Sóc Trăng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Chăm sóc trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sóc Trăng.

Trước thực trạng đó, chính quyền các cấp đã cùng các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hình thức chăm sóc nhằm giúp các em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có điều kiện đến lớp học tập, vui chơi. Ấm lại những mảnh đời bất hạnh Vào cuối tháng 8, trời mưa vẫn còn nặng hạt. Từng cơn gió mạnh lùa vào mái hiên lạnh buốt, nhưng không khí ấm áp vẫn tràn ngập trong lòng của những em nhỏ có hoàn cảnh ĐBKK đang được cưu mang, chở che. Đến Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Sóc Trăng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì mọi thứ trông rất ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Hầu hết các em được nuôi dưỡng nơi đây đều rất ngoan và đang lớn khôn từng ngày. Dù thiếu tình thương gia đình nhưng các em đã được sự chăm sóc của các tổ chức xã hội, đoàn thể, sự yêu thương của các cô chú trong trung tâm, nên phần nào các em quên đi nỗi bất hạnh của mình, cùng học tập, vui chơi với bè bạn trong sự hồn nhiên của trẻ thơ. Ở đây mỗi em có một hoàn cảnh, một số phận nhưng có điểm chung là sự bất hạnh, nghèo khó. Em Nguyễn Thiện Tâm nghẹn ngào, nói: "Con không biết cha mẹ là ai. Con chỉ biết các mẹ ở đây nuôi con từ nhỏ đến giờ. Các mẹ lo lắng cho con rất nhiều, con thương các mẹ lắm!". Cô nuôi với vẻ mặt phúc hậu ngồi cạnh em Tâm, giải thích thêm: Tâm bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, trung tâm nhận vào chăm sóc và đặt tên cho em là Nguyễn Thiện Tâm, với mong muốn sau này em trở thành người có ích cho xã hội. Hoàn cảnh của em Châu Trần cũng giống như Tâm, được trung tâm nuôi dạy từ nhỏ nhưng trông Trần chững chạc hơn Tâm. Năm nay em vào học lớp 10. Tuy học chưa giỏi như một số bạn trong lớp nhưng năm nào em cũng được thầy giáo, cô giáo khen và hằng năm trung tâm cũng động viên em bằng phần thưởng được đi dự Trại hè "Ước mơ hồng" dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thấy các mẹ vui em càng cố gắng hơn nhiều để đáp lại tấm lòng của các mẹ dành cho em. Châu Trần hứa: "Con cố gắng học thành tài. Nếu sau này đi làm có tiền, con sẽ thường xuyên trở về thăm các mẹ và mua quà tặng các em có hoàn cảnh như con...". Rẽ sang phòng bên cạnh, chúng tôi thấy các cô nuôi đang loay hoay chăm sóc những đứa trẻ mồ côi bị khuyết tật. Đôi tay của các cô lúc nào cũng thoăn thoắt, nhẹ nhàng đắp lại chăn, sờ lên trán, chăm chút từng muỗng cháo cho các cháu bằng tất cả tấm lòng thương yêu. Cô Trần Mỹ Vân, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH cho biết: Xuất phát từ lòng thương yêu con trẻ, chúng tôi đã cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội, nhà hảo tâm chung sức xây dựng mái ấm tình thương để chăm sóc và nuôi dạy các em. Nay trung tâm có 28 em, lúc đầu vào đây các em rất còi cọc do ăn uống thất thường. Phần lớn các cháu không biết chữ, mỗi cháu mỗi tính nết nên chúng tôi phải dạy dỗ các em từng chút một, từ cách nói năng, sinh hoạt đến giúp đỡ nhau trong học tập, giờ nhiều cháu đã khôn lớn, trưởng thành. Rời Trung tâm BTXH, chúng tôi đến thăm Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật (NDTKT) nằm trên địa bàn phường 10, thành phố Sóc Trăng. Không khí nơi đây náo nhiệt hơn ở trung tâm, có lẽ một phần vì số trẻ đông hơn. Năm qua có 119 trẻ tham gia học ở năm khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5). Thầy Lương Việt Võ, Hiệu trưởng Trường NDTKT cho biết, trường cố gắng huy động hết các em từ 6 đến 13 tuổi, chủ yếu là trẻ khiếm thính, khiếm thị và chậm phát triển. Dù chưa có chương trình dành riêng cho trường chuyên biệt khuyết tật, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chật hẹp nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các nhà hảo tâm cùng với tập thể nhà trường luôn đoàn kết, thương yêu chăm sóc các em bằng cả tấm lòng và trách nhiệm của mình. Khác với Trung tâm BTXH, điểm NDTKT ở các chùa Năng Nhơn, Phật học, Đại Giác tại thành phố Sóc Trăng, mỗi nơi đều xây dựng mái ấm tình thương do các chùa, nhà hảo tâm đứng ra vận động hàng trăm em có hoàn cảnh cơ nhỡ, lang thang, mồ côi về chăm sóc, nuôi dạy bằng tình thương bao la của lòng nhân ái. Cô Lê Thị Chí Hiền, người nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Năng Nhơn cho biết, điểm chùa đang nuôi dạy 14 trẻ, hầu hết các trẻ được chùa chăm sóc từ lúc mới sinh. Giờ đây, các em đều đã lớn khôn và được đến trường học, vui chơi như những đứa trẻ khác trong chùa này. Cô Hiền xúc động nói, các em ở đây thiếu vắng tình thương của cha mẹ nhiều lắm, nên chúng tôi xem các em như con ruột của mình. Có lần một em chạy đến níu áo tôi hỏi: "Ba là gì hả ngoại?". Nghe em hỏi tôi càng thương các em hơn. Vẫn còn nhiều, nhiều lắm những cảnh đời éo le, cơ cực, bất hạnh, nhưng cũng đã có phần nhiều các em được quan tâm, lo lắng, đó cũng là kết quả của những tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, sưởi ấm lại cuộc đời bất hạnh của các em. Còn đó những khó khăn Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng có nhiều nỗ lực chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK được xã hội quan tâm đầu tư, đóng góp xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ em ở địa phương. Việc phân loại, quản lý và theo dõi các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB chưa chặt chẽ và không thường xuyên. Các hoạt động phát hiện, can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh như vậy và trẻ em có nguy cơ bị tổn thương chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, môi trường sống chưa bảo đảm an toàn và thân thiện cho trẻ em; kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ em hạn chế. Số trẻ em sống trong gia đình nghèo còn cao, các em phải lao động sớm để phụ giúp gia đình. Cũng do vào đời sớm, các em dễ bị lôi cuốn vào con đường phạm pháp gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, tuy có giảm nhưng tính chất ngày càng phức tạp, v.v. Để khắc phục những hạn chế trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, đồng chí Lâm Hoàng Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã xây dựng Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác này. Đồng thời, tiếp tục củng cố bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo hướng chuyên nghiệp hơn. Chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải bằng lương tâm và trách nhiệm của cả cộng đồng. Thời gian qua, với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và những tấm lòng hảo tâm đã hết lòng cưu mang, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, sớm hòa nhập cộng đồng, nhiều em đã có nghề nghiệp vững vàng, có gia đình và cuộc sống ổn định. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng đem niềm vui đến cho các em cũng chính là đem niềm vui đến cho mọi người, làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Toàn tỉnh Sóc Trăng có 367.197 trẻ em, trong đó có 4.748 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 48.180 trẻ em thuộc hộ nghèo. Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của Sở LĐ-TBXH có 2.842 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ở cấp độ 2, tất cả trẻ em thuộc gia đình nghèo đều có thẻ Bảo hiểm y tế; có hơn 272 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa và trẻ em khuyết tật đang được nuôi dạy tại Trung tâm BTXH, Trường chuyên biệt và các cơ sở khác.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/soc-tr-ng-ch-m-soc-tr-em-co-hoan-c-nh-c-bi-t-kho-kh-n-1.311457