Sơn trang vĩnh hằng

Gần 70 tuổi, ông Nguyễn Thế Đồng, Chủ tịch kiêm giám đốc Cty TNHH MTV Thép Đồng Tiến (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) vẫn miệt mài với những dự án lớn. Ông Đồng được biết đến là người đưa công nghệ sản xuất, gia công thép chất lượng cung cấp cho những công trình trọng điểm ở tỉnh Quảng Trị. Ngoài thế mạnh của mình, gần đây doanh nhân này còn đầu tư xây dựng Nghĩa trang công viên ở thành phố Đông Hà theo hình thức xã hội hóa.

Chăm sóc cây cảnh ở công viên “Sơn Trang vĩnh hằng”. Ảnh: HT

Giảm gánh nặng cho Nhà nước

Thành phố Đông Hà đang có những chuyển mình về phát triển kinh tế, xã hội, dân số ngày một đông lên. Dự kiến, đến năm 2020 dân số của thành phố trẻ này lên đến 135 ngàn người, nên rất cần có tầm nhìn quy hoạch về cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Riêng về lĩnh vực nghĩa trang nhân dân của thành phố Đông Hà, ngay từ đầu UBND tỉnh Quảng Trị đã phê quyệt quy hoạch với diện tích hơn 47ha.

Bắt đầu từ năm 2005, thành phố Đông Hà đã giao cho các phường trên địa bàn và các đơn vị đầu tư xây dựng với tổng diện tích khoảng 27ha. Tiếp đó, năm 2010 Đông Hà giao cho Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh Quảng Trị 7ha để thực hiện di dời lăng mộ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Thực trạng các nghĩa trang phần lớn là cấp đất cho các phường và các đơn vị quản lý rồi phân chia cho các hộ gia đình, nên việc quản lý chưa đồng bộ, chưa đúng quy chuẩn quy định của Chính phủ. Phải nhìn nhận rằng, nhu cầu của nhân dân về đất nghĩa trang chôn cất theo phong tục tập quán là rất lớn, trong lúc đó quỹ đất còn lại tại các nghĩa trang quá ít, chỉ đáp ứng được trong vòng 3 đến 5 năm trở lại.

“Để đáp ứng nhu cầu mai táng, cất táng của nhân dân trên địa bàn thành phố Đông Hà, tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan môi trường mang sắc thái riêng, xây dựng một nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu, tôi quyết tâm xây dựng Nghĩa trang công viên Sơn trang vĩnh hằng” - ông Nguyễn Thế Đồng chia sẻ. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch thành phố Đông Hà cho biết, dự án Nghĩa trang công viên Sơn trang vĩnh hằng là một chủ trương tốt. “Trước đây, thành phố đã thực hiện xây dựng một số diện tích nghĩa trang nhân dân, nhưng mất công quản lý và số tiền mà Nhà nước bỏ ra là rất lớn. Nay giao cho Cty Thép Đồng Tiến thực hiện xã hội hóa thì vừa giảm gánh nặng cho Nhà nước, vừa tạo được sự đồng bộ, mỹ quan” - ông Thắng, nói.

Phối cảnh công viên “Sơn Trang vĩnh hằng”. Ảnh: HT

"Công viên nghĩa trang

Với quyết tâm và nguồn lực của Cty TNHH MTV Thép Đồng Tiến, năm 2014 UBND tỉnh Quảng Trị đã thống nhất chủ trương và giao cho đơn vị này 33ha đất ở phía tây thành phố Đông Hà (bên cạnh Nghĩa trang thành phố phường Đông Lương) để đầu tư xây dựng Nghĩa trang công viên theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, Cty TNHH1TV Thép Đồng Tiến đã nộp tiền sử dụng đất gần 10 tỉ đồng cho Nhà nước và hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án gần 1 tỉ đồng.

Dự kiến trong quý I năm 2016, dự án này được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu mai táng, tâm linh của nhân dân. Nghĩa trang công viên “Sơn trang vĩnh hằng” đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết bài toán khó khăn của thành phố trong đầu tư, xây dựng và quản lý nghĩa trang trên địa bàn hiện nay. Đồng thời, tạo ra khu vực có kiến trúc, cảnh quan hiện đại, trang nghiêm, truyền thống, phục vụ một bộ phận nhân dân có điều kiện về kinh tế.

Công viên “Sơn Trang vĩnh hằng” đang được xây dựng. Ảnh: HT

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý nghĩa trang là chủ trương đúng. Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị cũng hết sức quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng mở rộng nghĩa trang nhân dân lâu dài, đảm bảo giải quyết nhu cầu chôn cất, cải táng, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Nhất là số đông nhân dân không có điều kiện chôn cất ở nghĩa trang do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Hiện tại, “Sơn trang vĩnh hằng” đã được xây dựng cơ sở hạ tầng đạt 50% khối lượng công việc, đảm bảo tiến độ đề ra, với vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. Các hạng mục như đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước... cơ bản đã được hoàn thành. Các khu an táng, chôn cất được phân chia và giới hạn bởi các đường nhánh dành cho người đi bộ.

Điểm nhấn của khu nghĩa trang là một vườn cây thanh long và hàng cây cảnh nối dài từ cổng vào tận các khu chôn cất. Theo ông Nguyễn Thế Đồng, vườn cây thanh long và các loại cây ăn quả khác được trồng ở đây với mục đích thờ cúng các phần mộ khi người nhà có nhu cầu. “Chúng tôi muốn xây dựng “Sơn trang vĩnh hằng” thành một công viên nghĩa trang, chứ không phải một nghĩa trang đơn thuần” - ông Nguyễn Thế Đồng khẳng định.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/son-trang-vinh-hang-516801.bld