Sinh viên Việt Nam chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

- Ngày 19/12, tại Thành phố Nam Định, đã diễn ra chương trình tọa đàm và giao lưu, tìm hiểu “Sinh viên Việt Nam với biến đổi khí hậu” do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức.

Chống lại sự biến đổi mạnh mẽ của khí hậu là nhiệm vụ của mọi người, mọi tổ chức trong xã hội. Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên trong các nhà trường đã thể hiện rõ vai trò xung kích, tình nguyện chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình tọa đàm, giao lưu “Sinh viên Việt Nam với biến đổi khí hậu” là cơ hội để cho sinh viên thể hiện quan điểm, trách nhiệm của mình và chia sẻ kiến thức, đưa ra các giải pháp về biến đổi khí hậu. Đồng thời chương trình cũng phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến là các tuyên truyền viên tích cực về tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó. Các ý kiến tham luận tại tọa đàm cho rằng, công tác giáo dục, nâng cao ý thức của sinh viên đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã được các trường quan tâm đáng kể và cũng đã tạo được những biến chuyển tích cực. Hầu hết các chương trình hành động đều được xuất phát từ những việc nhỏ, gần gũi với thực tiễn cuộc sống, tuy nhiên hoạt động này chưa được hình thành thói quen, văn hóa ứng xử với môi trường. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên đã được đánh giá rất cao, đặc biệt là phong trào thanh niên tình nguyện với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: thành lập các đội hình tuyên truyền viên về ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, trồng nhiều cây xanh, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không sử dụng túi và đi bộ cũng là cách để ứng phó với biến đổi khí hậu… Nhằm kêu gọi mọi người có hành động cụ thể trong việc chung tay chống lại biến đổi khí hậu, các bạn sinh viên trường Đại học Hàng hải Việt Nam luôn chủ động lồng ghép nội dung tuyên truyền về môi trường vào các hoạt động cụ thể trong các chương trình văn nghệ và phong trào tình nguyện, các cuộc thi. Đồng thời, các bạn cũng tổ chức nhiều chiến dịch trồng cây, thu gom rác thải, đi xe đạp vì môi trường…qua đó dần dần thay đổi thói quen văn hóa có lợi với môi trường. Các bạn sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường bày tỏ, sinh viên chưa đủ sức làm những việc lớn thì cố gắng làm những việc nhỏ, vừa tầm với mình. Ý tưởng khuyến khích sinh viên sử dụng xe đạp đến trường là cách làm hay của trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường rất được các trường chú ý để nhân rộng thực hiện. Bên cạnh đó là việc tận dụng giấy đã sử dụng một mặt để làm nháp và không vất giấy ni lông bừa bãi, trồng nhiều cây xanh. Đặc biệt, với lợi thế là sinh viên trường Tài nguyên và Môi trường, các bạn đã tự ý thức được trách nhiệm của mình với môi trường và dùng những kiến thức mình đã được học để tuyền truyền giải thích cho bạn bè và người thân trong gia đình cùng tham gia bảo vệ môi trường. Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), các hoạt động “Sắc xanh Tự nhiên” đã được thành lập mấy năm gần đây, nhắc nhở sinh viên ý thức tiết kiệm năng lượng, giữ gìn vệ sinh giảng đường, trồng cây xanh…Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái nguyên) cũng kêu gọi các bạn sinh viên tham gia “Ngày thứ 7 tình nguyện và Ngày Chủ nhật xanh”, nhằm tham gia vào công việc dọn dẹp vệ sinh và tuyên truyền cho sinh viên nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường. Đại đa số các bạn sinh cho rằng, để tăng cường hiệu quả chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, mỗi sinh viên cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, có hành động cụ thể, tạo cho mình thói quen văn hóa trong việc ứng xử với môi trường, đồng thời, tuyên truyền người thân cùng bạn bè chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phải có sự quan tâm sát sao hơn của các cấp đến công tác này, phổ biến thêm nhiều hoạt động tuyên truyền kiến thức về ứng phó biến đổi khí hậu, thiết lập các chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với sinh viên có sáng tạo trong việc ứng phó với môi trường. Đặc biệt là tổ chức nhiều diễn đàn giao lưu thiết thực để đông đảo các bạn sinh viên và người dân cùng tham gia, hiểu biết chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam và trên thế giới. Tối cùng ngày, tại thành phố Nam Định, sinh viên các trường Đại học đã tham gia chương trình giao lưu và tìm hiểu về biến đổi khí hậu. Sinh viên của các trường đã thể hiện kỹ năng tuyên truyền và phương pháp ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những tiểu phẩm kịch ngắn đưa ra những cảnh báo về thảm họa sẽ xảy ra, mang đến nhiều thông điệp giúp cộng đồng hiểu tác hại của biến đổi khí hậu và cách ứng phó. Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định với nhiều sáng tạo, đưa ra nhiều thông điệp gần gũi thiết thực, vận động mọi người chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=439483&co_id=30081