Sơ suất ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược

QĐND - Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu tấm gương anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, không ít trường hợp khi quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương, do sơ suất nên đã làm sai họ tên, hoặc không đúng với ngày, tháng, năm hy sinh của liệt sĩ, kể cả trên những tấm bia đá.

Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô, tôi có đến thôn Xuân Dục Đoài, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để lấy tư liệu viết bài về tấm gương của nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc - nhân vật nguyên mẫu trong bài thơ "Núi Đôi" của Vũ Cao. Sau khi đã gặp trực tiếp các nhân chứng lịch sử như: Ông Trần Văn Nhuận (em trai), cụ Nguyễn Thị Thân (thím ruột của Trần Thị Bắc) và cụ Lê Văn Túc (Tổ trưởng quân báo, huyện đội Đa Phúc-người trực tiếp phụ trách Trần Thị Bắc), tôi xin phép gia đình tới nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), nơi liệt sĩ Trần Thị Bắc đang yên nghỉ để thắp hương trước khi viết bài về chị. Một điều hết sức ngạc nhiên là, tấm bia đá cỡ lớn được đặt trang trọng ở đài liệt sĩ và cả tấm bia trên phần mộ của liệt sĩ đều ghi: Trần Thị Bắc, hy sinh ngày 10-2-1952, hoàn toàn không đúng với tư liệu mà gia đình đã cung cấp, hy sinh ngày 16-3-1954, tức ngày 12 tháng hai âm lịch. Thấy có sự mâu thuẫn, tôi vội quay trở lại gặp ông Trần Văn Nhuận, em trai chị Trần Thị Bắc để hỏi cho rõ ngọn ngành, thì ông Nhuận bức xúc nói: - Đấy là do xã làm sai! Mấy năm nay gia đình tôi đã gửi đơn đề nghị sửa lại ngày, tháng, năm hy sinh của chị tôi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì - Nói rồi, ông Trần Văn Nhuận rưng rưng nước mắt kể lại cho tôi nghe một câu chuyện đầy cảm động: "... Hôm đó là ngày 16-3-1954, tức ngày 12 tháng hai năm Giáp Ngọ (sau 3 ngày quân ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ). Vào lúc 22 giờ đêm, sau khi đã bố trí xong lực lượng chuẩn bị cho trận mai phục quân địch ở chùa Táo, chị tôi (Trần Thị Bắc) nhận nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ khoảng 30 người từ vùng địch hậu Lương Châu ra "vành đai trắng" Phù Linh. Chị tôi đi trước thăm dò, vừa đến chân núi Đôi, không may rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng bắt và bịt miệng chị tôi lại với mưu đồ phục chờ để bắt sống toàn bộ số người đi sau. Biết được âm mưu nham hiểm của địch, quyết không để cán bộ của ta rơi vào tay bọn chúng, chị tôi đã chống cự quyết liệt. Chị tôi lao thẳng vào tên quan Pháp và túm ngay vào chỗ hiểm, dùng hết sức mình bóp chặt lấy bộ hạ của hắn. Bị đòn đau bất ngờ, quên cả việc lớn, tên quan Pháp kêu rống lên như con bò bị chọc tiết. Một tên lính lê dương đứng cạnh đó vội lôi chị tôi ra và dùng súng xả trọn một băng đạn vào ngực chị tôi. Thấy động, đoàn cán bộ của ta đã rút lui an toàn tuyệt đối. còn chị tôi đã anh dũng hy sinh ngay tại dưới chân núi Đôi... và ngày đó, hằng năm đã trở thành ngày giỗ chị tôi". Thời gian qua đi, cho mãi tới năm 2008, xã Tiên Dược mới tiến hành cho sửa lại ngày, tháng, năm hy sinh trên phần mộ của nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc. Tuy nhiên, mới đây tôi có dịp trở lại thăm nghĩa trang xã Tiên Dược, thì thấy tấm bia đá trên mộ của chị đã được sửa lại đúng tháng, đúng năm, nhưng ngày hy sinh (ngày 17- 3) thì vẫn không đúng với ngày giỗ của gia đình (16-3)? Song điều đáng nói ở đây là: Mặc dù xã Tiên Dược đã sửa sai bia đá trên mộ, nhưng tấm bia lớn ở đài liệt sĩ thì vẫn giữ nguyên (ngày 10-2-1952). Hơn nữa, có tới hàng chục tên, tuổi, quê quán của liệt sĩ được khắc trên bia đá trong nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược hầu hết đều sai lỗi chính tả như: "Trần Thị Bắc, quê quán xã Phù Linh" thì lại ghi là: "xã Phù Ninh"... Nghĩa trang liệt sĩ là một công trình văn hóa tâm linh, là nơi tôn nghiêm nhất để mọi người đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì dân, vì nước. Vì thế, tất cả các nội dung và hình thức thể hiện trong nghĩa trang đều phải được làm hết sức cẩn thận và chuẩn xác. Thiết nghĩ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), là địa phương được nhân dân tin tưởng gửi gắm, giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý, trông coi nghĩa trang liệt sĩ cần kiểm tra lại, đồng thời chỉnh sửa ngay những sai sót do lỗi chủ quan của mình gây nên. Có như vậy mới thực sự yên lòng người đã khuất. Bài và ảnh: Ngô Văn Học

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/24/24/155582/Default.aspx