Sự khốn cùng từ việc mua bảo hiểm Prudential

Hai vợ chồng và người con gái cùng mua bảo hiểm Prudential. Khi người chồng chết do tai nạn, vợ không những không được hưởng thừa kế mà còn mất quá nhiều thời gian, tiền của đi lại để hầu tòa. Ba cấp tòa xét xử đã qua. Phiên tòa Giám đốc thẩm sắp tới liệu có minh bạch...?

Sự thật bị lật ngửa ? Ngày 24-3-2005, ông Trần Hữu Liêm, sinh năm 1956, thường trú tại ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, là Chi hội phó Hội Nông dân xã kí hợp đồng số 71375698 mua Bảo hiểm nhân thọ của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) với mệnh giá sản phẩm chính 100.000.000 đồng. Sản phẩm bổ trợ chết và tàn tật do tai nạn 200.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền ông Liêm phải đóng theo định kì hằng quý trong 18 năm là 300.000.000 đồng. Ông Liêm đóng quý đầu: 3.654.000 đồng trong ngày kí hợp đồng. Đến 13-6-2005, bà Vũ Thị Minh Nguyền (đại lí bảo hiểm Prudential tại địa phương) đại lí Prudential đến nhà ông Liêm tuyên truyền, bà Phạm Thị Trên (vợ ông Liêm) cùng con gái kí tiếp hai hợp đồng, tổng giá trị 320.000.000 đồng. Bà Nguyền cam kết đại lí sẽ đến thu tiền tại nhà nếu đến hạn mà chưa có tiền đóng thì cho gia hạn 60 ngày sau (Theo Khoản 2, Điều 572 Bộ Luật Dân sự và Điều 4.2.2 quy định của Prudential). Nếu có gì trở ngại thì phía công ty hoặc đại lí gửi thư hoặc điện thoại nhắc nhở. Ngày 24-6-2005, đến hạn đóng tiền quý thứ hai, gia đình ông Liêm trông chờ mà không thấy bà Nguyền (đại lí) tới thu tiền. Ông Liêm mượn xe Honda của chị Nguyễn Thị Quý đến tận đại lí đóng tiền nhưng không gặp được bà Nguyền. Lí do, bà Nguyền đi học chính trị (có giấy chứng nhận số 140/ GCN ngày 11-9-2005 của Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bến Tre). Ngày 27-8-2005, ông Liêm bị ngã đập đầu vào thành ghe chấn thương sọ não, qua đời (giấy xác nhận ngày 24-3-2006 nộp cho cơ quan chức năng) bà Vũ Thị Minh Nguyền (đại lí) cũng công nhận điều này. Bà Nguyền khẳng định: "Tôi bận đi học chính trị, vả lại công ty cũng không gửi giấy báo cho đại lí biết là hợp đồng đến hạn mà khách hàng cũng không nhận được giấy báo của công ty là hợp đồng mất hiệu lực ba ngày…cả gia đình ông Liêm đều thiết tha mua bảo hiểm, do tai nạn xẩy ra ngoài ý muốn, vậy chúng tôi đề nghị công ty cũng nên tạo uy tín cho đại lí và công ty giải quyết cho ông Liêm". Như vậy, lỗi là do phía Công ty và đại lí Prudential chứ không thuộc người mua bảo hiểm. Tuy đại lí xác nhận như vậy nhưng phía Prudential vẫn trốn trách nhiệm dẫn đến hậu quả kéo dài nỗi đau cho một gia đình nông dân ở vùng sâu, vùng xa phải lặn lội hàng chục lần ra hầu ba phiên tòa. Cả khách lẫn chủ đều ra hầu tòa Vì cả tin nên tiền mất, tật mang, buộc lòng bà Phạm Thị Trên khởi kiện Prudential ra tòa, buộc công ty này phải bồi thường số tiền kí mua bảo hiểm 300.000.000 đồng và 126.000.000 đồng tiền lãi do chậm thanh toán cho phía khách hàng sau 39 tháng. Tại Quyết định Bản án Dân sự sơ thẩm số 28/2008/DS-ST ngày 21-8-2008, TAND Quận 1, TP Hồ Chí Minh do Thẩm phán Nguyễn Chí Sang, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố: "Không chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị Trên đòi Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam trả tiền bảo hiểm... buộc bà Phạm Thị Trên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 7.890.000 đồng". Không chấp nhận bản án sơ thẩm này vì nội dung sai lệch, bà Trên gửi đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Tại Quyết định về Bản án phúc thẩm số 538/2009/DS-PT ngày 31-3-2009, Tòa phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị Trên. Sửa