi Đặng Thu Thảo chỉ đang học hệ trung cấp mà công bố là sinh viên trường của Đại học Tây Đô.

Trong đơn đăng ký dự thi làm ngày 13-7-2012, Đặng Thu Thảo đã ghi cô là sinh viên trường Đại học Tây Đô, hệ cao đẳng. Thực tế cho thấy cô đã tốt nghiệp hệ trung cấp Đại học Cần Thơ tháng 5-2012, và đi đỗ vào hệ cao đẳng chính quy của trường này vào tháng 6-2012 với tổng điểm 3 môn thi 20,5 điểm, giấy triệu tập nhập học đề ngày 27-6-2012. Như vậy, thời điểm đăng ký dự thi giữa tháng 7 và vòng chung kết cuộc thi trung tuần tháng 8, cô đã là sinh viên hệ cao đẳng Đại học Tây Đô. Tức việc công bố cô là sinh viên ĐH Tây Đô là không sai, và khi một số tờ báo viết thầy quyền hiệu trưởng nói rằng cô không phải là sinh viên mà chỉ học trung cấp, chúng tôi một lần nữa đề nghị nhà trường xác nhận, công văn trả lời của nhà trường ngày 7-9-2012 khẳng định Đặng Thu Thảo là "sinh viên của Đại học Tây Đô".

Khi soạn thông tin giới thiệu cho thí sinh tại cuộc thi, chúng tôi tính tới yếu tố chương trình chung kết truyền hình trực tiếp, ở mỗi màn thi, mỗi thí sinh chỉ được xuất hiện trên màn hình trong khoảng chưa đến 30 giây (nếu tôi nhớ không nhầm thì anh Lại Văn Sâm lưu ý tôi là chỉ 23 giây). Thông tin về thí sinh để giới thiệu vì thế bị nén gọn tối đa. Nhiều thí sinh vừa là sinh viên vừa làm việc cho một công ty nào đó (người mẫu, nhân viên), ban đầu chúng tôi định công bố cả hai, nhưng đạo diễn truyền hình đề nghị chỉ chọn một cho thật ngắn gọn. Việc công bố Đặng Thu Thảo là sinh viên Đại học Tây Đô mà không có diễn giải thêm cũng nằm trong xu hướng đó.

Mặc dù vậy nhiều người cho rằng, BTC giấu trình độ vì sợ dư luận sẽ có cái nhìn định kiến về hoa hậu?

Không phải Đặng Thu Thảo đăng ký dự thi là đã được chấm là hoa hậu. Trong quá trình diễn ra vòng chung kết, đến gần những ngày cuối cùng, có giám khảo đã tiết lộ với một vài nhà báo là giám khảo cảm thấy "căng thẳng" vì các ứng viên sát nhau quá, khó xác định ai là hoa hậu. Điều này cũng đăng trên chính báo Tiền Phong khi cuộc thi còn chưa kết thúc, tức là không có chuyện BTC sớm "định hướng" ai là hoa hậu để ngay từ đầu có ý thức "làm đẹp" lý lịch một thí sinh nào đó. Và với một Ban giám khảo (BGK) gồm nhiều nhân vật có kinh nghiệm và cá tính như thế thì giả dụ BTC có muốn "định hướng" cũng không được. Chúng tôi đã làm việc công minh và vô tư.

Hơn nữa, thể lệ cuộc thi cho thấy BTC và BGK sẵn sàng trao danh hiệu hoa hậu cho một thí sinh mới chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học nếu cô xứng đáng, khi quy định chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học là đủ điều kiện để dự thi. Vậy nên không thể coi việc Thu Thảo là sinh viên cao đẳng như một điểm trừ trong lý lịch của cô.

Sự việc ồn ĩ vừa qua nguyên do là một số báo dựa vào một phát biểu của thầy quyền hiệu trưởng trường ĐH Tây Đô nói rằng Thu Thảo chỉ đang học hệ trung cấp. Nếu quả thật thầy nói như vậy thì tôi nghĩ ở cương vị đứng đầu một trường có nhiều nghìn sinh viên, có thể thầy chưa kịp cập nhật hết thông tin cuối cùng về một sinh viên cụ thể.

Nhưng Thu Thảo đã là một sinh viên đặc biệt. Trong chuyến trở lại thăm trường sau ngày đăng quang, cô ấy đã được thầy hiệu trưởng đón tiếp nhiệt tình, còn làm thơ tặng nữa thì không thể nói ông ấy không nắm rõ thông tin về Thu Thảo được?

Lúc đăng quang tại cuộc thi Hoa hoa khôi Đồng bằng vào tháng 4-2012, đúng là Thảo còn đang học hệ trung cấp thật. Tôi nghĩ có thể của thầy quyền hiệu trưởng nhớ thông tin về Thảo đến thời điểm đó.

