Sự thật về sữa tươi nguyên chất 100%

NDĐT - Trên thị trường hiện xuất hiện nhan nhản các hãng sữa với các sản phẩm sữa khác nhau. Riêng các sản phẩm sữa nước có thể chia thành bốn loại: Sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi hoàn nguyên tiệt trùng, sữa chua nước… Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất sữa luôn mập mờ giữa các sản phẩm nhằm đánh đồng tất cả các loại sữa thành một loại sữa tươi nguyên chất nhằm “móc túi” người tiêu dùng.

Một lần nữa, hồi chuông cảnh báo sự gian dối của một số doanh nghiệp cung cấp sữa và cũng là thông điệp gửi tới người tiêu dùng hãy thông thái khi lựa chọn đúng sản phẩm sữa tươi 100% nguyên chất được gióng lên tại cuộc tọa đàm “Thực trạng chất lượng sữa tươi” diễn ra vào sáng ngày 9-7, do Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chủ trì. “Phù phép” sữa hoàn nguyên thành sữa tươi Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương, năm 2009, riêng lượng tiêu thụ sữa nước của Việt Nam ước tính khoảng 400 triệu lít. Trong khi đó, năm 2008 cả nước có 107.983 con bò cho sản lượng 262,16 nghìn tấn sữa tươi. Đến đầu năm 2010, số lượng bò sữa là hơn 116.000 con cũng chỉ sản xuất được sản lượng gần 300 nghìn tấn. Theo Quyết định 178/1999 của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, thì với sữa hoàn nguyên từ sữa bột, nhãn phải ghi rõ tên gọi của sản phẩm là “Sữa hoàn nguyên tiệt trùng”. Thế nhưng, theo khẳng định của nhiều chuyên gia ngành sữa trong cuộc tọa đàm thì phần lớn lượng sữa được quảng cáo là sữa tươi nguyên chất 100%, sữa tươi tiệt trùng là không đúng. Bởi với lượng nguyên liệu sữa tươi sản xuất trong nước được chỉ đảm bảo được lượng rất nhỏ sữa tươi mà các doanh nghiệp đang bán ra thị trường. Lượng sữa tươi còn lại, thực tế là sữa bột hoàn nguyên được “phù phép” thành sữa tươi. Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định: Trong số hơn 300 sản phẩm sữa các loại do các công ty trong nước sản xuất và nhập khẩu, người tiêu dùng rất khó tự nhận biết, phân biệt được chất lượng sữa, do vậy, đã có doanh nghiệp lợi dụng điều này để quảng cáo, ghi nhãn không đúng với chất lượng sản phẩm. Thậm chí đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng thấp kém. Một chuyên gia trong ngành sữa phân tích: dùng sữa hoàn nguyên để chế biến, doanh nghiệp không tốn chi phí đầu tư, trang bị hệ thống bảo quản khi thu mua sữa tươi, đào tạo, huấn luyện con người. Giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu ở mức là 2.000 USD/tấn khoảng giữa năm 2009, thì giá nguyên liệu cho 1 lít sữa vào khoảng 5.000 đồng/lít. Trong khi đó giá sữa tươi trung bình ở mức 7.200 đồng/lít. Do vậy, việc lập lờ của một số doanh nghiệp đã giảm chi phí được hơn 30% so với khi mua sữa bò tươi, nhưng giá bán bằng giá bán sữa tươi 100%. Người tiêu dùng - chỉ biết mua và uống Đó là tâm lý của đại đa số người tiêu dùng khi mua các sản phẩm sữa tươi. “Cùng lắm là lựa chọn cái hãng sữa có uy tín trên thị trường như Vimamik, Hanoimilk, Mộc Châu chứ cũng chả quan tâm thành phần và loại sữa gì. Cứ thấy đề trên nhãn sữa tươi 100% là mua thôi vì tin tưởng sự trung thực của các nhà sản xuất”. Chị Thu Lan, Xuân Đỉnh, Từ Liêm cho biết như vậy. Bà Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB Người tiêu dùng nữ Hà Nội đại diện cho hơn 300 hội viên bức xúc: Trước đây, người tiêu dùng chưa hiểu rõ về cách phân loại sữa nước. Tuy nhiên, sau khi được đi nhiều hội thảo về sữa, chúng tôi được biết thị trường nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được gần 30% sữa tươi nguyên chất nhưng một số doanh nghiệp vẫn ngang nhiên ghi trên nhãn mác sản phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng là “sữa bò tươi nguyên chất”, “tinh khiết từ thiên nhiên”, “sữa tươi 100%” “sữa tươi tiệt trùng”. Vì quyền lợi, người tiêu dùng đã nhiều lần đưa ra những kiến nghị và thắc mắc đến các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất về chất lượng thật sự của sản phẩm. