Sốc: Tồn dư chất cấm trong thịt heo gấp 4.700 lần mức cho phép

Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM gấp trên 4.700 lần mức cho phép...

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 19/1, Chi cục thú y TP.HCM cho biết sau 9 ngày ra quân (từ 8 đến 17/1) kiểm tra tồn dư chất cấm tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM, đơn vị phát hiện nhiều nguồn heo từ các tỉnh đổ về TP.HCM dính chất cấm với hàm lượng cao báo động.

Theo đó, nhằm kiểm soát thực phẩm phục vụ tết dương lịch, nguyên đán 2016 Chi cục thú y TP.HCM đã thành lập 3 đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra tồn dư chất cấm trên heo tại năm lò mổ tập trung lượng heo lớn tại TP.HCM gồm An Hạ (Củ Chi), Phước Kiển (Nhà Bè), Bình Tân (Q.Bình Tân), 213 (Q.8) và Nam Phong (Q.Bình Thạnh).

Kết quả cho thấy, trong 59 lô heo được lấy mẫu xét nghiệm có 18 lô, với tổng đàn 864 con heo dương tính với chất cấm sabultamol (tạo nạc, tăng trọng).

Các lò có heo chứa chất cấm cao gồm Phước Kiển có 5 lô, 213 có 5 lô, Nam Phong có 4 lô, An Hạ có 3 lô và Bình Tân có 1 lô.

Đặc biệt, trong số 5 tỉnh có heo bị dính chất cấm lần này Bình Thuận chiếm áp đảo 8 lô với 456 con heo, Tiền Giang 5 lô với 156 con heo, Long An và Đồng Nai 2 lô với 222 con heo và Vũng Tàu 1 lô với 30 con heo.

Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đợt này khá cao ở mức gần 9.400bbp, tức gấp trên 4.700 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2ppb trở lên là dương tính).

Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đợt này khá cao ở mức gần 9.400bbp, tức gấp trên 4.700 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2ppb trở lên là dương tính). (Ảnh minh họa).

Theo chi cục Thú y TP.HCM, trong số 15 chủ hàng vi phạm lần này có tới 13 người tái phạm nhiều lần. Đặc biệt, trường hợp bà Lê Thị Bích Liễu (có chồng là ông Trần Vĩnh Long, Bình Thuận) vi phạm đến lần thứ 5.

Một cán bộ trong đoàn kiểm tra đánh giá, với số liệu kiểm tra trong vòng 9 ngày cho thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không hề giảm, mà có chiều hướng tăng báo động.

“Điều chúng tôi đặt nghi vấn là huyện Hàm Tân, Bình Thuận đứng đầu về danh sách số lô và số lượng heo dính chất cấm, trong khi huyện này có tổng đàn heo không cao, trong vòng hơn một tuần đã xuất bán gần 500 con. Có nhiều khả năng heo được chuyển từ các tỉnh về Bình Thuận sau đó cấp giấy chứng nhận vào TP.HCM tiêu thụ"- một cán bộ Thú y đánh giá.

Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, chi cục đã có công văn gửi chi cục Thú y hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai đề nghị kiểm tra xác minh 3 trang trại và 2 hộ gia đình có heo dính chất cấm.

Salbutamol và clenbuterol là hai chất có thể làm tăng tỷ lệ nạc cho con heo. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có hai loại chất này.

Tuy nhiên, lệnh cấm cứ cấm, sử dụng hay không là việc của những người liên quan đến con heo. Một chủ trai heo ở Đồng Nai cho biết, chỉ cần trong vòng hai tuần “thúc” con heo bằng chất tạo nạc, từ trọng lượng 80 kg ban đầu, con heo có thể tăng lên 110 kg. Tỷ lệ tăng thêm 30kg trong vòng 15 ngày là quá thần kỳ, không một loại dinh dưỡng thức ăn nào có thể làm được. Nó có thể mạng lại cho người nuôi lợi nhuận hơn 1 triệu đồng trong khi chi phí bỏ ra mua chất tạo nạc là rất nhỏ giọt. Không chỉ người nuôi trực tiếp kiếm lợi nhuận cao, cũng vì Salbutamol và clenbuterol kích thích tăng nạc, nên cánh thương lái thường đồng lõa với nông dân, xúi họ bỏ vào để tăng tỷ lệ thu hồi thịt trên mỗi con heo sau giết mổ. Nguyên tắc là hễ con heo nào tỷ lệ nạc càng cao thì trọng lượng móc hàm càng lớn, hao hụt từ mỡ ít đi, bán được nhiều tiền hơn.

Trước đó, thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm cho biết: những năm gần đây không có doanh nghiệp nào nhập khẩu clenbutarol. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn phát hiện hóa chất này tồn dư trong sản phẩm động vật. Có khả nặng chất này được nhập lậu, sử dụng vào chăn nuôi.

Bà Nga cũng cho biết thêm, Bộ Y tế cho phép nhập 3,5 tấn sabutamol (người chăn nuôi lạm dụng làm chất tạo nạc). Tổ chức Y tế thế giới cũng xếp sabutanol vào nhóm thuốc thiết yếu, quan trọng cần thiết trong hệ thống y tế. Việc nhập bao nhiêu là căn cứ vào nhu cầu sử dụng cho việc khám chữa bệnh. Bộ Y tế có yêu cầu rất nghiêm ngặt về việc nhập cũng như sản xuất, kinh doanh; khó có chuyện tuồn ra ngoài.

Tại Việt Nam, clenbutarol và salbutamol cùng với ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2002. Trong đó, clenbutarol là chất độc hại nhất rất dễ tồn dư trong thịt và có thể gây trúng độc mãn tính và cấp tính: Rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp... Nó còn có thể gây ung thư hoặc đột biến tế bào.

Nhận diện thịt lợn bẩn

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là mua thịt lợn ở “kênh” an toàn vì với thịt lợn bẩn, rất khó nhận diện bằng cảm quan, chỉ xét nghiệm thịt mới cho kết quả chính xác. Bằng cảm quan có thể chọn thịt theo cách như dùng tay ấn vào thịt phải dẻo, không dính tay, có màu hồng tự nhiên, độ săn chắc tốt. Không chọn thịt có màu sắc đỏ sẫm, con lợn đó có thể đã được cho ăn chất kích nạc. Thịt lợn nuôi tăng trọng có nạc gần sát với da, ít mỡ. Thịt ở vai, bắp đùi u lên nhiều thịt một cách bất thường. Mỡ mỏng chỉ khoảng 0,4cm trong khi lợn bình thường dày 1-1,5cm. Thịt lợn có màu đỏ bất thường, mùi vị nồng khó chịu, nhiều nước, thớ thịt ngắn không mịn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên, màu đỏ au giống thịt bò. Thịt sạch khi nấu lên có mùi thơm, không bốc mùi lạ, khó chịu, không ra nước.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/soc-ton-du-chat-cam-trong-thit-heo-4700-lan-muc-cho-phep-a129721.html