Phẩm chất và khả năng ứng xử không phải bao giờ cũng tương ứng với bằng cấp

Các thí sinh của HHVN năm nào cũng có sự chênh lệch về trình độ học vấn. Có người đã là thạc sĩ nhưng cũng có người chỉ mới tốt nghiệp THPT. Theo ông sự chênh lệch này liệu có đảm bảo được sự công bằng không?

Bằng cấp cũng là một yếu tố quan trọng nhưng nó không quyết định toàn bộ phẩm chất một con người. Với thí sinh hoa hậu, chúng tôi yêu cầu họ có một kiến thức nền phổ thông (vì thế quy định phải tốt nghiệp phổ thông trung học), còn lại điều quan trọng hơn bằng cấp là những phẩm chất được đánh giá cao ở người phụ nữ Việt Nam, người con gái Việt Nam; là khả năng ứng xử đúng đắn, đẹp trong thời gian vòng chung kết cuộc thi, trong những tình huống cụ thể mà BTC và BGK đặt ra hoặc được hình thành ngẫu nhiên; và đương nhiên là sự thể hiện của thí sinh trong các màn thi cụ thể. Những phẩm chất đó, khả năng ứng xử, và khả năng thể hiện mình trong những màn thi đầy áp lực không phải bao giờ cũng tương ứng với bằng cấp. Hơn nữa, còn có yếu tố nhân trắc học và vẻ đẹp bên ngoài.

Có vẻ như trong cuộc thi HHVN nói riêng và các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam nói chung thì vẻ đẹp hình thể vẫn được đánh giá cao hơn vấn đề học vấn?

Tôi nghĩ rằng hai yếu tố đó phải song hành. Khi chấm hoa hậu BGK "soi" rất kĩ về mặt ứng xử, kiến thức nền của các thí sinh. Năm nay (HHVN 2012) có đến hai vòng thi trực diện. Vòng 1, từng thí sinh phải lần lượt qua từng bàn của từng thành viên BGK để đối thoại, vòng 2 từng thí sinh đối thoại cùng lúc với toàn bộ BGK. Kiến thức nền, khả năng ứng xử của toàn bộ thí sinh về cơ bản đã được xác định qua hai vòng thi đó. 5 cô gái lọt vào vòng ứng xử các giám khảo cũng đã có hình dung về trình độ, khả năng của họ. Vòng thi ứng xử chung kết cho thấy khả năng vượt áp lực (thực tế của các cuộc thi cho thấy là cực lớn), khả năng xử lý tình huống trong điều kiện ngặt nghèo của họ thế nào để quyết định việc cho điểm.

Đã là hoa hậu thì dĩ nhiên ngoại hình phải đẹp, nếu không đẹp thì xã hội không thể đồng thuận. Nhưng vẻ đẹp ấy cũng cần phải hài hòa với cả tâm hồn, trí tuệ. Tôi nghĩ Thu Thảo là người có được sự hài hòa đó, điều đó càng được chứng tỏ qua phát ngôn, hành xử và hoạt động xã hội tích cực của cô trong những ngày đầu tiên ở ngôi hoa hậu. BGK đã chọn chính xác!

Dù sao lý lịch của tân hoa hậu cũng đã có chút thay đổi. Người ta vẫn cho rằng nếu lý lịch là đại học thì vẫn đẹp hơn.Theo ông việc hoa hậu chỉ là sinh viên cao đẳng có làm giảm đi giá trị chiếc vương miện của cô ấy không?

Lý lịch của Thảo đã chi tiết hơn. Tôi nghĩ nếu tháng 6 vừa qua Thảo không trở thành sinh viên cao đẳng mà vẫn đang học hệ trung cấp thì với vẻ đẹp bên ngoài và những gì thể hiện trong cuộc thi như vừa qua, cô vẫn trở thành người thắng cuộc trong cuộc thi. Hơn nữa, điều đáng quý là Đặng Thu Thảo có ý chí vươn lên. Sau khi đoạt danh hiệu Hoa khôi Đồng bằng cô vẫn thi tiếp để học lên nữa, mặc dù chỉ cần một danh hiệu như vậy, cô đã có thể bước vào cuộc sống với nhiều cơ hội rộng mở. Nhưng cô đã thi để học tiếp. Đó là một điều đáng quý và chỉ làm đẹp thêm hình ảnh của cô.

Sau sự cố đáng tiếc này, hẳn rằng Thu Thảo đã có những xáo trộn về suy nghĩ. Ban tổ chức đã trấn an cô ấy như thế nào?

Tôi nghĩ điều đáng tiếc nhất là sự thiếu thông tin hai chiều. Đương nhiên sự chộn rộn trong vài ngày qua, đặc biệt có vài quy kết nặng lời vội vàng dựa trên thông tin cô chỉ đang học trung cấp có làm BTC và Hoa hậu bận tâm. BTC đã động viên Thu Thảo rằng việc cung cấp đủ thông tin cho báo chí sẽ giải tỏa vấn đề. Và chúng tôi đã làm như vậy.

Đào Bích

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/su-thuc-ve-nghi-an-hoc-van-cua-tan-hhvn-2012-a55499.html