Siêu tăng hạng nhẹ Stingray: Mỹ bỏ rơi, Thái Lan hốt gọn

Sau khi Quân đội Mỹ từ bỏ xe tăng hạng nhẹ Stingray, Thái Lan đã chớp thời cơ mua trọn 106 chiếc tăng loại này sử dụng.

Trà Khánh

Giữa những năm 1980, Quân đội Mỹ đưa ra yêu cầu phát triển xe tăng hạng nhẹ nhưng phải sở hữu sức mạnh hỏa lực tương đương các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực vào thời đó. Mẫu xe tăng hạng nhẹ Stingray do hãng Textron Systems phát triển cũng được thiết kế dựa trên yêu cầu này.

Xe tăng hạng nhẹ Stingray có trọng lượng tối đa chỉ 22,6 tấn và được thiết kế để có thể dễ dàng vận chuyện bằng máy bay vận tải quân sự C-130. Chương trình phát triển Stingray được xem là dự án khá mạo hiểm của Textron Systems lúc đó khi mà nhiều tập đoàn quốc phòng lớn khác của Mỹ trong giai đoạn này cũng phát triển các dự án xe tăng hạng nhẹ tương tự điển hình như V600 của Cadillac Gage.

Nguyên mẫu thử nghiệm xe tăng hạng nhẹ Stingray được đánh giá khá cao với khả năng tác chiến cơ động trên mọi loại địa hình. Bên cạnh đó nó còn được trang bị hỏa lực mạnh mẽ với pháo chính 105mm tương đương pháo chính của xe tăng chiến đấu hạng nặng M60 Patton của Quân đội Mỹ lúc đó.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Stingray là lớp giáp bảo vệ yếu ớt của nó, điều này hoàn toàn có thể thông cảm được cho Textron Systems khi mà họ phải làm vậy để giảm tối đa trọng lượng của xe. Giáp chính của Stingray chỉ có thể chịu được các loại đạn 14.5mm và nếu phải đối đầu với tên lửa chống tăng hay xe tăng đối phương nó sẽ không có cơ hội sống sót. Chính điều này đã khiến Stingray bị loại ngay khi được đề xuất cho Quân đội Mỹ.

Dù không được Quân đội Mỹ để ý tới nhưng Stingray vẫn tìm thấy được cơ hội của mình đến từ một quốc gia khác là Thái Lan. Khi đó, Quân đội Hoàng gia Thái Lan quyết định mua khoảng 106 chiếc Stingray và chính hợp đồng này đã giúp Textron Systems vớt vát được chương trình phát triển mẫu xe tăng hạng nhẹ này.

Vai trò thực sự của Stingray trong Quân đội Thái Lan cũng không quá nổi bật một phần quốc gia này hầu như không tham gia bất cứ cuộc xung đột lớn nào sau Chiến tranh Việt Nam. Do đó nhu cầu sử dụng Stingray trong một cuộc chiến đòi hỏi khả năng tác chiến cơ động gần như là không có.

Dù vậy khi hoạt động trong các đơn vị thiết giáp của Quân đội Thái Lan Stingray vẫn được đánh giá là khá ổn và nó cũng có thể được xem là một mẫu xe bọc thép được trang bị hỏa lực mạnh. Nhưng tương lai của Stingray tại Thái Lan có thể sẽ không kéo dài được lâu khi phụ tùng thay thế cho mẫu xe tăng này ngày càng hạn chế và nó không đáp ứng được các nhu cầu tác chiến của Quân đội Thái Lan đưa ra hiện tại.

Pháo chính L7A3 105mm của xe tăng Stingray là do Anh phát triển với các đặc tính kỹ thuật gần như tương đương các phiên bản ban đầu của xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Quân đội Mỹ. Nó có thể bắn được hầu hết mọi loại đạn pháo 105mm dành cho xe tăng của NATO. Tất nhiên pháo L7A3 của Stingray phải nạp đạn bằng tay, trên tháp pháo được trang bị sẵn 8 viên đạn 105mm và số còn lại được bố trí dưới thân xe.

Bên cạnh đó Stingray còn được trang bị một súng máy đồng trục 7.62mm và một súng máy hạng nặng 12.7mm. Phía trước tháp pháo của Stingray cũng được trang bị các ống phóng lựu ngụy trang.

Về hệ thống động cơ, Stingray được trang bị động cơ diesel Detroit Diesel 8V-92TA có công suất 535 mã lực cho tốc độ tối đa khoảng 67km/h với tầm hoạt động 480km.

Kíp chiến đấu của Stingray gồm 4 binh sĩ gồm trưởng xe, lái xe, pháo thủ và nạp đạn, trang thiết bị thông tin liên lạc trên Stingray tương tự như các xe tăng khác cùng thời của Quân đội Mỹ điển hình như M60.

Trong ảnh là một chiếc Stingray của Quân đội Hoàng gia Thái Lan, cho tới thời điểm hiện tại Thái Lan vẫn duy trì hoạt động đầy đủ của 106 chiếc Stingray của nước này.

Sau khi Textron Systems bị Cadillac Gage mua lại, Stingray tiếp tục được phát triển lên biến thể Stingray II với việc nâng cấp hệ thống giáp bảo vệ, cải thiện khả năng cơ động cũng như nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực và thay đổi pháo chính mới có độ ổn định khi bắn cao hơn. Nhưng đáng tiếc là không có quốc gia nào trên thế giới quan tâm tới Stingray II nhất là khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Một chiếc Stingray còn như mới của Quân đội Hoàng gia Thái Lan.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/sieu-tang-hang-nhe-stingray-my-bo-roi-thai-lan-hot-gon-621783.html