bản án sơ thẩm số 38/ 2008/ DS-ST ngày 21-8-2008 của TAND Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Buộc Công ty Prudential Việt Nam trả tiền bảo hiểm là 300.000.000 đồng cho bà Phạm Thị Trên ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật". Không chấp hành bản án này, Công ty Prudential gửi đơn khiếu nại án phúc thẩm lên TAND tối cao. Ngày 1-10-2009, Viện trưởng VKSNDTC kí Kháng nghị Giám đốc thẩm số 171/QĐ-KNGĐT-V5 đề nghị hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm. Bản kháng nghị này nêu: “Trong hồ sơ thể hiện có hai bản án sơ thẩm cùng ngày 21-8-2008, cùng Hội đồng xét xử và nội dung vụ kiện nhưng hai số của bản án khác nhau (một bản án số 28, một bản án số 38). Đây là thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm”. Tại Quyết định Bản án Giám đốc thẩm số 699/2009/DS-GĐT ngày 28-12-2009 Tòa dân sự TANDTC tuyên: "Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 538/2009/SDPT ngày 31-3-2009 của TAND TP. Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 38/2006/DS-ST ngày 21-8-2008 của TAND Quận 1. Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân Quận 1, TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật." Trong nội dung bản án Giám đốc thẩm nhận định: "….Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu của bà Trên là chưa hợp lí". Theo chúng tôi, cả ba phiên tòa từ sơ thẩm đến Giám đốc thẩm đều vi phạm Tố tụng. Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh cho biết, căn cứ khoản 2, Điều 406-BLDS, Khoản 2, Điều 580, 581, 582 BLDS và Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về " Đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm…", trong vụ kiện này lỗi hoàn toàn thuộc về phía Prudential và đại lí tại địa phương, vì không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc thu tiền bảo hiểm ngoài địa chỉ nhà riêng ông Liêm, bà Trên. Đại lí đã thỏa thuận với gia đình ông Liêm là thu phí tại nhà riêng theo định kì, trong trường hợp chưa có tiền đóng đúng hạn thì cho gia hạn thêm 60 ngày, mẹ con bà Trên cũng cả tin kí tiếp hai hợp đồng nữa. Mặt khác, giấy chứng nhận bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, nội dung không quy định địa điểm và phương thức nộp phí bảo hiểm. Việc tòa sơ thẩm bác yêu cầu của bà Trên là không có cơ sở". Tòa phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh sai phạm về mặt tố tụng ở chỗ: Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2008/DS-ST xét xử ngày 21-8-2008 của TAND quận 1 thì Tòa phúc thẩm TAND TP. Hồ Chí Minh lại trích dẫn và ghi trong nội dung án phúc thẩm là bản án số 38/2008/DS-ST là hoàn toàn sai. Từ đó, kéo theo cái sai của Tòa Giám đốc thẩm cũng cho rằng "Đây là thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm". Rõ ràng, cấp phúc thẩm trích dẫn sai số của bản án sơ thẩm chứ đâu phải do cấp sơ thẩm ghi sai ? Mặc dù đã phát hiện ra cái sai của cấp sơ thẩm nhưng khi cấp phúc thẩm trích dẫn sai số bản án thì cấp Giám đốc thẩm cũng ghi sai theo bản án sơ thẩm số 38 ?" (dòng 10 trên xuống, trang 2, án GĐT). Tuy hai bản án sơ, phúc thẩm đã bị cấp Giám đốc thẩm hủy trả hồ sơ về TAND Quận 1 xét xử lại từ đầu, nhưng đến nay đã hai năm trôi qua mà TAND Quận 1 vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử là vi phạm Điều 179 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về: "Thời hạn chuẩn bị xét xử". Dư luận xã hội và cơ quan công luận quan tâm ở chỗ, nếu mua bảo hiểm nhân thọ mà xảy ra quá nhiều rắc rối như vậy thì ai còn dám mua bảo hiểm Prudential Thanh Hằng - Tùng Lâm

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=6690&lang=vn&zone=7&zoneparent=0