Sinh viên làm gì khi rảnh rỗi?

(SVVN) Đây là một câu hỏi đơn giản để hình thành đề tài nghiên cứu thú vị cho nhóm bạn sinh viên trường ĐH Mở TP. HCM. Tác giả của đề tài là 3 nữ sinh viên: Giang Thị Dung, Nguyễn Thị Mơ và Ngô Thị Nhung (đều học lớp XH07A1, khoa Xã hội học và Công tác xã hội). Đề tài được nhiều bạn sinh viên xem là hết sức gần gũi, đáng được lưu tâm.

Làm gì với “tài sản quý” của bạn?

Nhóm bạn thực hiện đề tài cho rằng, bất cứ sinh viên nào cũng có một tài sản rất quý giá, đó là 24 giờ/ngày. Các thành viên của nhóm tự nhận thấy, ngoài giờ học ở trường, việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của các bạn vẫn chưa thật sự hiệu quả. Nhiều sinh viên thường dành phần lớn thời gian cho việc giải trí. Khi hoạt động giải trí lấn át thời gian tham gia hoạt động xã hội và học tập, trau dồi kiến thức thì những ngày tháng gắn bó với giảng đường sẽ trở nên lãng phí.

Giang Thị Dung cho biết: “Cách sử dụng thời gian chính là yếu tố tạo sự khác biệt giữa mỗi sinh viên với nhau. Nhưng chính mình cũng tự nhận thấy, mức độ tham gia các hoạt động xã hội của mình còn thấp. Mình cũng chưa có thói quen lập kế hoạch hằng ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc, mình chưa sử dụng hiệu quả “tài sản” của mình”.

Từ những trăn trở rất thực tế đó, nhóm bạn cùng ngồi lại, trao đổi và thảo luận. Sau đó, nhóm quyết định chọn và triển khai đề tài: “Tìm hiểu các hoạt động trong thời gian nhàn rỗi của sinh viên”. Dung cho biết: “Tụi mình chọn mẫu nghiên cứu tại 4 trường đại học thuộc nhiều quận khác nhau ở TP. HCM. Đó là: Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM, cơ sở 1 và 2 (Q. 1 và Q. Thủ Đức), trường ĐH Công nghiệp (Q. Gò Vấp), trường ĐH Bách khoa, cơ sở 1 và 2 (Q. 10 và Q. Thủ Đức), trường ĐH Sư phạm TP. HCM, cơ sở 2 và KTX trường ĐH Sư phạm TP. HCM (Q. 3 và Q. 11). Tụi mình tiến hành cuộc nghiên cứu mẫu cho 200 sinh viên thuộc 4 trường đại học trên. Ngoài phỏng vấn bằng bản hỏi, cả nhóm còn phỏng vấn trực tiếp sinh viên, ghi âm để tìm ra vấn đề và tăng tính thuyết phục”.

Cần quan tâm hơn đến thời gian biểu của mình!

Qua kết quả nghiên cứu của nhóm, có 5 hoạt động sinh viên tham gia nhiều trong thời gian nhàn rỗi. Đó là: Đọc sách/báo, tự học ở nhà, xem tivi/nghe nhạc, đi chơi/ trò chuyện cùng bạn bè và truy cập Internet. Đây là những hoạt động giúp ích cho sinh viên trong học tập, trau dồi kiến thức cũng như giải trí, giao lưu. Những hoạt động có xu hướng tiêu cực như: Uống rượu bia, đánh bài, chơi game… sinh viên có tham gia, nhưng không quá nhiều và thường xuyên.

Cũng theo khảo sát của nhóm bạn, cách thức sử dụng thời gian nhàn rỗi của sinh viên không bị tác động bởi gia đình, môi trường xã hội và bạn bè. Tức là sinh viên gần như hoàn toàn chủ động trong việc dùng thời gian của mình. Theo nhận định của Dung, nếu nhóm mở rộng đối tượng nghiên cứu quy mô hơn, hướng đối tượng nghiên cứu đến những trường đại học dân lập, các trường cao đẳng, trung cấp thì tỷ lệ sử dụng thời gian của sinh viên chắc chắn sẽ có nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thông qua công việc khảo sát, nhóm nghiên cứu muốn chuyển tải đến đông đảo sinh viên một thông điệp. Đó là, các bạn sinh viên nên dành nhiều thời gian để học trong thời gian nhàn rỗi nhiều hơn và tham gia các hoạt động xã hội thường xuyên hơn để góp nhặt các kỹ năng, kinh nghiệm giúp ích cho công việc tương lai. Mỗi bạn cần tự ý thức hơn tầm quan trọng của việc học tập và lập thời gian biểu hằng ngày để có thể hoàn thành những mục tiêu đặt ra.

Chỉ cần mỗi người luôn tâm niệm “việc hôm nay chớ để ngày mai”, thì sẽ sử dụng tốt thời gian biểu của mình.

Nhóm nghiên cứu “Tìm hiểu các hoạt động trong thời gian nhàn rỗi của sinh viên”, chia sẻ: “Tụi mình quan niệm, nghiên cứu không nhất thiết phải là những công trình lớn, đồ sộ mà có thể nghiên cứu những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn như nghiên cứu về đời sống sinh viên cũng rất thú vị”.

Xuân Huy

Lưu bài viết |

Nguồn SVVN: http://www.svvn.vn/vn/news/doisong/4025.svvn