Sớm ổn định sản xuất ở chi nhánh Công ty chè Mộc Châu

Người dân trồng chè Mộc Châu trên cánh đồng chè đội 68.

Trước bờ phá sản

Ông Phạm Tiến Lộ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam, Giám đốc chi nhánh Công ty chè Mộc Châu cho biết: Lý do nhà máy đóng cửa, dừng sản xuất là do thời gian qua trên địa bàn xuất hiện nhiều lò chế biến chè tư nhân tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến chất lượng và sản lượng chè sụt giảm. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức sản xuất cồng kềnh, năng lực quản lý yếu nên sản phẩm làm ra không bán được. Hiện chè tồn kho lên đến hơn 700 tấn, trong khi thị trường chè thế giới đang biến động phức tạp, chè san tuyết thương hiệu Mộc Châu bán sang thị trường các nước Trung Á bị chèn ép, đẩy vào thế bất lợi. Hơn một tháng qua, chi nhánh tổ chức nhiều cuộc họp thông báo chủ trương của Tổng công ty Chè Việt Nam về cơ cấu lại sản xuất, thực hiện bán một số cơ sở sản xuất và tài sản để trang trải nợ nần. Việc làm này làm cho cán bộ, công nhân và người trồng chè ở Mộc Châu băn khoăn, đặt câu hỏi: Tại sao nhà máy đang sản xuất ổn định, lại cho là bị lỗ. Chất lượng thương hiệu chè Mộc Châu, từng được khẳng định bằng tám Huy chương vàng hội chợ chè quốc tế sao lại mất thế cạnh tranh? Vậy, thực hư vấn đề này thế nào?

Qua tìm hiểu, điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng trên cao nguyên Mộc Châu rất phù hợp phát triển cây chè. Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu có vùng chè nguyên liệu 1.356 ha, trong đó trực tiếp quản lý đầu tư 578 ha, hằng năm sản xuất 2.500 tấn chè khô xuất khẩu. Từ hai nhà máy chế biến dây chuyền cũ đến nay chi nhánh có sáu nhà máy, với bảy dây chuyền sản xuất hiện đại, giải quyết việc làm cho hơn 350 công nhân, lương bình quân đạt 4,5 triệu đồng/tháng và ổn định đời sống cho hơn 4.000 hộ trồng chè, thu nhập 40 - 100 triệu đồng/năm. Việc đột ngột dừng sản xuất, không mua chè nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đời sống của hàng nghìn hộ dân trồng chè, mà còn ảnh hưởng tình hình kinh tế - xã hội chung của huyện Mộc Châu.

Ngược thời gian, trước kia Nông trường chè Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La quản lý. Năm 1988 chuyển đổi cơ chế quản lý, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quyết định thành lập Xí nghiệp nông - công nghiệp chè Mộc Châu, trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam (nay là Tổng công ty Chè Việt Nam). Lúc đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty hạch toán độc lập, tự chịu trách nhiệm và đã xây dựng nên thương hiệu chè Mộc Châu với nhiều kỷ lục nổi tiếng, dẫn đầu ngành chè Việt Nam. Mấy năm trở lại đây, việc quản lý, điều hành, sản phẩm sản xuất ra đều do Tổng công ty chi phối, Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu không được tự chủ sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến cho rằng, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến mất thương hiệu chè Mộc Châu.

Với cách quản lý này, ngày 1-7-2012 vừa qua, bất ngờ Tổng công ty điều động ông Nguyễn Văn Tâm (sau 23 tháng được giao trách nhiệm giám đốc chi nhánh) về Tổng công ty và điều động ông Phạm Tiến Lộ, Phó Tổng giám đốc (trước đây từng làm Giám đốc Công ty chè Mộc Châu) quay trở lại điều hành và đưa ra một loạt các quyết định nêu trên. Trong cuộc làm việc với đoàn công tác của tỉnh Sơn La, Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu đã đề nghị địa phương có biện pháp giúp bỏ các lò chế biến chè tư nhân, bảo hộ sản xuất, kinh doanh, nếu không chi nhánh khó đứng vững trước nguy cơ phá sản.

Tháo gỡ khó khăn

Chung quanh câu chuyện cây chè, chúng tôi tìm đến một người am hiểu, gắn bó hơn 40 năm qua với cây chè Mộc Châu, đó là Giám đốc Công ty CP chè Chiềng Ve Hoàng Kháng. Khác với tình hình khó khăn của Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu, Công ty CP chè Chiềng Ve không đủ chè để bán. Công ty đang mua chè búp tươi của dân với giá 5.500 đồng/kg, mức giá cao hơn nhiều các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn Mộc Châu. Chỉ với 70 cán bộ, công nhân, quản lý vùng chè 250 ha, tổng doanh thu năm 2011 đạt 28,5 tỷ đồng, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động. Vì vậy, khi nghe tình hình hoạt động của Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu, ông Kháng cho rằng: "Không thể lỗ! Có thể, trong câu chuyện của Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu còn có điều khó hiểu, cần làm rõ".

Trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện có năm cơ sở doanh nghiệp cùng phân vùng sản xuất, kinh doanh, với hơn 2.500 ha, trong đó Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu được ví như "con tàu lớn", chiếm hai phần ba vùng nguyên liệu và năng lực sản xuất. Việc kéo dài tình trạng không mua chè nguyên liệu cho dân, dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc để giúp Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu và người trồng chè tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Chè Việt Nam cần xem xét lại tình hình sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện Mộc Châu. Tiến hành xem xét việc chuyển đổi hình thức sở hữu đối với Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu. Về lâu dài, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách quản lý chặt quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm chè xuất khẩu, ngăn chặn tình trạng nhiều đơn vị chào hàng, bán phá giá, gây bất ổn trong tiêu thụ sản phẩm.

Đối với Chi nhánh Công ty chè Mộc Châu, cần nhanh chóng khôi phục sản xuất, thu mua chè cho người dân như hợp đồng ký kết. Tiến hành làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để nhà máy lâm vào tình trạng dừng sản xuất vừa qua. Thực hiện sắp xếp lại bộ máy, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý điều hành, quy trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh chè. Tuyên truyền, vận động các hộ dân trong vùng nguyên liệu thấy được lợi ích lâu dài, ổn định làm ăn với nhà máy, thực hiện nghiêm túc các hợp đồng đã ký kết.

Đối với tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo Quyết định số 2389/QĐ-UBND ngày 1-9-2009 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 26-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tiếp tục giúp đỡ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến có đủ năng lực, điều kiện đầu tư vùng nguyên liệu, đồng thời lập lại môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm lợi ích cho người lao động, cho doanh nghiệp và Nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/s-m-n-nh-s-n-xu-t-chi-nhanh-cong-ty-che-m-c-chau-1.372517