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có một chế tài xử phạt những doanh nghiệp sản xuất làm ăn gian dối, làm giảm uy tín của những doanh nghiệp làm ăn chính đáng và ngang nhiên móc túi. Chị Thanh Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) lại có quan điểm khác: Không đặt nặng giá thành chênh lệch sữa tươi hay sữa hoàn nguyên mà người tiêu dùng phải trả, vấn đề đặt ra ở đây là các loại sữa hoàn nguyên giả danh sữa tươi trên thị trường có đảm bảo đầy đủ các nguồn dinh dưỡng cần thiết như thông tin được các nhà sản xuất cung cấp.Với tỷ lệ dầu thực vật, mà chủ yếu là dầu cọ, thì ai sẽ đảm bảo cho con em chúng ta, cho người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ nếu dùng nhiều những loại “sữa tươi” này? Phát triển đàn bò, dê là cách làm thiết thực nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu. Cần chế tài xử lý mạnh với doanh nghiệp gian dối Quyền được thông tin về sản phẩm là quyền cơ bản nhất của người tiêu dùng trong Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện tại các nhà sản xuất không chỉ đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng mà còn về cung cấp thông tin về sản phẩm trên nhãn mác bao bì và trên các phương tiện truyền thông. Hành vi này đã vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Tình trạng vi phạm này không chỉ xảy ra gần đây, ở những doanh nghiệp bình thường mà còn xuất hiện ở một số thương hiệu nổi tiếng trong nước. Chắc rằng các cơ quan quản lý, chức năng không phải không biết!? Có những ý kiến tại tọa đàm chỉ cho rằng hiện trạng trên vẫn tồn tại là do kẽ hở của các văn bản pháp quy không quy định tỷ lệ phần trăm thành phần nên nhà sản xuất dễ lách luật… Nhiều doanh nghiệp biện minh rằng không thể ghi rõ ràng tỷ lệ sữa bột, sữa tươi vì sản lượng sữa tươi thu mua thay đổi theo mùa, theo ngày… Bà Quỳnh Chi đề xuất: Nên chăng các văn bản pháp quy từ Nhà nước tới các ngành, địa phương, cơ sở sản xuất cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để sản phẩm sữa tươi 100% và sữa hoàn nguyên đều là thương hiệu pháp lý trên thị trường nội địa, trong giai đoạn nước ta chưa phát triển kịp các đàn động vật cho sữa. Đại diện công ty Hanoimilk kiến nghị: Bộ Công thương cần phối hợp với các cơ quan quản lý chức năng tiến hành ngay việc điều tra các doanh nghiệp làm ăn gian dối, cố tình gây nhầm lẫn trong tuyên truyền quảng cáo và trên nhãn mác. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan truyền thông giáo dục cho người tiêu dùng hiểu rõ thế nào là sữa tươi thanh trùng và sữa tiệt trùng. Trong đó sữa tươi và sữa hoàn nguyên cần được xem xét và đánh giá hoàn toàn giống nhau về mặt cung cấp chất dinh dưỡng. Đa số các ý kiến cũng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có chính sách và biện pháp hỗ trợ thiết thực thông qua các doanh nghiệp chế biến và sản xuất sữa giúp các hộ nông dân phát triển số lượng đàn bò sữa và nâng cao chất lượng nguồn sữa tươi nguyên liệu. Trong khi chờ đợi tất cả những điều đó, việc cần làm ngay là phải xử lý mạnh đối với các công ty sản xuất sữa gian dối. Bà Bạch Nga kết luận. Phân loại sữa nước Sữa tươi: Sữa được lấy trực tiếp từ bò, dê… Sau khi được xử lý ở nhiệt độ cao (theo phương pháp pasteur ở nhiệt độ 72 độ C trong 15 giây hoặc ở nhiệt độ 135-150 độ C trong vòng 4-6 giây), làm nguội nhanh xuống 4,4 độ C được đóng gói vào hộp, bịch, chai. Dành cho trẻ từ một tuổi trở lên. Sữa thấp béo: Chứa một nửa lượng chất béo so với sữa tươi. Sữa thấp béo sử dụng cho những người muốn kiếm soát cân nặng, không dùng cho trẻ em dưới hai tuổi. Sữa tiệt trùng: Là sản phẩm sữa nước với thành phần cơ bản là sữa bò tươi, có thêm sữa bột nguyên kem hay sữa đã tách béo, được gia nhiệt ở nhiệt độ cao để diệt vi khuẩn. Sữa thanh trùng: Là sản phẩm sữa nước (có thể là sữa tươi hoặc pha từ sữa bột). Quá trình thanh trùng ở nhiệt độ từ 72 đến dưới 100 độ C trong vòng 12-20 giây). Tuổi thọ sản phẩm từ 8-10 ngày và bảo quản ở nhiệt độ 5-7 độ C trong bao bì chưa mở. Sữa tiệt trùng hoàn nguyên: Là loại sữa pha trộn từ nguyên liệu sữa bột với chất béo các loại, nước. Sữa được gia nhiệt ở nhiệt độ cao để diệt vi khẩn, có bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. (Nguồn Viện Dinh Dưỡng) THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=178675&sub=127&top=39